[VPLUDVN] Pháp nhân là một chủ thể pháp luật có tư cách pháp lý độc lập và có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… Vậy việc thành lập pháp nhân được pháp luật quy định thế nào?
Pháp nhân là gì?
Pháp nhân là một thực thể xã hội, là chủ thể quan hệ pháp luật được thành lập và duy trì sự hoạt động phục vụ lợi ích của các thành viên pháp nhân phù hợp với lợi ích xã hội. Bởi vậy, việc thành lập phải tuân thủ các thủ tục, theo trình tự do các văn bản pháp luật quy định. Nhà nước ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định trình tự thành lập và giải thể các pháp nhân tuỳ theo loại hình pháp nhân với mục đích và nhiệm vụ của nó (Luật doanh nghiệp; Luật hợp tác xã).
Thành lập pháp nhân
Khoản 1 Điều 82 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định “Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”
Thủ tục thành lập do các văn bản pháp luật quy định. BLDS phân biệt việc thành lập pháp nhân theo trình tự – cách thức một pháp nhân được hình thành.
Trình tự mệnh lệnh
Đây là trình tự thành lập theo quyết định đơn hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Thủ tướng chính phủ; bộ trưởng; chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Những người này có thể ủy quyền cho cơ quan cấp dưới của mình thành lập). Căn cứ vào nhu cầu thực tế, vào khả năng thực tại, các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập. Trong quyết định thành lập có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của pháp nhân, lĩnh vực hoạt động của pháp nhân. Trình tự này thường được áp dụng để thành lập các cơ quan của Nhà nước.
Trình tự cho phép
Theo trình tự này, pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của các sáng lập viên, hội viên hoặc của các tổ chức. Họ tự đề ra mục đích, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, thành viên… Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra tính hợp pháp của điều lệ, sự cần thiết tồn tại của tổ chức đó và cho phép thành lập. Trình tự này thường được áp dụng để thành lập các pháp nhân là các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các quỹ từ thiện.ngoài ra các tổ chức này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận điều lệ.
Trình tự công nhận
Pháp luật đã dự liệu việc thành lập các pháp nhân bằng cách quy định về khả năng tồn tại của nó thông qua các văn bản pháp luật hoặc các điều lệ, quy chế mẫu, quy định về điều kiện thành lập.. Trong đó, đã xác định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của các tổ chức đó, cơ quan điều hành cũng như điều kiện của thành viên… Trên cơ sở các văn bản mẫu đó, cá nhân hay tổ chức đưa ra sáng kiến thành lập.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra tính hợp pháp theo trình tự, thủ tục đã quy định, trên cơ sở đó ra quyết định thành lập. Trình tự này được áp dụng để thành lập các hợp tác xã, các công ti cổ phần, công ti trách nhiệm hữu hạn. Các doanh nghiệp phải có điều lệ riêng được xây dựng trên cơ sở điều lệ mẫu do Nhà nước ban hành. Điều lệ của doanh nghiệp được cơ quan nhà nước công nhận và doanh nghiệp phải đăng kí kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền của nhà nước.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.