Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự Việt Nam là gì?

[VPLUDVN] Trước yêu cầu cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 ra đời được xem như một công cụ hữu hiệu để đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Đây được xem là một thành tố quan trọng của pháp luật hình sự.

Vậy Bộ luật hình sự hiện hành ra đời trong hoàn cảnh nào ? Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự bao gồm những gì? Bộ luật hình sự bao gồm những nội dung cơ bản nào? Dưới đây là góc nhìn của chúng tôi về nhiệm vụ của Bộ luật hình sự.

1. Hoàn cảnh ra đời của Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành

Trước yêu cầu cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thời gian qua, một loạt các luật, bộ luật lớn và quan trọng đã được ban hành trong đó có Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội khóa XIII, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội khóa XIV (viết tắt là Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bộ luật này đã quy định chặt chẽ hơn, tăng mạnh sức răn đe hơn cho những đối tượng xâm phạm đến các chủ thể được pháp luật bảo vệ so với quy định trước đây.

2. Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự bao gồm những gì?

Dựa trên nhu cầu thực tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân; đảm bảo tính dân chủ, công bằng, văn minh, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, Bộ luật Hình sự đã nêu bật được những nhiệm vụ của mình ngay trong tinh thần của Điều 1 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 – Điều khoản mở đầu Bộ luật hình sự:

Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự

Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quổc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt.

Qua đây có thể thấy, Bô luật hình sự hướng tới ba nhiệm vụ chính nổi bật:

– Nhiệm vụ 1: Bảo vệ chủ quyền quổc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật;

– Nhiệm vụ 2: Phòng ngừa và đấu tranh chống mọi hành vi phạm tội;

– Nhiệm vụ 3: Giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật.

Ba nhiệm vụ này được thực hiện thông qua việc Bộ luật xác định các hành vi bị coi là tội phạm và quy định hình phạt được áp dụng cho hành vi bị coi là tội phạm. Đây là nội dung của Bộ luật hình sự. Giữa nội dung của Bộ luật hình sự và nhiệm vụ của Bộ luật hình sự có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, các nhiệm vụ của Bộ luật hình sự quy định nội dung của Bộ luật và ngược lại, nội dung phù hợp của Bộ luật hình sự là điều kiện cần thiết để Bộ luật hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Ba nhiệm vụ của BLHS được xác định tại Điều 1 tuy có nội dung khác nhau nhưng không độc lập mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

1.1. Nhiệm vụ bảo vệ

Như đã đề cập ở trên, nhiệm vụ bảo vệ của Bộ luật hình sự bao gồm: Bảo vệ chủ quyền quổc gia, an ninh của đất nước; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật. Đây có thể coi là nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ luật hình sự Việt Nam.

Có thể thấy bốn chủ thể Bộ luật hình sự hướng tới bảo vệ chủ yếu là “quốc gia”, “chế độ xã hội chủ nghĩa”, “con người”, và “trật tự pháp luật”. Bảo vệ các đối tượng này là nhiệm vụ chung của Nhà nước, của xã hội, của các tổ chức và cá nhân. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, Nhà nước cần sử dụng nhiều phương tiện khác nhau. Trong đó, Bộ luật hình sự là một phương tiện pháp lý quan trọng.

Một câu hỏi đặt ra rằng, tại sao Bộ luật hình sự cần phải bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền công dân? Để trả lời câu hỏi này, tôi xin đưa ra quan điểm của mình như sau:

Chủ quyền quốc gia là Quyền làm chủ đối với quốc gia, là thuộc tính chính trị – pháp lý không thể tách rời khỏi quốc gia. Chủ quyền quốc gia bao gồm nhiều nội dung, trong đó có các quyền cơ bản là quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ, quyền tự quyết định những công việc của quốc gia, quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại.

Chúng ta – những người đang sinh sống và làm việc trong lãnh thổ Việt Nam, quốc gia tồn tại, thì chúng ta mới tồn tại. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Bảo vệ được chủ quyền quốc gia sẽ tạo tiền đề để bảo vệ các chủ thể khác mà Bộ luật hình sự hướng đến.

Kế thừa những quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và an ninh quốc gia, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định, các hành vi cấu thành tội phản bội Tổ quốc (Điều 108), tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111); tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội (Điều 115); tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116)… phải bị nghiêm trị.

Cùng với đó, việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa cũng vô cùng quan trọng. Xã hội Việt Nam đang được hình thành và hướng tới đi lên xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp Việt Nam nêu bật rằng: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Đối tượng cuối cùng mà Bộ luật hình sự hướng tới bảo vệ là quyền con người, quyền công dân, quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc. Con người là yếu tố cơ bản hình thành nên mọi hình thái xã hội, mọi quốc gia, mọi dân tộc. Vì vậy, hơn tất cả, quyền con người phải được chú trọng bảo vệ, không chỉ trong Bộ luật hình sự nói riêng mà còn trong cả hệ thống pháp luật nói chung của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ở nhiệm vụ này, Bộ luật hình sự là cơ sở pháp lý cho các hoạt động phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm để buộc người phạm tội cũng như pháp nhân thương mại có liên quan và thỏa mãn các điều kiện luật định phải chịu trách nhiệm hình sự.

1.2. Nhiệm vụ phòng, chống tội phạm

Như đã phân tích ở trên, Bộ luật hình sự là cơ sở pháp lý cho hoạt động phát hiện tội phạm; điều tra, truy tố và xét xử tội phạm. Các hoạt động này không chỉ ngăn chặn không cho tội phạm đã bị phát hiện có thể tiếp tục diễn ra mà còn có khả năng răn đe, ngăn ngừa người khác phạm tội, ngăn ngừa pháp nhân thương mại khác lâm vào tình trạng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Công tác chống tội phạm có kết quả còn có tác dụng động viên, khuyến khích các cá nhân cũng như tổ chức tích cực tham gia chống tội phạm cũng như giáo dục ý thức phòng ngừa tội phạm. Với ý nghĩa này, nhiệm vụ chống tội phạm cũng góp phần phòng ngừa tội phạm. Do vậy, có thể nói, Bộ luật hình sự có nhiệm vụ chống và phòng ngừa tội phạm.

1.3. Nhiệm vụ giáo dục

Qua thực hiện nhiệm vụ chống và phòng ngừa tội phạm, Bộ luật hình sự có thể thực hiện nhiệm vụ “giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chổng tội phạm”. Theo đó, nhiệm vụ giáo dục của Bộ luật hình sự có đối tượng không chỉ là người phạm tội mà là tất cả các cá nhân, tổ chức. Việc giáo dục không chỉ hướng tới ý thức tuân theo pháp luật để người đã bị kết án không phạm tội lại cũng như để người khác không phạm tội mà còn hướng tới ý thức phòng ngừa và chống tội phạm. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống tội phạm, bộ luật hình sự không chỉ góp phần giáo dục mọi người ý thức cảnh giác, tự mình có các biện pháp để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm mà còn góp phần xây dựng, củng cố ý thức trách nhiệm của mọi người trong phát hiện tội phạm cũng như trong họp tác với các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử tội phạm. Nhiệm vụ giáo dục của Bộ luật hình sự được thực hiện có hiệu quả có tác động tích cực trở lại đối với nhiệm vụ chống tội phạm và nhiệm vụ bảo vệ của Bộ luật hình sự. Nhiệm vụ giáo dục của Bộ luật hình sự tuy được quy định là đối với “mọi người ” nhưng thông qua giáo dục “mọi người” mà trong đó có các cá nhân lãnh đạo các tổ chức, Bộ luật hình sự cũng có tác động để hoạt động của các tổ chức tuân theo pháp luật cũng như để các tổ chức tham gia phòng ngừa và chống tội phạm.

3. Nội dung cơ bản của Bộ luật hình sự

Các nhiệm vụ trên đây của BLHS gắn liền với nội dung của BLHS. BLHS thực hiện các nhiệm vụ này qua việc “… quy định về tội phạm và hình phạt”.

Trong đó, các quy định về tội phạm và hình phạt bao gồm các quy định chung về tội phạm và hình phạt; các quy định về từng tội cụ thể và các khung hình phạt có thể được áp dụng cho từng tội cụ thể. Các quy định chung về tội phạm và hình phạt tạo thành Phần thứ nhất – Những quy định chung của Bộ luật hình sự hay thường được gọi là Phần chung. Phần chung của Bộ luật hình sự hiện nay có 107 điều và được chia thành 12 chương. Mỗi chương quy định một nhóm vấn đề chung về tội phạm như Chương III quy định về khái niệm tội phạm, Chương VI quy định về khái niệm hình phạt.

Các quy định về từng tội cụ thể và các khung hình phạt có thể được áp dụng cho từng tội cụ thể tạo thành Phần thứ hai – Các tội phạm hay thường được gọi là Phần riêng của Bộ luật hình sự. Phần riêng của Bộ luật hình sự hiện nay có 318 điều và được chia thành 14 chương. Mỗi chương quy định về nhóm tội phạm cụ thể như Chương XIII quy định các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Chương XXIII quy định các tội phạm về chức vụ.

Nội dung quy định tội phạm và hình phạt trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có nhiều điểm mới so với các Bộ luât hình sự trước đây. Trong đó, điểm mới mang tính thay đổi cơ bản là bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, trong đó có các quy định về điều kiện cũng như phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, về hệ thống hình phạt được áp dụng cho pháp nhân thương mại bên cạnh hệ thống hình phạt cho người phạm tội cũng như các quy định về quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại.

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là một trong những bộ luật đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hoàn thiện pháp luật hình sự của Nhà nước Việt Nam, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra và bảo đảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Cụ thể:

– Bộ luật hình sự năm 2015 bổ sung quy định hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù.

Hình phạt tiền được quy định tương đối phổ biến, thay thế cho hình phạt tù.

– Bộ luật hình sự năm 2015 bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

– Bộ luật hình sự thay đổi chính sách hình sự đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

– Bộ luật hình sự thay đổi chính sách hình sự đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội.

– Bộ luật hình sự bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

– Bộ luật hình sự bổ sung các tội phạm mới, bãi bỏ một số tội phạm không còn phù hợp với thực tế khách quan.

Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình ở 08 tội danh gồm: tội cướp tài sản (Điều 168); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); tội chống mệnh lệnh (Điều 394); tội đầu hàng địch (Điều 399); và tội hoạt động phỉ (do BLHS năm 2015 đã bỏ tội danh này). Theo đó, Bộ luât hình sự năm 2015 còn duy trì hình phạt tử hình đối với 18 tội danh, trong tổng số 314 tội danh.

– Bộ luật hình sự đã cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính, đưa ra những định mức cụ thể để xem xát cấu thành tội phạm.

Xét tổng thể, Bộ luật hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa đến mức tối đa những quy định mang tính định tính, định lượng, vốn là một trong những bấp cập của Bộ luật hình sự hiện hành. Nhiều nội dung đã được thể hiện trong Bộ luật hình sự năm 2015. Điển hình như Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa tình tiết định khung “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 133 Bộ luât hình sự năm 1999 bằng các tình tiết “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ”, “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”; bỏ các tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” ở khoản 3, khoản 4 của điều luật. Hoặc Điều 172 Bộ luật hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa và làm rõ các tình tiết định tội “gây hậu quả nghiêm trọng” ở khoản 1 Điều 137 của Bộ luật hình sư năm 1999 bằng “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, cụ thể hóa tình tiết “đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản” bằng “Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này” và bổ sung trong cấu thành cơ bản đối tượng “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” mặc dù có giá trị dưới 2.000.000 đồng vẫn có thể bị xử lý hình sự theo khoản 1 nếu đáp ứng các điều kiện khác trong cấu thành tội phạm.

Sưu tầm và Biên soạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *