Quản lý nhà nước về lao động theo quy định pháp luật hiện hành

1. Quản lý nhà nước về lao động là gì?

Có thể hiểu, quản lý nhà nước về lao động là một chế định của luật lao động, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ quản lý lao động giữa nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội.

2. Nội dung quản lý nhà nước về lao động?

Quản lý nhà nước về lao động là một trong những lĩnh vực quản lý của Nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào nội dung quản lý, sử dụng các biện pháp quản lý nhằm tác động vào đối tượng quản lý, bảo đảm và thúc đẩy quan hệ lao động, thị trường lao động phát triển theo những định hướng mà Nhà nước đã đặt ra.

Quản lý nhà nước về lao động bao gồm quan hệ giữa Nhà nước với người sử dụng lao động và quan hệ giữa Nhà nước với người lao động.

Căn cứ Điều 212 Bộ luật Lao động 2019 quy định các nội dung quản lý nhà nước về lao động như sau:

– Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lao động.

Nội dung quản lý này nhằm bảo đảm về xây dựng thế chế phục vụ quản lý, tạo công cụ quản lý, công cụ pháp luật là quan trọng nhất của quản lý nhà nước về lao động.

– Theo dõi, thống kê, cung cấp thông tin về cung cầu và biến động cung, cầu lao động; quyết định chính sách tiền lương đối với người lao động; quyết định chính sách, quy hoạch, kế hoạch về nguồn nhân lực, phân bố và sử dụng lao động toàn xã hội, giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề; xây dựng khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp. Quy định danh mục nghề chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Đây là các nội dung nhằm phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực.

– Tổ chức và tiến hành nghiên cứu khoa học về lao động; thống kê, thông tin về lao động và thị trường lao động, về mức sống, tiền lương và thu nhập của người lao động; quản lý lao động về số lượng, chất lượng và biến động lao động.

Nội dung nhằm đảm bảo duy trì, ổn định và làm lành mạnh môi trường lao động và quan hệ lao động.

– Xây dựng các cơ chế, thiết chế hỗ trợ phát triển quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; thúc đẩy việc áp dụng quy định của Bộ luật này đối với người làm việc không có quan hệ lao động; thực hiện việc đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

– Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động; giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.

– Hợp tác quốc tế về lao động.

Quan hệ lao động hiện nay đang trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác về lao động là lĩnh vực quan trọng hiện nay nhiều quốc gia phải quan tâm. Do đó, Nhà nước phải thực hiện chính sách họp tác quốc tế nhằm mở rộng quan hệ quốc tế, mở rộng thị trường lao động để bảo đảm công ăn, việc làm, nâng cao kỹ năng, tay nghề, cung cách làm ăn để người lao động có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cho người lao động.

Trên đây là hệ thông công cụ đặc biệt quan trọng mà Nhà nước sử dụng để quản lý lao động, điều tiết hoạt động của thị trường lao động, điều chỉnh việc thiết lập, duy trì và chấm dứt quan hệ lao động. Các hoạt động duy trì, phát triển nguồn nhân lực cũng được quan tâm và được thực hiện bằng nhiều chương trình, biện pháp và nguồn lực khác nhau. Các hoạt động hỗ trợ thị trường lao động, làm lành mạnh môi trường lao động, quan hệ lao động cũng được xúc tiến một cách hiệu quả hơn.

3. Các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động?

Điều 213 Bộ luật lao động 2019 quy định thẩm quyền quản lý nhà nước về lao động cụ thể như sau:

– Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi cả nước.

– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động.

– Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về lao động.

– Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi địa phương mình.

Chính phủ là cơ quan quản lý có thẩm quyền chung cao nhất, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Nhà nước về toàn bộ công tác quản lý nhà nước về lao động.

4. Các biện pháp quản lý nhà nước về lao động?

Để thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, các cơ quan có thẩm quyền cần đặt ra nhiều biện pháp cụ thể như:

– Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động, các luật, pháp lệnh về lao động;

– Ban hành các chính sách, các quy định nhằm tổ chức tốt các hoạt động chức năng của hệ thống các cơ quan quản lí về lao động;

– Xây dựng chính sách phục vụ cho sự vận hành của thị trường lao động.

5. Thực trạng quản lý nhà nước về lao động trong doanh nghiệp hiện nay?

Thực trạng

Lao động là một hoạt động cơ bản của con người và xã hội loài người, nó vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính xã hội sâu sắc. Các doanh nghiệp là khu vực đóng góp phần lớn thu nhập quốc dân và tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Quản lý lao động trong DN đòi hỏi các DN phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ pháp luật của Nhà nước, phát huy tốt các chính sách của Nhà nước. Hoạt động quản lý nhà nước về lao động trong DN đặt ra việc giữ gìn, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực, đóng vai trò quyết định thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của thời kỳ mới. Những năm qua, công tác QLNN đối với lao động trong các DN đã đạt được một số kết quả nhất định:

– Bằng hệ thống pháp luật, Nhà nước đã thiết lập một hành lang pháp lý cho hoạt động QLNN về lao động trong DN, bao gồm phạm vi, phương thức và nội dung quản lý với những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh chủ yếu, như: Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Lao động năm 2019,…Nhà nước đã xây dựng tiêu chuẩn của lao động thông qua những quy định của pháp luật, đồng thời quy định về công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Hệ thống pháp luật ban hành không chỉ bảo đảm cho quan hệ làm công hưởng lương được khuyến khích phát triển mà còn bảo đảm quyền bình đẳng của các thành phần kinh tế, quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, các thiết chế của thị trường lao động, cơ chế vận hành và giám sát…

Tuy nhiên, pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động trong DN cũng còn những hạn chế nhất định, như: thiếu tính pháp điển, thiếu những định nghĩa cơ bản, chính xác, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vai trò của các tổ chức đại diện, nhất là tổ chức Công đoàn mới chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi động viên NLĐ, chưa thoát ly khỏi sự lệ thuộc của các chủ DN.

– Về các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật lao động trong DN. Các nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong DN hiện tập trung vào những vấn đề cơ bản, như: kiểm tra các thỏa ước lao động tập thể; tuyên bố thỏa thuận vô hiệu;…

Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, xung đột giữa NLĐ và DN, việc hòa giải, đàm phán, thương lượng còn mang đậm tính mệnh lệnh, hành chính. Tình trạng đình công đang là một vấn đề nhức nhối xảy ra khá phổ biến ở các DN hiện nay. Hoạt động này chủ yếu diễn ra một cách tự phát, nằm ngoài khuôn khổ pháp lý về tranh chấp lao động tập thể.

– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện QLNN về lao động trong các lĩnh vực cơ bản, như: việc làm và bảo hiểm thất nghiệp; dạy nghề; lao động, tiền lương; bảo hiểm xã hội; an toàn lao động…

Bên cạnh việc thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ và chủ DN thì thời gian qua, việc tổ chức và quản lý lao động trong DN vẫn còn một số tồn tại nhất định. Theo đó, việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật còn nhiều thiếu sót, nhất là việc đóng bảo hiểm xã hội, việc bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động cho NLĐ…

Về phía cán bộ quản lý vẫn còn tình trạng yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, xa rời thực tiễn, quan liêu và chưa giải quyết triệt để, thấu đáo các nội dung tranh chấp. Những bất cập này có một phần nguyên nhân do thiếu thông tin, do phương pháp quản lý yếu kém. Hơn nữa, cơ quan nhà nước cũng chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nên công tác quản lý lao động trong DN chưa hiệu quả.

Yêu cầu đặt ra

Trong bối cảnh 4.0, Nhà nước cần đổi mới phương thức quản lý lao động trong DN, tập trung ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, đổi mới sáng tạo trong mô hình tổ chức và phương thức quản lý theo hướng sau:

– Quản lý lao động trong DN dựa trên tích hợp công nghệ số hóa, hệ thống điều khiển, mạng truyền thông để quản lý nguồn nhân lực. Từ đó đưa ra những dự liệu về nguồn nhân lực nhằm điều tiết và có giải pháp phát huy sức mạnh nguồn nhân lực.

– Tối ưu hóa mô hình quản lý lao động của Nhà nước theo đúng cơ chế, chính sách hiện hành. Ứng dụng và sử dụng có hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh, gắn kết chặt chẽ hơn giữa nhu cầu của thị trường lao động và các DN, hỗ trợ về cơ chế, chính sách trong việc xây dựng thị trường lao động trong nước và quốc tế.

– Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, NLĐ và người sử dụng lao động trong DN.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *