Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự được quy địnhnhư thế nào?

[VPLUDVN] Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Một cách cụ thể, người tiến hành tố tụng gồm:

– Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra;

– Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

– Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên.

Còn người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định trong phạm vi chủ thể khá rộng, cụ thể bao gồm:

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đồn trưởng, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Hải quan gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm lâm gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Cảnh sát biển gồm Tư lệnh, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển; Tư lệnh vùng, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn trưởng, Phó Hải đoàn trưởng; Hải đội trưởng, Phó Hải đội trưởng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm ngư gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân gồm Giám đốc, Phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, Giám thị, Phó Giám thị Trại giam theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự;

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân gồm Giám thị, Phó Giám thị Trại giam; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.

– Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Căn cứ các quy định trên đây, đối với thắc mắc của bạn, cần phân biệt người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng là hai khái niệm tách biệt nhau, không phải do cách viết khác nhau khi nói về cùng một chủ thể như bạn đang phân vân. Theo đó, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có phạm vi chủ thể rộng hơn so với người tiến hành tố tụng, cụ thể là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bao gồm người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trên thực tế thì hai thuật ngữ trên rất dễ bị hiểu lầm là một và bị sử dụng sai chủ yếu bởi những người không tìm hiểu hoặc hoạt động trong lĩnh vực pháp luật. Bạn cần lưu ý để sử dụng phù hợp cho từng ngữ cảnh.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *