Pháp nhân là gì? Quy định về tư cách pháp nhân cần biết

[VPLUDVN] Pháp nhân – một thuật ngữ được dùng để phân biệt tư cách của các chủ thể là tổ chức với cá nhân trong các quan hệ pháp lý. Thông thường đây sẽ là cách gọi được dùng cho những loại hình doanh nghiệp được hình thành và đáp ứng được các điều kiện để hình thành pháp nhân theo quy định của pháp luật.

Điều này đồng nghĩa với việc không phải bất cứ doanh nghiệp hay loại hình tổ chức nào cũng có tư cách chủ thể này. Vì khi đã được xác lập là pháp nhân đồng nghĩa với việc tổ chức đó có một số quyền lợi nhất định mà những chủ thể khác không thể nào đạt được.

Pháp nhân là gì?

Là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật. Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân). Nếu một tổ chức có “tư cách pháp nhân” thì tổ chức đó có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân mà luật đã quy định.

Ví dụ về pháp nhân: Các cơ quan nhà nước (như Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban nhân dân các cấp, Tòa án, các trường đại học,…) là những tổ chức có tư cách pháp nhân.

Điều kiện để có tư cách pháp nhân

Theo điều 94 Bộ luật Dân sự, một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi hội đủ 4 điều kiện sau đây:

  1. Tổ chức đó được thành lập hợp pháp (theo quy định của pháp luật Việt Nam).
  2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ.
  3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập đó.
  4. Nhân danh mình tham gia vào quan hệ pháp luật một cách độc lập..

Sau đây chúng ta sẽ làm rõ 4 điều kiện này:

1. Pháp nhân là một chủ thể pháp luật được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam

Theo như định nghĩa thì rõ ràng pháp nhân không phải là một người (một cá nhân) mà phải là một tổ chức. Tổ chức này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập. Vì thế tổ chức đó được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập.

Như vậy, một doanh nghiệp có thể được coi là có tư cách pháp nhân tại thời điểm doanh nghiệp đó được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tức là được pháp luật công nhận việc khai sinh ra doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng là pháp nhân (ví dụ doanh nghiệp tư nhân) vì nó chưa hội đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Mỗi một người khi sinh ra đều có tên gọi (do cha mẹ đặt) nên việc khai sinh ra pháp nhân thì cũng phải có tên gọi. Việc đặt tên cho cá nhân thì không có quy định (tùy theo sở thích của cha mẹ) nhưng việc đặt tên cho pháp nhân thì pháp luật đã có quy định: Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt thể hiện rõ loại hình tổ chức và có thể phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực. Tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ cho nên pháp nhân bắt buộc phải sử dụng tên gọi đó trong các giao dịch dân sự. Đối với pháp nhân là doanh nghiệp thì việc đặt tên doanh nghiệp là rất quan trọng, vì vậy luật pháp các nước đều có quy định riêng về tên doanh nghiệp.

2. Pháp nhân phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Ngoài tên riêng được đăng ký để gọi và sử dụng trong các giao dịch, pháp nhân phải có điều lệ hoạt động rõ ràng, có cơ cấu tổ chức cụ thể, có người đại diện theo pháp luật để nhân danh (thay mặt, đại diện) cho pháp nhân thực hiện các giao dịch:

  • Điều lệ của pháp nhân do các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên xây dựng và thống nhất thông qua. Nếu pháp nhân được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì điều lệ do cơ quan nhà nước đã thành lập chuẩn y.
  • Pháp nhân phải có cơ quan điều hành bao gồm các bộ phận, phòng ban được phân chia cụ thể. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ phận, phòng ban được quy định rõ ràng trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập.
  • Pháp nhân có con dấu riêng do người đại diện của tổ chức quản lý và sử dụng.

3. Có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm với các tài sản đó

Theo quy định của pháp luật thì pháp nhân phải sở hữu một lượng tài sản nhất định để sử dụng trong các giao dịch và hoàn toàn chịu trách nhiệm với các tài sản đó. Tài sản này được pháp luật công nhận thuộc quyền sở hữu của pháp nhân, tức là pháp nhân có toàn quyền sử dụng mà không chịu sự chi phối, kiểm soát của bất kỳ ai. Tài sản đó phải hoàn toàn tách biệt với tài sản của các cá nhân là thành viên nên các thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào tổ chức. Đây là sự khác biệt rất lớn để phân biệt giữa pháp nhân với thể nhân (cá nhân).

Để làm rõ hơn cho sự khác biệt này chúng ta cùng xem xét ví dụ sau:

Ba người A,B,C rủ nhau thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên với vốn điều lệ là 2 tỷ đồng (A góp một ngôi nhà trị giá 1 tỷ, B góp ô tô trị giá 500 triệu còn C góp tiền mặt 500 triệu) – lấy tên là công ty TNHH ABC.

Sau 3 năm hoạt động thì số vốn sở hữu đã tăng lên 6 tỷ đồng. Để tiếp tục phát triển kinh doanh thì công ty ABC vay ngân hàng 10 tỷ và nhập một lô sữa từ Nhật về Việt Nam nhưng do bảo quản không tốt nên toàn bộ số sữa đều hỏng. Công ty TNHH ABC bị tòa án tuyên bố phá sản.

Toàn bộ tài sản của công ty TNHH ABC bị đem ra thanh lý theo quy định của pháp luật được 8 tỷ đồng. Số tiền này được đem trả nợ cho ngân hàng, ngân hàng bị mất 2 tỷ mà không thể đòi các ông A,B,C vì loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên có tư cách pháp nhân nên các ông A,B,C chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Còn các tài sản riêng của mỗi người A,B,C không liên quan đến tài sản của công ty.

Công ty có nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh… nhưng nếu xét về trách nhiệm tài sản của người chủ doanh nghiệp đối với các khoản nợ của doanh nghiệp thì chỉ có hai loại:

  • Hoặc là chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của doanh nghiệp;
  • Hoặc là chủ doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ của doanh nghiệp, loại doanh nghiệp này có tư cách pháp nhân.

Do đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân vì không có tài sản độc lập với chủ doanh nghiệp (chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình) Quý khách có thể tìm hiểu chi tiết hơn tại bài viết: Tư vấn thành lập công ty

4. Pháp nhân có quyền nhân danh chính mình tham gia vào các quan hệ pháp luật

Pháp nhân có quyền nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua người đại diện theo pháp luật. Người này là một cá nhân có quyền thực hiện mọi giao dịch dân sự phát sinh trong quá trình hoạt động. Tham gia với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trước tòa án, trọng tài và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật bị bắt giam, bị bỏ tù, bị chết hoặc không còn đủ khả năng đại diện nữa thì pháp nhân đó có quyền bầu ra người đại diện theo pháp luật mới để tiếp tục hoạt động (có nghĩa là pháp nhân không bị phụ thuộc vào bất cứ một cá nhân nào).


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *