Quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con phát sinh dựa trên sự kiện nuôi con nuôi

1.1. Khái niệm nuôi con nuôi

Nuôi con nuôi có thể được hiểu theo hai góc độ: Là sự kiện pháp lí hoặc là quan hệ pháp luật. Bài viết này đề cập việc nuôi con nuôi dưới góc độ là sự kiện pháp lí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Với ý nghĩa là sự kiện pháp lí, việc nuôi con nuôi bao gồm các sự kiện sau:

– Sự thể hiện ý chí của người nhận nuôi con nuôi. Người nhận nuôi con nuôi phải thể hiện ý chí của mình về việc mong muốn nhận nuôi đứa trẻ và thiết lập quan hệ cha mẹ và con với đứa trẻ đó. Ý chí, mong muốn đó của người nhận nuôi phải được thể hiện qua đơn xin nhận nuôi con nuôi;

– Sự thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được cho làm con nuôi. Ý chí của những người này trong việc cho trẻ em làm con nuôi phải minh bạch, và xuất phát từ sự tự nguyện thật sự của bản thân họ mà không có bất cứ sự tác động, thúc ép, dụ dỗ, hứa hẹn hoặc một áp lực nào. Nói cách khác, ý chí đó phải hoàn toàn độc lập. Nội dung của ý chí đó là đồng ý cho con mình làm con nuôi của người khác. Sự đồng ý đó có thể thể hiện bất cứ lúc nào nhưng nó chỉ có ý nghĩa sau khi đứa trẻ được sinh ra mà còn sống;

– Sự thể hiện ý chí của bản thân người con nuôi. Khoản 2 Điều 71 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: “Việc nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó”. Trong trường hợp này đứa trẻ tuy chưa được coi có năng lực hành vi đầy đủ nhưng đã có khả năng nhận thức nhất định về cuộc sống, có thể nhận biết và bày tỏ thái độ của mình mong muốn hay không mong muốn làm con nuôi người khác, cũng như cảm nhận được sự an toàn hay không an toàn khi được cho làm con nuôi người khác, khi phải thay đổi môi trường sống… Do đó, pháp luật quy định đứa trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên có quyền thể hiện ý chí độc lập, quyết định vấn đề có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của mình; sự đồng ý làm con nuôi của đứa trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên là điều kiện bắt buộc để việc nuôi con nuôi có giá trị pháp lí;

– Sự thể hiện ý chí của Nhà nước. Ý chí của Nhà nước được thể hiện qua việc công nhận (hay không công nhận) việc nuôi con nuôi, thông qua thủ tục đăng kí việc nuôi con nuôi (hay từ chối việc đăng kí nuôi con nuôi). Việc nuôi con nuôi được công nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm phát sinh hiệu lực pháp lí của việc nuôi con nuôi.

Như vậy, việc nuôi con nuôi là tập hợp các sự kiện pháp lí. Nếu thiếu đi một trong các sự kiện cấu thành tập hợp đó thì không làm phát sinh quan hệ pháp luật cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và đứa trẻ được nhận nuôi. Do đó, dưới góc độ là sự kiện pháp lí, việc nuôi con nuôi là cấu thành sự kiện – sự kiện pháp lí phức hợp.(1)

1.2. Mục đích của việc nuôi con nuôi

Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận nuôi và người nhận nuôi, trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng. Việc nuôi con nuôi phải dựa trên quan điểm là mang đến cho đứa trẻ một gia đình, để cho đưa trẻ được sống trong một môi trường gia đình với bầu không khí yêu thương, tình cảm. Mặt khác, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, việc nuôi con nuôi trên thực tế xảy ra khá phức tạp, việc quán triệt mục đích của việc nuôi con nuôi được pháp luật ngày càng chú trọng hơn.

Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định một số hành vi bị cấm như sau:

– Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.

– Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.

– Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

– Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.

– Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

– Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.

– Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Khi giải quyết việc nuôi con nuôi cần chú ý đến một nguyên tắc đó là, đảm bảo quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc. Việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài chỉ được xảy ra khi không thể tìm được một gia đình thay thế ở trong nước cho đứa trẻ. Vì vậy, Điều 5 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã quy định thứ tự ưu tiên chọn gia đình thay thế trong việc nuôi con nuôi như sau:

– Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

– Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;

– Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;

– Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

– Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

Nếu trong trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì cần xem xét và giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.

1.3. Điều kiện để việc nuôi con nuôi hợp pháp

a) Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi

Theo quy định tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì người được nhận làm con nuôi bao gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Bên cạnh đó luật cũng quy định một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Việc nuôi con nuôi hướng tới đối tượng trước tiên là trẻ em, nên pháp luật quy định độ tuổi tối đa của người được nhận làm con nuôi. Những người ở độ tuổi này chưa có sự trưởng thành nhất định về thể chất và tinh thần, rất cần sự quan tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của người lớn. Mặt khác, quy định độ tuổi của người con nuôi như vậy cũng tương ứng với quy định của các ngành luật khác như luật lao động, luật dân sự. Như vậy, quy định về độ tuổi của người được nhận nuôi là tương đối phù hợp về mặt lí luận và thực tiễn.

b) Điều kiện đối với người nhận con nuôi

Cá nhân muốn nhận con nuôi thì phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010, cụ thể các điều kiện bao gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt.

Ngoài ra, trường hợp cha dượng nhận con riêng của vơ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng hai điều kiện cuối.

Trường hợp người Việt Nam đinh cư ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi thì ngoài các điều kiện nêu trên, người đó còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú. Bên cạnh đó, các điều kiện nhận nuôi con của người nước ngoài thường trú ở nước ngoài hay trường hợp nhận trẻ nước ngoài làm con nuôi cũng được quy định cụ thể tại Điều 28, Điều 40 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 cùng các luật khác có liên quan.

Thêm vào đó, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi cũng quy định cá nhân thuộc không được nhận con nuôi.

c) Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi

 Việc nuôi con nuôi làm thay đổi căn bản tình trạng nhân thân của người nuôi và con nuôi, nên việc đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật hộ tịch. Đăng ký việc nuôi con nuôi là xác nhận một sự kiện hộ tịch. Tuy nhiên, do sự khác nhau về chủ thể nên việc áp dụng pháp luật để xác định các điều kiện con nuôi khác nhau, dẫn đến sự khác nhau về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, cần có sự phân biệt chủ thể để có thể thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi.

Theo Điều 9 Luật Nuôi con nuôi, cơ quan thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi được quy định cụ thể:

– Khi nhận nuôi trong nước: Ủy ban nhân dân (UBND) xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi;

– Khi nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài: UBND, Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi thường trú của con nuôi;

– Khi công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài nhận con nuôi: Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, nơi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi được hướng dẫn cụ thể tại  Điều 1 Nghị định 24/2019/NĐ-CP như sau:

– Trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi;

– Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

1.4. Hệ quả pháp lí của việc nuôi con nuôi

Việc nuôi con nuôi được đăng ký làm phát sinh quan hệ pháp luật cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôi. Quyền và trách nhiệm làm cha mẹ được chuyển giao một cách hợp pháp từ cha mẹ đẻ sang cha mẹ nuôi, bao gồm các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và về tài sản.

Quan hệ giữa người nuôi và người được nhận nuôi, theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật HNGĐ 2014 thì: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.”…

Điều 24 Luật Nuôi con nuôi quy định rất rõ về hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau: “Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Cụ thể, cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con , tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội….

Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình… Qua quy định này có thể hiểu là giữa con nuôi với các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự… Quan hệ giữa người con nuôi trong gia đình cha mẹ nuôi bao gồm nhiều quan hệ khác nhau như: Quan hệ giữa con nuôi với cha đẻ, mẹ đẻ của người nhận nuôi; giữa con nuôi với các con đẻ của người nhận nuôi, giữa con nuôi với những người anh, chị, em ruột của cha nuôi, mẹ nuôi v.v..

Tuy nhiên, trong mối quan hệ với những thành viên này của gia đình cha mẹ nuôi, người con nuôi có được coi như con đẻ của người nhận nuôi hay không, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như con đẻ của người nhận nuôi hay không là điều chưa được làm rõ qua quy định trên. Ví dụ: Giữa con nuôi với cha đẻ, mẹ đẻ của người nhận nuôi có được thừa kế tài sản của nhau hay không hoặc giữa họ có phát sinh quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng đối với nhau theo quy định tại Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2000 hay không? Những câu hỏi tương tự cũng có thể được đặt ra trong quan hệ giữa con nuôi của người nhận nuôi với những người con đẻ của người nhận nuôi, như giữa con nuôi với con đẻ của cha mẹ nuôi có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho nhau hay không? Theo ý kiến cá nhân, đây là nội dung quan trọng trong hệ quả pháp lí của việc nuôi con nuôi, có ý nghĩa thiết thực trong quan hệ nuôi con nuôi đồng thời cũng là vấn đề dễ xảy ra tranh chấp, do đó cần có quy định rõ ràng để có cơ sở pháp lí giải quyết khi có tranh chấp.

1.5. Chấm dứt việc nuôi con nuôi

Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi được quy định tại tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010. Theo đó, việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây: “1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; 2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi; 3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi; 4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này.”

a) Về căn cứ “Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi”:

Xuất phát từ nguyên tắc của việc nuôi con nuôi là phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi và trên cơ sở tự nguyện, nên khi con nuôi đã thành niên tức là từ đủ 18 tuổi trở lên thì giữa con nuôi và cha mẹ nuôi có quyền thỏa thuận với nhau chấm dứt việc nuôi con nuôi. Khi đó, con nuôi đã thành niên hoặc cha mẹ nuôi có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi. Do đó, nếu chỉ một bên là con nuôi đã thành niên hoặc cha mẹ nuôi làm đơn yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi nhưng bên còn lại không đồng ý chấm dứt việc nuôi con nuôi thì Tòa án không chấp nhận việc chấm dứt nuôi con nuôi.

b) Về căn cứ “Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi” và “cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi”:

Trong căn cứ thứ hai và thứ ba này, pháp luật không quy định con nuôi đã thành niên hay chưa thành niên. Do đó, nếu con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi hoặc cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi thì cha mẹ nuôi hoặc con nuôi hoặc cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi mà không phụ thuộc vào việc con nuôi hoặc cha mẹ nuôi có đồng ý chấm dứt việc nuôi con nuôi hay không.

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (cha mẹ nuôi hoặc con nuôi) được quy định tại Chương XIV từ Điều 123 đến 156 của BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình được quy định tại Điều 185 của BLHS năm 2015.

Về hành vi phá tán tài sản thì hiện nay pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi phá tán tài sản. Tuy nhiên, có thể hiểu hành vi phán tán tài sản của cha mẹ nuôi thể hiện qua các hành vi như: đập phá tài sản, trộm cắp tài sản để bán lấy tiền tiêu xài cá nhân… hành vi này có thể xảy ra nhiều lần và người có hành vi phá tán tài sản có thể đã được nhắc nhở hoặc giáo dục nhưng không sửa đổi.

c) Về căn cứ “Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật Nuôi con nuôi”:

Các hành vi bị cấm quy định tại Điều 13 Luật Nuôi con nuôi như sau: Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em;  Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi; Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Nếu phát hiện có những hành vi bị cấm quy định tại Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì tùy trường hợp cụ thể mà tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 26 Luật Nuôi con nuôi (bao gồm con nuôi đã thành niên, cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi, cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ) có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *