Phân tích mặt chủ quan của tội phạm

[VPLUDVN] Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm, là trạng thái tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do người đó thực hiện và đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi ấy, thể hiện ở dấu hiệu lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội. 

Trong các dấu hiệu lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội thì dấu hiệu lỗi là dấu hiệu có trong tất cả các cấu thành tội phạm. Dấu hiệu động cơ phạm tội và dấu hiệu mục đích phạm tội chỉ có trong một số tội phạm nhất định.

Tội phạm là thể thống nhất của mặt khách quan và chủ quan của tội phạm. Nếu như mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài, thể hiện của tội phạm ra ngoài thế giới khách quan thì mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong, thể hiện trạng thái tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi đó gây ra.

– Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do người đó thực hiện và đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.

Dấu hiệu lỗi của tội phạm được thể hiện trên các mặt là lý trí và ý chí.

Lý trí thể hiện khả năng nhận thức của một người đối với những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội khi thực hiện hành vi nhất định.

Ý chí thể hiện khả năng lựa chọn, điều khiển hành vi của một người khi thực hiện hành vi nào đó trên cơ sở khả năng nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi của mình. Một người bị coi là có lỗi nếu người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có điều kiện cân nhắc, lựa chọn quyết định thực hiện hành vi khác phù hợp với đòi hỏi (yêu cầu) của xã hội.

BLHS đã quy định cụ thể các trường hợp cố ý phạm tội theo Điều 10 BLHS quy định “Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây: 1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; 2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra” và vô ý phạm tội theo Điều 11 BLHS quy định  “Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây: 1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; 2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.

Dựa trên sự biểu hiện khác nhau về lý trí và ý chí của từng loại lỗi, khoa học luật hình sự chia lỗi cố ý ra thành cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp; chia lỗi vô ý ra thành lỗi vô ý quá tin (vô ý vì quá tự tin) và vô ý cẩu thả (vô ý do cẩu thả).

+ Lỗi cố ý trực tiếp: Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 BLHS, thì lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của phạm tội trong trong trường hợp “người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra”.

Từ quy định này có thể rút ra lỗi cố ý trực tiếp thể hiện ở hai dấu hiệu về lý trí và về ý chí như sau:

Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, nghĩa là nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình trên cơ sở nhận thức được các tình tiết khách quan liên quan đến hành vi mà người đó thực hiện. Người phạm tội thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình. Thấy trước hậu quả của hành vi của mình nghĩa là dự đoán trước, biết trước hậu quả của hành vi của mình tất yếu sẽ xảy ra hoặc có khả năng sẽ xảy ra. Đối với các tội có cấu thành vật chất, để xác định lỗi cố ý trực tiếp của người thực hiện hành vi thì phải xác định được người đó thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình. Đối với các tội có cấu thành hình thức, để xác định người thực hiện hành vi do lỗi cố ý trực tiếp không nhất thiết phải xác định xem người đó có thấy trước hậu quả của hành vi của mình hay không.

Dấu hiệu ý chí của người có lỗi cố ý trực tiếp thể hiện ở chỗ người thực hiện hành vi mong muốn cho hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình xảy ra.

Để xác định một người mong muốn cho hậu quả xảy ra khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải xác định được hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra là hoàn toàn phù hợp với mục đích hành động của người đó (Ví dụ: vì mong muốn giết người nên chém chết nạn nhân) hoặc hậu quả xảy ra tuy không phải là mục đích hành động nhưng là phương tiện cần thiết để người phạm tội đạt được mục đích khác (Ví dụ: Vì muốn lấy tài sản sản nên người phạm tội đã giết nạn nhân).  Đối với các tội có cấu thành vật chất, để xác định lỗi cố ý trực tiếp đối với một người thì phải xác định được người đó mong muốn cho hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình xảy ra, còn đối với các tội có cấu thành hình thức thì để xác định một người có lỗi cố ý trực tiếp chỉ cần xác định được người đó mong muốn thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình.

+ Lỗi cố ý gián tiếp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 BLHS, thì lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người phạm tội trong trường hợp “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Căn cứ quy định trên, có thể thấy biểu hiện của lỗi cố ý gián tiếp như sau:

Người phạm tội có lỗi cố ý gián tiếp nhận thức rõ được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình.  Người phạm tội có lỗi cố ý gián tiếp thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình. Khác với lỗi cố ý trực tiếp là thấy trước tính tất yếu hoặc khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, người có lỗi cố ý gián tiếp chỉ thấy trước khả năng hậu quả nguy hiểm cho xã hội có thể xảy ra. Bởi lẽ, chỉ trong trường hợp thấy trước được khả năng hậu quả có thể xảy ra người phạm tội mới có thể có thái độ “để mặc” cho hậu quả xảy ra. Trong lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội không mong muốn cho hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra mà có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội không nằm trong mục đích của người phạm tội và cũng không phải là phương tiện cần thiết để người phạm tội đạt đến mục đích phạm tội. Nói cách khác, về ý chí, thái độ tâm lý của người phạm tội là không quan tâm đến việc hậu quả nguy hiểm cho xã hội có xảy ra hay không xảy ra. Đó là thái độ thờ ơ, bàng quan chấp nhận đối với việc hậu quả nguy hiểm cho xã hội có xảy ra hay không.

+ Lỗi vô ý quá tin (vô ý phạm tội vì quá tự tin): Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 BLHS, lỗi vô ý quá tin là lỗi trong trường hợp “Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được” nên vẫn thực hiện và đó gây ra hậu quả nguy hại đó.

Từ quy định trên có thể rút ra các dấu hiệu của lỗi vô ý quá tin như sau:

Người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình do mình thực hiện. Người phạm tội thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi của mình có thể xảy ra. Người phạm tội không mong muốn cho hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình xảy ra (khác với lỗi cố ý trực tiếp), cũng không có ý thức để mặc cho hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra (khác với lỗi cố ý gián tiếp) mà cho rằng hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. (1 điểm)

+ Lỗi vô ý cẩu thả (vô ý do cẩu thả): Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 BLHS, thì lỗi vô ý do cẩu thả là lỗi trong trường hợp “người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.

Từ quy định trên có thể rút ra các dấu hiệu của lỗi vô ý cẩu thả như sau: Người phạm tội không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình (phân biệt với các trường hợp lỗi cố ý và với lỗi vô ý quá tin), nghĩa là người phạm tội không dự đoán trước, không biết trước hành vi của mình sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra. Người phạm tội không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình có thể do người đó không nhận thức được mặt thực tế của hành vi của mình nên không thấy trước được khả năng gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện.

– Người phạm tội phải thấy trước hoặc có thể thấy trước hậu quả đó.

Người phạm tội vô ý cẩu thả không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng người đó có nghĩa vụ phải thấy trước và đủ điều kiện để thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nếu như họ có sự chú ý cần thiết. Người phạm tội không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội là do cẩu thả, thiếu sự quan tâm, cẩn thận nên đã vi phạm những quy tắc an toàn xã hội thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như các quy định về phòng cháy, về khám chữa bệnh, an toàn giao thông, an toàn lao động…khi thực hiện hành vi nên đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

– Động cơ phạm tội: Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện tội phạm. Động cơ phạm tội chỉ có thể có trong các cấu thành tội phạm của tội thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Trong một số trường hợp, động cơ là dấu hiệu được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản. Ví dụ: động cơ phòng vệ chính đáng dấu hiệu của cấu thành Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng “Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm” theo quy định Điều 126 BLHS. Trong một số trường hợp khác, động cơ phạm tội được quy định ở cấu thành tội phạm tăng nặng. Ví dụ: “động cơ đê hèn” là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng của Tội giết người (điểm q khoản 1 Điều 123 BLHS).

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 BLHS là “1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức; l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; m) Phạm tội do lạc hậu; n) Người phạm tội là phụ nữ có thai; o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; r) Người phạm tội tự thú; s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải; t) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm; u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội; v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; x) Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng. 2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. 3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”.

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 52 BLHS là “1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: a) Phạm tội có tổ chức; b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; d) Phạm tội có tính chất côn đồ; đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn; e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; g) Phạm tội 02 lần trở lên; h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên; k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội; n) Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội; o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội; p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm. 2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”.

Có một số tình tiết thuộc về động cơ phạm tội. Ví dụ: tình tiết “Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức” (điểm k khoản 1 Điều 51 BLHS) là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; tình tiết “Phạm tội vì động cơ đê hèn” (điểm đ khoản 1 Điều 52 BLHS) là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

 – Mục đích phạm tội: Mục đích phạm tội là kết quả cuối cùng mà người phạm tội mong muốn đạt được khi thực hiện tội phạm. Trong một số trường hợp, mục đích phạm tội được quy định là dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản. Ví dụ, mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu của các tội xâm phạm an ninh quốc gia (từ điều 108 đến điều 121 BLHS) nhiều trường hợp, mục đích phạm tội là dấu hiệu trong cấu thành tội phạm. Ví dụ: mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt. Trong các trường hợp khác, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

 VKSND huyện Tuy Đức

Nguồn: vksdaknong.gov.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *