Phương pháp nghiên cứu của tội phạm học

Do đối tượng của tội phạm học vừa là hiện tượng xã hội vừa là hiện tượng luật pháp, vì vậy việc nghiên cứu chúng phải được tiến hành trên cả hai phương diện luật học và xã hội học. Trong tội phạm học người ta sử dụng phương pháp nghiên cứu của cả hai ngành khoa học. Các phương pháp nghiên cứu luật học được áp dụng trong tội phạm học đó là phương pháp hệ thống, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích các tài liệu về tội phạm ở các quốc gia khác nhau và trên lãnh thổ Việt Nam, ở các khu vực dân cư, các địa phương trong các khoảng thời gian khác nhau. Đồng thời áp dụng các phương pháp trên để đánh giá hiệu quả công tác lập pháp và áp dụng pháp luật của các cơ quan công an, viện kiểm soát, tòa án tối cao đối với việc phòng chống tội phạm.

1. Phương pháp nghiên cứu của tội phạm học

Tội phạm học khác với các khoa học pháp lý khác ở chỗ trong tội phạm học sử dụng phổ biến và có hiệu quả phương pháp thống kê và một số phương phương nghiên cứu cụ thể của xã hội học như phương pháp phiếu điều tra, phương pháp phỏng vấn, phương pháp chuyên gia, phương pháp quan sát, phương pháp thực nghiệm,…

a) Phương pháp thống kê

Thống kê nói chung và thống kê hình sự nói riêng là công cụ,  phương tiện chủ yếu của tội phạm học. Nó cung cấp cho tội phạm học những số liệu cụ thể về hành vi phạm tội, người phạm tội và những số liệu khác có liên quan đến tội phạm và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong xã hội để tổng hợp thành lý luận.

Trong tội phạm học, phương pháp thống kê thường được sử dụng vào việc đánh giá thực trạng, mức độ, cơ cấu, diễn biến tội phạm, phân tích làm rõ nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, các đặc điểm xã hội nhân khẩu của nhân thân người phạm tội; xác định quy luật vận động phát triển của tội phạm để dự báo tội phạm, soạn thảo những biện pháp phòng chống tội phạm trong những năm tiếp theo. Phương pháp thống kê áp dụng trong nghiên cứu tội phạm học theo trình tự gồm ba bước chính là:

Bước thứ nhất: Thu thập các tài liệu cần thiết về tội phạm xảy ra theo thời gian và lãnh thổ nhất định.

Quá trình này do các cơ quan các ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình trong quá trình tham gia vào các giai đoạn của trình tự tố tụng mà pháp luật tố tụng hình sự qui định tiến hành thống kê theo nội dung và tiêu chí nhất định. Đơn vị thống kê được xác định là vụ và người phạm tội. Các trường hợp phạm tội và những người phạm tội sẽ được ghi chép theo những dấu hiệu nhất định trong các tài liệu thống kê đầu tiên như các phiếu đăng ký, các biểu mẫu, v.v… Ví dụ: Cơ quan công an đăng ký vào sổ từng vụ án đã phát hiện và từng người tham gia vào vụ án theo biểu mẫu sau:

  • Thống kê các vụ án hình sự được phát hiện do cơ quan công an điều tra
  • Thống kê tạm giữ người tình nghi phạm tội;
  • Thống kê các bị can tạm giam
  • Thống kê phạm nhân

Còn ở tòa án có các biễu mẫu thống kê từng vụ án và từng bị cáo. Hiện nay ở tòa án có bốn loại biểu mẫu thống kê là: Thống kê xét xử hình sự sơ thẩm; thống kê xét xử hình sự phúc thẩm; thống kê xét xử hình sự giám, phúc thẩm và tái thẩm; thống kê thi hành án hình sự.

Bước thứ hai: Phân loại tài liệu thống kê.

Các tài liệu thống kê đã thu thập được phân thành từng lọại, từng nhóm có chung những đặc điểm và tính chất giống nhau. Trong thống kê, có hai cách phân loại các dấu hiệu theo tiêu chí về số lượng hoặc chất lượng. Cách phân loại các dấu hiệu dựa vào số lượng thường được áp dụng trong khi nghiên cứu những đặc điểm, dấu hiệu nhân thân người phạm tội. Ví dụ: Nghiên cứu độ tuổi của bị cáo, thời gian hình phạt tù đã áp dụng, số lần tái phạm v.v…

Cách phân loại các dấu hiệu dựa vào chất lượng thường được áp dụng phân loại tội phạm thành những nhóm theo các dấu hiệu như sau:

– Thời gian phạm tội

– Địa điểm phạm tội

– Thủ đoạn và phương pháp thực hiện tôi phạm

– Công cụ, phương tiện phạm tội;

– Đối tượng tác động của tội phạm;

– Khách thể của tội phạm;

– Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội củạ tội phạm;

– Lãnh thổ (tỉnh, thành phố, huyện, quận,…);

– Ngành kinh tế;

– Lí do phạm tội (ghen tuông, trả thù, vụ lợi…);

– Khuynh hướng của tội phạm (các tội phạm có tính chiếm đoạt, các tội có dùng vũ lực…)

Ngoài ra, cách phân loại dựa vào chất lượng còn được áp dụng phân loại người phạm tội theo dấu hiệu sau:

– Dấu hiệu xã hội – nhân khẩu – như giới tính, tuổi, trình độ văn hoá, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh kinh tế…

– Dấu hiệu pháp luật hình sự như tội danh, tái phạm, loại và mức hình phạt đã áp dụng…

– Dấu hiệu tâm sinh lí như động cơ, mục đích, nhu cầu, sở thích thói quen…

Phương pháp phân loại như vậy cho phép nhận thức chính xác về cơ cấu và diễn biến của tình hình tối phạm trong thời gian nghiên cứu. Ngoài ra, còn có một số cách phân loại khác nữa được sử dụng trong khi tiến hành xác định mối liên hệ khác nhau như trình độ văn hóa, điều kiện văn hóa, điều kiện kinh tế, tệ nạn xã hội (nghiện rượu, nghiện ma túy, mại dâm, cờ bạc,…) thì phải phân loại theo cách phân chia phân tích.

Bước thứ ba: Phân tích, so sánh và tổng hợp: các tài liệu, số liệu thống kê thu nhận được.

Đây là bước cuối cùng và quan trọng nhất của trình tự thống kê. Trước hết cần tiến hành sửa chữa, chỉnh lý các tài liệu, số liệu đã được tập hợp hệ thống thành nhóm, loại theo những tiêu chí nhất định để tạo điều kiện thuận lợi cho việc so sánh giữa chúng với nhau. Việc chỉnh lý tài liêu được thực hiện trong quá trình lập con số tuyệt đối. Các con số tuyệt đối phải bảo đảm các yêu cầu: tính chính xác, tính đầy đủ và tính có thể so sánh được. Quá trình phân tích, so sánh các tài liệu, số liệu thông kê và tổng hợp để đưa ra kết luận về thực trạng, mức độ, cơ cấu, diễn biến của tình hình tội phạm, về thiệt hại do tội phạm đã gây ra cho xã hội, về nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Trong tội phạm học thường sử dụng một số phương pháp thống kê cụ thể như số tuyệt đối, số tương đối, số trung bình, đồ thị, biểu đồ và một số phương pháp khác…

– Phương pháp số tuyệt đối (số lớn) thường được áp dụng khi đánh giá về mặt lượng của hiện tượng. Sẽ tuyệt đối thể hiện quy mô, khối lượng của hiện tượng tội phạm trong xã hội thể hiện số lượng tội phạm và người phạm tội đã được làm rõ trong từng thời gian và trong từng địa bàn lãnh thổ nhất định.

