Mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

1.1. Mức cấp dưỡng

Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình:

Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào

+ Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng

+ Và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng;

Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể được thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Người có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó. Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng.

Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà Tòa án sẽ quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.

Khi quyết định mức tiền phải cấp dưỡng, Tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập của người cấp dưỡng, thông thường thực tế, mức cấp dưỡng sẽ dao động từ 15% -30% mức thu nhập của người cấp dưỡng. Vì vậy, mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng. Tuy nhiên, trong trường hợp mức cấp dưỡng nuôi con Tòa án phán quyết vẫn vượt quá khả năng của người cấp dưỡng thì người cấp dưỡng có quyền làm đơn đề nghị Tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng.

1.2. Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

– Phương thức cấp dưỡng được quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình: Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong trường hợp một người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhiều người:

Người cấp dưỡng và những người được cấp dưỡng thỏa thuận với nhau về phương thức và mức cấp dưỡng phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của những người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 108 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Trong trường hợp nhiều người cùng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người:

Những người này thỏa thuận với nhau về phương thức và mức đóng góp phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mỗi người và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 109 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Trong các vụ án hình sự mà có người bị hại chết thì bị cáo còn có trách nhiệm bồi thường khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 519 Bộ luật dân sự năm 2015.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *