Nội dung của pháp luật điều chỉnh hợp đồng trong lĩnh vực thương mại bao gồm:
– Những quy định về bản chất, chủ thể của hợp đồng trong lĩnh vực thương mại;
– Những quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng trong lĩnh vực thương mại;
– Những quy định về thay đổi, đình chỉ, hủy bỏ hợp đồng trong lĩnh vực thương mại;
– Những quy định về trách nhiệm vật chất (chế tài thương mại) do vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực thương mại;
Ngoài ra, trong nội dung của pháp luật điều chỉnh hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, còn có những quy định về hợp đồng vô hiệu, về các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng.
Ở Việt Nam, trước năm 2005, khi còn tồn tại 2 hệ thống pháp luật về hợp đồng (hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự) độc lập tương đối với nhau thì các nội dung kể trên được pháp luật ghi nhận trong các văn bản về hợp đồng kinh tế mà điển hình là Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989. Khi Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực, nội dung của pháp luật điều chỉnh hợp đồng trong lĩnh vực thương mại được quy định trong một hệ thống văn bản pháp luật thống nhất điều chỉnh quan hệ hợp đồng dân sự, trong đó có các văn bản chủ yếu: Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản luật chuyên ngành như: Luật Đường sắt năm 2005, Luật Du lịch năm 2005, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Luật Hàng hải năm 2015, Luật Kinh doanh bảo hiểm …
Những quy định của Bộ luật dân sự áp dụng đối với hợp đồng trong lĩnh vực thương mại: Bộ luật dân sự năm 2015 với 44 điều trong mục 7 Chương XV đã ghi nhận hầu hết các nội dung của pháp luật về hợp đồng nói chung và hợp đồng trong lĩnh vực thương mại nói riêng. Cụ thể:
+ Bộ luật dân sự năm 2015 đã xác định khái niệm hợp đồng, theo đó:
‘‘Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”
+ Cùng với việc xác định khái niệm hợp đồng làm cơ sở cho việc xác định khái niệm các hợp đồng cụ thể trong lĩnh vực thương mại, Bộ luật dân sự năm 2015 còn có những quy định điều chỉnh các quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, đó là các quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng, về sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, về hợp đồng vô hiệu và trách nhiệm vật chất do vĩ phạm hợp đồng… (Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015 và Mục 7 Chương XV Phần thứ 3 Bộ luật dân sự năm 2015).
+ Bộ luật dân sự năm 2015 cũng đã quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng giao dịch dân sự, các biện pháp thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng như trách nhiệm dân sự (Điều 117 và Mục 3,4 Chương XV Phần thứ 3 Bộ luật dân sự năm 2015). Đây cũng là một nội dung quan trọng của pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực thương mại;
+ Ngoài ra, Bộ luật dân sự năm 2015 còn quy định các loại hợp đồng thông dụng (Mục 1-13 Chương XVI Phần thứ 3 Bộ luật dân sự năm 2015). Những quy định về các loại hợp đồng thông dụng này có thể được áp dụng trong trường hợp pháp luật chuyên ngành về các hợp đồng cụ thể trong lĩnh vực thương mại không quy định.
Tóm lại, Bộ luật dân sự năm 2015 là văn bản pháp luật quan trọng quy định tương đối đầy đủ về hợp đồng nói chung và hợp đồng trong lĩnh vực thương mại nói riêng. Các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 trực tiếp điều chỉnh quan hệ họp đông trong lĩnh vực thương mại trong trường hợp các văn bản pháp luật chuyên ngành không quy định.
Những quy định pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực thương mại trong Luật Thương mại năm 2005 và các luật chuyên ngành:
Ở Việt Nam, những quy định của Bộ luật dân sự được áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng. Bên cạnh đó, pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực thương mại còn được quy định trong Luật Thương mại năm 2005 và các luật chuyên ngành khác như: Luật Đường sắt năm 2017, Luật Du lịch năm 2017, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Bộ luật Hàng hải năm 2015, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) … Đặc điểm chung nhất của Luật Thương mại và các luật chuyên ngành đó là: không quy định cụ thể về các hợp đồng mà chủ yếu quy định về các bên chủ thể, quyền và nghĩa vụ của các bên trong từng hoạt động thương mại. Đảm bảo tính thống nhất của pháp luật hợp đồng, khi quy định về các loại hợp đồng cụ thể trong lĩnh vực thương mại, Luật Thương mại năm 2005 và các luật chuyên ngành khác không lặp lại những quy định chung về hợp đồng đã được ghi nhận trong Bộ luật dân sự.
Quy định về từng loại hợp đồng cụ thể trong lĩnh vực thương mại, Luật Thương mại và các luật chuyên ngành tập trung quy định về tính chất, chủ thể, hình thức, quyền và nghĩa vụ trong từng quan hệ hợp đồng cụ thể.
Khi xác định tính chất của các hợp đồng cụ thể trong lĩnh vực thương mại, các luật chuyên ngành thường đưa ra khái niệm về hợp đồng cụ thể đó (Điều 55 Luật Đường sắt năm 2017; Điều 41 Luật Du lịch năm 2017; Điều 128 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2014). Riêng Luật Thương mại năm 2005 không xác định khái niệm về các hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, mà chỉ dừng lại ở việc đặt tên cho từng loại hợp đồng tương ứng từng hoạt động thương mại, ví dụ: Tương ứng với hoạt động mua bán hàng hoá có hợp đồng mua bán hàng hoá; tương ứng với hoạt động đại diện cho thương nhẫn có hợp đồng đại diện cho thương nhân hay tương ứng với hoạt động ủy thác mua bán hàng hoá có hợp đồng ủy thác mua bán hàng hoá. Tuy nhiên, tính chất của từng hoạt động thương mại (gồm mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ thương mại) lại được Luật Thương mại năm 2005 ghi nhận đầy đủ. Những tính chất của từng hoạt động thương mại cụ thể đó cũng chính là tính chất hay đặc điểm của các hợp đồng tương ứng. Bởi lẽ, về thực chất hợp đồng trong lĩnh vực thương mại là hình thức pháp lý của hoạt động thương mại.
Việc xác định chủ thể tham gia từng quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực thương mại cũng được Luật Thương mại năm 2005 và các luật chuyên ngành quy định thông qua việc xác định tư cách pháp lý của thương nhân (doanh nghiệp) khi thực hiện một hoạt động thương mại cụ thể.
Ví dụ: theo Điều 167 Luật Thương mại năm 2005:
“1. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoả cho đại lý bán…
2. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoả để làm đại lý bán… ”.
Như vậy, chỉ có thương nhân mới được thực hiện đại lý thương mại và chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng đại lý thương mại phải là thương nhân.
Hình thức của từng hợp đồng trong lĩnh vực thương mại được Luật Thương mại năm 2005 và các luật chuyên ngành quy định cụ thể đối với từng loại hợp đồng.
Ví dụ:
– Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể; đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó; mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (Điều 24, Điều 27 Luật Thương mại năm 2005).
– Hợp đồng đại diện cho thương nhân và hợp đồng ủy thác mua bán hàng hoá phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (Điều 142, Điều 159 Luật Thương mại năm 2005).
– Hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường không cũng phải được xác lập bằng văn bản, vận đơn hàng không (Điều 128, Điều 129 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong từng quan hệ hợp đồng cụ thể được Luật Thương mại năm 2005 quy định trong nội dung của từng hoạt động thương mại cụ thể (Các Điều 95, 96, 150,155… Luật Thương mại năm 2005) Các quyền, nghĩa vụ được pháp luật quy định đối với mỗi hoạt động thương mại có ý nghĩa quan trọng trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng trong lĩnh vực thương mại. Các quyền và nghĩa vụ đó có thể là cơ sở để các thỏa thuận thành quyền và nghĩa vụ cụ thể trong hợp đồng nhằm đảm bảo các thỏa thuận trong hợp đồng không trái với quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác thì các bên phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định.
Tóm lại, ngoài những quy định chung cho tất cả các hợp đồng trong Bộ luật dân sự, nội dung của pháp luật về từng hợp đồng trong lĩnh vực thương mại còn được quy định trong Luật thương mại năm 2005 và các luật chuyên ngành. Ngoài ra, các quy định điều chỉnh quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực thương mại còn được ghi nhận trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên. Chẳng hạn như: Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO (GATS), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (FTA), Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (CISG) … Những quy định trong các điều ước quốc tế trực tiếp hoặc gián tiếp điều chỉnh các quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực thương mại nói chung và hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.