Ví dụ: Trong 5 năm từ năm 1997 đến năm 2001, ở Việt Nam, tổng số tội phạm và người phạm tội đã xét xử sơ thẩm là 248 871 vụ với 382 769 bị cáo.

– Phương pháp số tương đối thường được áp dụng khi nghiên cứu mức độ phổ biến của tội phạm trong dân cư cũng như về cơ cấu, diễn biến của tình hình tội phạm và các nguyên nhân của nó. Có ba loại số tương đối:

+ Số tương đối phản ánh quan hệ cường độ còn được gọi là hệ số về tội phạm. Nó thể hiện tính phổ biến của tội phạm trong từng thời gian và trong từng khu vực dân cư. Hệ số về tội phạm được tính bằng cách so sánh số lượng tội phạm hoặc số lượng người phạm tội với số lượng dân. Ví dụ, năm 1997, hệ số về tội phạm ở Việt Nam là 84,15; Singapore là 969,87; Colombia là 576,76; Italia là 4271,65… (tính theo số tội phạm trên 100.000 dân nói chung).

+ Số tương đối phản ánh quan hệ phân chia (cơ cấu của sự tổng hợp). Nó là tỷ lệ giữa từng phần riêng biệt đối với tổng số của chúng. Dạng số tương đối này được áp dụng trong nghiên, cứu làm sáng tỏ về cơ cấu, tính chất của tình hình tội phạm và các nguyên nhân của họ ví dụ: Trong tổng số tội phạm đã xét xử hình sự sơ thẩm năm 1998 thì có 14,59% các tội xâm phạm tính mạng sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người 49,12% các tội xâm phạm sở hữu (XHCN và công dân); 26,28% các tội xâm phạm an toàn trật tự công cộng; còn lại là các tội phạm khác.

+ Số tương đối phản ánh sự thay đổi của hiện tượng theo thời gian Loại số tương đối nay được áp dụng trong nghiên cứu làm sáng tỏ diễn biến (động thái) của tình hình tội phạm. Nó là kết quả so sánh mức độ của hiện tượng ở hai thời kỳ khác nhau. Ví dụ nếu tổng số tội phạm đã xét xử hình sự sơ thẩm năm 1986 là 100% làm gốc để so sánh với các năm sau: năm 1990 – 105%, măm 1991 – 118%, năm 1992 – 116%, năm 1993 – 160%, năm 1994 – 153%, năm 1995 – 161%, năm 1996 – 229%, năm 1997 – 240%, năm 1998 – 242%, 1999 – 245%, năm 2000 – 241% năm 2001 – 239%. Từ các con số tương đối trên, chúng ta có thể rút ra kết luận về diễn biến của tình hình tội phạm trong thời gian qua là có xu hướng tăng liên tục và tăng nhanh từ năm 1990 cho đến năm 1999, sau đó, tội phạm có chiều hướng giảm bắt đầu từ năm 2000 cho đến nay với mức độ giảm chậm.

– Phương pháp số trung bình (bình quân) thể hiện mức trung bình về mặt số lượng của hiện tượng. Phương pháp này được áp dụng khi xác định đặc điểm của nhân thân người phạm tội và của tình hình tội phạm. Ví dụ: Độ tuổi trung bình của những người phạm tội nói chung hoặc của: từng nhóm tội phạm cụ thể; hoặc số tội phạm trung bình xảy ra hàng năm trong thời kì đổi mới.

– Phương pháp đồ thị, biểu đồ: Thể hiện tình hình tội phạm trên bảng bằng các đường (tròn, thẳng, cột…) theo thời gian nhằm xác định mô hình tội phạm, đánh giá, theo dõi sự thay đổi, diễn biến tội phạm, khám phá quy luật vận động của nó để từ đó có thể dự báo tội phạm trong những năm tiếp theo.

b) Các phương pháp xã hội học được trong các nghiên cứu tội phạm học chọn lọc

Mặc dù phương pháp thống kê là phương pháp quan trọng nhất đối với công việc nghiên cứu tội phạm. Tuy nhiên, phương pháp thống kê nói chung và phương pháp thống kê hình sự nói riêng cũng có mặt hạn chế của nọ. Điều này thể hiện ở chỗ lượng thông tin về tội phạm trong một khoảng thời gian do thống kê hình sự cung cấp không phản ánh chính xác về tội phạm trong giai đoạn hiện tại vì các tội phạm đó đã xảy ra trong thời gian trước. Mặt khác, số lượng tội phạm được ghi trong sổ, biểu mẫu thống kê, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng lớn nhất vẫn là chất lượng, hiệu quả của công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm của các cơ quan tư pháp hình sự. Do việc sử dụng các số liệu thống kê không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu tội phạm một cách sâu rộng, toàn diện nên trong tội phạm học ngoài các phương pháp thống kê còn sử dụng các phương pháp xã hội học như phiếu điều tra (thăm dò dư luận); phỏng vấn, chuyên gia (đánh giá thẩm định), quan sát, thực nghiệm… để thu thập thêm các dấu hiệu, thông tin bổ sung cho các thông tin thu nhận được từ thống kê. Các phương pháp nghiên cứu chọn lọc này thường được sự dụng trong việc nghiên cứu tội phạm ẩn, nạn nhân của tội phạm, các nhân tố cá nhân, môi trường, động cơ, lý do phạm tội, phương pháp, thủ đoạn thực hiện phạm tội, thiệt hại do các tội pham gây ra, hiệu quả của các biện pháp phòng chống tội phạm đã thực hiện, dư luận xã hội về tình hình tội phạm và công tác đấu tranh với nó. Các phương pháp nghiên cứu xã hội học chỉ được sử dụng trong các nghiên cứu tội phạm học chọn lọc. Bản chất của việc nghiên cứu chọn lọc chỉ là nghiên cứu một bộ phận (có chọn lọc) trong tổng thể nhưng kết quả thu được lại phản ứng đặc điểm, tính chất, quy luật của tất cả các hiện tượng trong tổng thể đó.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu các hiện tượng đã được chọn lọc có thể không phản ánh đúng toàn bộ tổng thể các hiện tượng nếu việc chọn lọc không cẩn thận, chính xác. Muốn biết sai số của việc nghiên cứu chọn lọc, cần phải dựa vào công thức do khoa học thống kê đưa ra. Mức độ sai số của phân tích chọn lọc phụ thuộc vào số lượng và thành phần các hiện tượng đã được chọn lọc trong tổng thể các hiện tượng. Để hạn chế mức độ sai số của việc nghiên cứu chọn lọc cần phải tăng số lượng các hiện tượng chọn lọc.

c) Phương pháp phiếu điều tra (thăm dò dư luận)

Phương pháp phiếu điều tra trong tội phạm học là tổng hợp các kĩ thuật, chiến thuật hỏi câu hỏi đạt kết quả các nhờ sự phân tích các tài liệu, số liệu thu nhận được từ những người được hỏi đã trả lời những câu hỏi viết trong bảng câu hỏi (phiếu điều tra).

Tổ chức các câu trả lời phải sử dựng hai hình thức hỏi:

Thứ nhất, câu hỏi đúng: Loại câu hỏi này có nhiều câu trả lời loại trừ lẫn nhau để người trả lời phải lựa chọn cậu trả lời. Ví dụ: Câu hỏi: Xin vui lòng cho biết thái độ của gia đình khi biết anh/chị nghiện ma tuý?

  • Khuyên bảo
  • Đánh chửi
  • Đuổi đi
  • Thờ ơ

Thứ hai, câu hỏi mở không đặt cấu trúc như vậy cho câu trả lời và để cho người trả lời tự do theo nhận thức của họ. Chẳng hạn:

Câu hỏi: Tại sao anh/chị lại nghiên ma tuý? hoặc

Tại sao anh/chị bị lừa đảo mất tài sản mà lại không khai báo cho cơ quan công an?

Phương pháp phiếu điều tra thường được áp dụng khi nghiên cứu về nạn nhân của tội phạm, nguyên nhân phạm tội của một số loại tội phạm cụ thể, đặc điểm cá nhân người phạm tội… Để thu được lượng thông tin khách quan đòi hỏi phải tuân thủ nguyên tắc giấu tên khi hỏi. Mặt khác, nó còn như thuộc vào người được hỏi và khả năng tổ chức cuộc điều tra của cán bộ nghiên cứu.

d) Phương pháp phỏng vấn

Phương pháp phỏng vấn về cơ bản giống với phương pháp phiếu điều tra. Điểm khác nhau giữa hai phương pháp này ở chỗ người trả lời trong cuộc phỏng vấn là trả lời cho nhồng câu hỏi miệng. Trong các cuộc phỏng vấn, mức độ tổ chức của các câu hỏi có thể biến đổi

  • Phỏng vấn tự do (phỏng vấn hoàn toàn không có tổ chức). Người phỏng vấn đơn giản chỉ trao đổi với người trả lời. Trong thời gian trao đổi chuyện trò với người trả lời có thể hỏi xoay vào những điểm mà người phỏng vấn quan tâm. Dạng phỏng vấn này có thể tìm hiểu cặn kẽ về thế giới của người trả lời và khám phá ra những đặc điểm thuộc về nhân thân cá nhân người được hỏi.
  • Phỏng vấn có trọng tâm là dạng phỏng vấn mà ở đó các câu hỏi đã được chuẩn bị tập trung vào những vấn đề đặc biệt theo những trật tự nhất định với những lời lẽ dung để hỏi cho phù hợp. Dạng phỏng vấn này được sử dụng để thu nhận ý kiến của xã hội với mục đích là thu nhận kết quả đối chứng càng nhiều càng tốt.
  • Phỏng vấn có tổ chức là loại phỏng vấn mà thứ tự và lời lẽ câu hỏi được chuẩn bị trước và mỗi người được hỏi một câu theo một cách thức với những câu hỏi nối tiếp theo cùng thứ tự vào mọi lúc. Dạng phỏng vấn này được sử dụng để nghiên cứu sự thay đổi diễn ra trong cuộc sống xã hội hoặc trong ý thức, tư tưởng của quần chúng sau thời gian nhất định.

Kết quả thu nhận được trong quá trình phỏng vấn được ghi chép trong sổ tay cuối cuộc phỏng vấn có thể ghi nội dung cuộc phỏng vấn bằng các mã số. Mục đích của mã hoá là sự chuyển đổi các câu trả lời cho các câu hỏi sang các biểu tượng có thể so sánh với nhau. Cái lợi của việc viết mã số là ở chỗ các câu trả lời có thể chuyển sang một cái thẻ có bấm lỗ (thẻ máy tính) và hầu như bất cứ loại so sánh nào giữa tập hợp những câu trả lời khác nhau đều có thể tiến hành một cách dễ dàng với sự trợ giúp của máy tính.

e) Phương pháp quan sát

Phương pháp quan sát là phương pháp nghiên cứu các quan hệ xã hội trong thực tiễn cuộc sống. Trong tội phạm học đối tượng quan sát cơ bản là điều kiện sống của người đã phạm tội, quá trình giáo dục cải tạo của người, phạm tội, kết quả của các biện pháp phòng ngừa… Có ba loại quan sát:

  • Thứ nhất, quan sát bên ngoài (toàn phần). Người quan sát đối tượng từ bên ngoài và không can thiệp vào các quan hệ của đối tượng. Ví dụ như nghiên cứu quá trình hình thành nhân cách người phạm tội. Người quan sát không tham gia vào quan hệ gia đình, quan hệ ở nơi sản xuất quan hệ sinh hoạt khác của người đó.
  • Thứ hai, quan sát bên trong. Người quan sát tham gia tổ chức cần quan sát và tiến hành quan sát từ bên trong. Trong tội phạm học, phương pháp này được sử dụng khi nghiên cứu nguyên nhân và điều kiện phạm tội ở trong các tổ chức nhất định. Ví dụ: Trường học, cơ sở kinh tế, các cơ quan cải tạo (nhà tù, trường giáo dưỡng, trung tâm cái nghiện…).
  • Thứ ba, quan sát tham gia. Đây là loại quan sát tích cực nhất. Người quan sát không những tham gia vào tổ chức cần quan sát mà còn tích cực tham gia trực tiếp vào các hoạt động của tổ chức ấy như thành viên trong tổ chức. Loại quan sát này thường được sử dụng trọng quá trình giáo dục cải tạo người phạm tội, đánh giá kết quả các biện pháp phòng ngừa.

Ngoài ra, trong tội phạm học còn sử dụng một loại quan sát nữa đó là loại “tự quan sát”. Cán bộ nghiên cứu thu thập những tài liệu do người phạm tội tự quan sát ghi lại như nhật kí, thư từ, điện tín có thể giúp cho cán bộ nghiên cứu tội phạm hiểu rõ về nhân thân người phạm tội và nguyên nhân phạm tội của cá nhân đó.

f) Phương pháp thực nghiệm

Tội phạm học sử đụng phương pháp thực nghiệm khi nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa nhằm đánh giá hiệu quả của nó. Chẳng hạn, áp dụng biện pháp phòng ngừa tội trộm cắp ở các cơ quan. Nếu các biện pháp có hiệu quả cao, chúng sẽ được áp dụng một cách rộng rãi phổ biến ở tất cả các cơ quan khác.

Trong việc nghiên cứu tội phạm học, tất cả các phương pháp nêu trên đều được phối hợp sử dụng với nhau nhằm thu thập được tài liệu một cách đầy đủ, toàn diện, chính xác, hạn chế được những sai lầm bảo đảm cho chúng ta thu được kết quả nghiên cứu đúng đắn, khách quan hiệu quả nhất.

2. Ý nghĩa của việc nghiên cứu tình hình tội phạm

Việc nghiên cứu tình hình tội phạm có ý nghĩa vô cùng to lớn. Kết quả của việc nghiên cứu tình hình tội phạm cho chúng ta cái nhìn tổng quan về tội phạm đã xảy ra. Cái nhìn tổng quan này không chỉ thể hiện đặc điểm định lượng (tổng số tội phạm cũng như tổng số người phạm tội – con số phản ánh mức độ nghiêm trọng của tội phạm đã xảy ra) mà còn thể hiện cả đặc điểm định tính (các cơ cấu bên trong của tội phạm và của người phạm tội mà những cơ cấu này phản ánh tính chất nghiêm trọng của tội phạm đã xảy ra). Bên cạnh đó, nó còn thể hiện tình trạng tĩnh của các tội phạm đã xảy ra và cả diễn biến (tăng, giảm hoặc tương đối ổn định về số lượng cũng như về tính chất) của tình trạng này.

Nghiên cứu tình hình tội phạm không chỉ dừng lại ở mô tả “bức tranh tội phạm” mà đòi hỏi còn phải phân tích “bức tranh”, so sánh các “bức tranh” với nhau để qua đó có được sự đánh giá đầy đủ và toàn diện tính nghiêm trọng của tội phạm đã xảy ra – nghiêm trọng về mức độ cũng như nghiêm trọng về tính chất.

Mô tả và phân tích “bức tranh tội phạm” trong nghiên cứu tình hình tội phạm không phải chỉ để biết những gì đã xảy ra mà quan trọng hơn là để giải thích, phát hiện nguyên nhân, để dự liệu tội phạm sẽ xảy ra như thế nào trong thời gian tới và qua đó tạo cơ sở cho việc đưa ra các biện pháp phòng ngừa tội phạm.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *