Quan hệ pháp luật Dân sự

[VPLUDVN] Quan hệ pháp luật dân sự là gì? Khái niệm quan hệ pháp luật dân sự? Đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự được quy định như thế nào? Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự? Luật Thiên Minh sẽ trả lời những câu hỏi trên trong bài viết dưới đây

1. Quan hệ pháp luật dân sự

Khái niệm quan hệ pháp luật dân sự

Là quan hệ xã hội do các quan hệ pháp luật dân sự điều chỉnh, tức là quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực dân sự, các quan hệ liên quan đến yếu tố nhân thân và tài sản trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, thương mại…

Các quan hệ xã hội này rất đa dạng và rất rộng.

Đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự

a) Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự rất đa dạng nhưng độc lập về tài sản và tổ chức: Bởi vì quan hệ pháp luật dân sự là các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản phát sinh thường nhật đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, cho hoạt động sản xuất và  kinh  doanh.

Đây là những quan hệ xã  hội phát sinh thường nhật trong một phạm vi rất rộng, đáp ứng nhu cầu của bất cứ chủ thể nào trong xã hội.

– Biểu hiện của sự đa dạng: Chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự bao gồm:

+ Cá nhân;

+ Pháp nhân;

+ Tổ hợp tác;

+ Hộ gia đình;

+ Nhà nước.

– Độc lập về tổ chức: Chủ thể khi tham gia vào quan hệ dân sự đều độc lập, không lệ thuộc về mặt tổ chức. Tránh trường hợp đổ lỗi trách nhiệm cho nhau.

– Độc lập về tài sản: Có sự rành rẽ, độc lập về tài sản.

b) Địa vị pháp lý của các chủ thể dựa trên cơ sở bình đẳng và không phụ thuộc vào các yếu tố xã hội khác

– Các chủ thể luôn bình đẳng với nhau về địa vị pháp lý, không có sự phân biệt về thành phần xã hội, tôn giáo, dân tộc, trình độ văn hóa, nghề nghiệp…

– Thể hiện của đặc điểm này trong quan hệ pháp luật dân sự:

+ Các  chủ thể bình đẳng về tài  sản: Các bên  bình đẳng với nhau,  thực hiện quyền và nghĩa vụ bằng tài sản của mình.

+ Bình đẳng về mặt tổ chức: Các chủ thể không lệ thuộc với nhau về mặt tổ chức, phải tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại do mình gây ra.

c) Lợi ích chủ yếu là lợi ích kinh tế là tiền đề cho các quan hệ pháp luật dân sự

– Lý do để khẳng định lợi ích chủ yếu là lợi ích kinh tế là tiền đề cho các quan hệ pháp luật dân sự:

+ Thứ nhất là các quan hệ pháp luật dân sự chủ yếu là quan hệ tài sản nên nó cũng mang các đặc điểm là có tính chất hàng hóa, tiền tệ và tính chất đền bù tương đương nên lợi ích về vật chất là một biểu hiện phổ biến trong quan hệ dân sự.

+ Các bên thiết lập một quan hệ dân sự nhằm một mục đích nhất định, tức là đều hướng đến một lợi ích nhất định có thể là lợi ích tinh thần hoặc lợi ích vật chất từ các quan hệ nhân thân hay quan hệ tài sản.

d) Các  biện pháp cưỡng chế đa dạng không chỉ do pháp luật quy định mà  có  thể các bên trong quan hệ pháp luật dân sự quy định các biện pháp không trái với pháp luật.

– Các biện pháp cưỡng chế trong quan hệ dân sự có nhiều biện pháp như các biện pháp mang tính chất tinh thần như xin lỗi, cải chính công khai…Chủ yếu nhằm mục đích khắc phục các vấn đề thuộc về đời sống tinh thần, về các giá trị nhân thân.

2. Quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối

Căn cứ vào tính xác định của chủ thể quyền và chủ thể nghĩa vụ, quan hệ pháp luật dân sự được chia thành hai loại:

– Quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối:
Trong quan hệ này, chủ thể quyền được xác định, còn các chủ `thể khác đều là chủ thể nghĩa vụ. Nghĩa vụ của các chủ thể nghĩa vụ được biểu hiện là dạng nghĩa vụ không hành động (tức là không thực hiện bất cứ hoạt động nào xâm phạm tới quyền của chủ thể quyền). Thông thường, các loại quyền tuyệt đối được pháp luật ghi nhận mà không phải do các bên thỏa thuận.

– Quan hệ pháp luật dân sự tương đối:
Quan hệ pháp luật dân sự tương đối là quan hệ pháp luật xác định cả chủ thể quyền và nghĩa vụ. Trong loại quan hệ này, nội dung quyền và nghĩa vụ thông thường do các bên thỏa thuận dựa trên các quy định của pháp luật. Nội dung các thỏa thuận này các nhà làm luật không thể quy định chi tiết mà chỉ đưa ra các quy định khung để các chủ thể dựa trên đó thỏa thuận.

3. Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự

a. Cá nhân

Đây là chủ thể chủ yếu tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự và tham gia thường xuyên bao gồm: công dân Việt Nam, người nước ngoài , người không có quốc tịch sống ở Việt Nam được quy định tại Chương III Bộ luật Dân sự. Để có tư cách chủ thể thì cá nhân phải có các điều kiện đầy đủ năng lực pháp luật dân sự (Điều 14) “ 1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”.   và năng lực hành vi dân sự (Điều 17) “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.” Năng lực hành vi dân sự của cá nhân chỉ có được khi đạt độ tuổi nhất định:

– Năng lực hành vi dân sự đầy đủ: Theo quy định tại Điều 19 người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ khi đủ 18 tuổi trở lên nhưng không bị mắc bệnh tâm thần, bệnh khác (Điều 22)  hoặc người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác (Điều 23).

– Năng lực hành vi một phần: Điều 20 quy định Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác, trường hợp có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

-Không có năng lực hành vi dân sự : là người chưa đủ 6 tuổi theo quy định Điều 21

– Mất năng lực hành vi dân sự và hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định Điều 22 và Điều 23

b. Pháp nhân

Cơ quan, tổ chức, chủ thể khác tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập có các kiện quy định tại Điều 84 về Pháp nhân: Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ 4 điều kiện sau đây:

– Thứ nhất, là được thành lập hợp pháp: thành lập theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định;

– Thứ hai, là có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

– Thứ ba, là có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó: pháp nhân phải có tài sản riêng không phụ thuộc và bị chi phối bởi bất kì chủ thể tham gia quan hệ pháp luật nào khác, trên cơ sở tài sản riêng đó pháp nhân phải chịu trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình

– Thứ tư, là nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập: vì tham gia vào quan hệ pháp luật một cách độc lập nên pháp nhân sẽ được hưởng các quyền và gánh vác các nghĩa vụ dân sự phù hợp với pháp nhân nên pháp nhân phải nhân danh chính mình.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *