[VPLUDVN] Mục đích của hình phạt là kết quả thực tế cuối cùng mà Nhà nước mong muốn đạt được khi quy trách nhiệm hình sự đối với tội phạm và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội
Mục đích của hình phạt?
Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Bình luận và phân tích mục đích của hình phạt
Mục đích của hình phạt là kết quả thực tế cuối cùng mà Nhà nước mong muôn đạt được khi quy trách nhiệm hình sự đối với tội phạm và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội.
Theo điều luật thì mục đích của hình phạt thể hiện trước hết ở chỗ hình phạt tác động trực tiếp đến người phạm tội, không chỉ trừng trị mà còn nhằm giáo dục, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Trong lý luận, mục đích này của hình phạt được thể hiện bằng thuật ngữ phòng ngừa riêng.
Nội dung chủ yếu của phòng ngừa riêng là hình phạt đưa lại những tước bỏ, hạn chế nhất định về quyền và lợi ích theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với người bị kết án. Mức độ phải chịu những tước bỏ và hạn chế quyền lợi này tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và nhân thân của người phạm tội.
Về nguyên tắc, tội phạm càng nguy hiểm thì mức độ trừng trị người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm đó càng nghiêm khắc. Tuy nhiên, hình phạt theo Luật Hình sự Việt Nam không coi trừng trị người phạm tội làm mục đích chủ yếu. Cái chủ yếu trong mục đích phòng ngừa riêng của hình phạt là cải tạo, giáo dục người phạm tội để họ từ một con người lầm lỗi, vi phạm pháp luật trở thành người có ý thức tôn trọng pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới.
Mục đích của hình phạt là gì?
Trong phòng ngừa riêng, giữa trừng trị, cải tạo, giáo dục người phạm tội, ngăn ngừa họ phạm tội mối có quan hệ tương tác qua lại với nhau rất chặt chẽ. Không thể nói đến giáo dục được người phạm tội nếu như hình phạt trừng trị họ không tương xứng (hoặc quá nhẹ hoặc quá nặng) với tội phạm đã gây ra. Bởi vì hình phạt trước hết là hậu quả pháp lý của tội phạm, là thước đo thái độ lên án của Nhà nước đối với cá nhân người phạm tội, là tiêu chí của công lý và công bằng xã hội. Trừng trị công minh là yếu tố tiên quyết quan trọng để đảm bảo mục đích giáo dục. Trong mốì quan hệ giữa mặt trừng trị và giáo dục của hình phạt thì trừng trị đóng vai trò vừa là mục đích (tuy không phải là chủ yếu) vừa là phương tiện để đạt được mục đích chủ yếu của phòng ngừa riêng.
Do đó, nếu hình phạt chỉ nhằm trừng trị người phạm tội thì có nghĩa Luật Hình sự chỉ dừng lại ở mục đích nêu ra một phương tiện đấu tranh vối tội phạm (hình phạt trừng trị) mà chưa giải quyết một vấn đề cơ bản, đó là phương tiện (hình phạt trừng trị) hướng vào kết quả thực tế cuối cùng là gì. Hơn nữa, dưới chế độ ta, quy định và áp dụng hình phạt đều xuất phát từ lợi ích con người và những giá trị nhân văn của xã hội. Chính xuất phát từ lôgíc này, nhà làm luật nước ta đã thể hiện mục đích phòng ngừa riêng của hình phạt là: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn nhằm giáo dục họ trở thành ngươi có ích cho xã hội, ngăn ngừa họ phạm tội mới…”.
Ngoài mục đích phòng ngừa riêng nêu trên, hình phạt còn có mục đích nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm (phòng ngừa chung).
Áp dụng hình phạt đối vói người phạm tội trong từng trường hợp cụ thể bao giờ cũng tác động đến các thành viên khác trong xã hội. Tuỳ vào từng vụ án hình sự, ý thức pháp luật, sự chú ý riêng cũng như những đặc điểm riêng về tâm sinh lý của mỗi người… mà mức độ tác động của hình phạt đối vối họ khác nhau. Trong xã hội ta, tuyệt đại đa số nhân dân không vi phạm pháp luật hình sự, không phải do sợ hình phạt mà lý do chính thuộc về ý thức tôn trọng pháp luật và tinh thần đấu tranh không dung thứ của họ đối với tội phạm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau mà xã hội còn một bộ phận những công dân không vững vàng, dễ bị lôi kéo vào con đường vi phạm pháp luật, thậm chí nghiêm trọng là phạm tội. Với bộ phận công dân này, tác dụng răn đe và giáo dục của hình phạt để ngăn ngừa tội phạm được đưa lên hàng đầu trong mục đích phòng ngừa chung của hình phạt.
Để đạt được mục đích phòng ngừa chung của hình phạt, đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp về kinh tế, chính trị, tư tưỏng, tổ chức, pháp lý, văn hoá, giáo dục… trong đó tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật công dân có ý nghĩa to lớn. Hình phạt chỉ phát huy được tác dụng giáo dục phòng ngừa chung khi quần chúng nhân dân hiểu biết, thấy được tính cần thiết và sự công bằng của nó, khi niềm tin và công lý ngày càng được củng cố và phát triển.
Phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung là hai mặt không thể tách rời của hình phạt, chúng ảnh hưởng qua lại với nhau trong mục đích chung (tổng thể) của hình phạt. Sẽ không thể đạt được phòng ngừa chung nếu mục đích phòng ngừa riêng bị triệt tiêu, cũng như khi mục đích phòng ngừa chung bị hạn chế thì phòng ngừa riêng sẽ thiếu môi trường xã hội thuận lợi. Nói một cách khách, không thể đạt được kết quả làm cho những người khác tôn trọng pháp luật nếu như bản thân người đã phạm tội, đã bị áp dụng hình phạt vẫn khinh thường pháp luật hoặc là sẽ khó đạt được mục đích của hình phạt.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.