1. Lý do giải thể hợp tác xã
Hợp tác xã có thể được giải thể theo hai lý do:
Một là, giải thể hợp tác xã tự nguyện do đại hội xã viên thống nhất với việc chấm dứt hoạt động kinh doanh của hợp tác xã.
Hai là, giải thể hợp tác xã bắt buộc do Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã nếu:
- Hợp tác xã không hoạt động trong 12 tháng liên tục;
- Hợp tác xã không đảm bảo đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong 12 tháng liên tục;
- Hợp tác xã không tổ chức được đại hội thành viên thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do;
- Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký;
- Theo quyết định của Tòa án.
2. Thủ tục giải thể hợp tác xã
Bước 1: Ra quyết định giải thể và thành lập hội đồng giải thể.
Ở bước này, tùy lý do giải thể tự nguyện hay bắt buộc, chủ thể ra quyết định và thành phần hội đồng giải thể sẽ có sự khác biệt. Cụ thể:
Đối với giải thể tự nguyện: Việc ra quyết định giải thể hợp tác xã phải thông qua cuộc họp đại hội thành viên với ít nhất 75% tổng số đại biểu quyết tán thành. Đại hội thành viên thành lập hội đồng giải thể tự nguyện để đại diện cho hợp tác xã, bao gồm: Đại diện hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, ban điều hành, đại diện của thành viên, hợp tác xã viên.
Đối với giải thể bắt buộc: Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định giải thể trên cơ sở hồ sơ giải thể bắt buộc được lập và trình bởi Phòng tài chính – kế hoạch thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập.
Đồng thời ủy ban nhân dân cấp huyện hội đồng giải thể bao gồm: Chủ tịch hội đồng giải thể là đại diện của Uỷ ban nhân dân; ủy viên thường trực là đại diện của cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký; ủy viên khác là đại diện của cơ quan đại diện của chuyên ngành cùng cấp, tổ chức đại diện, liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu hợp tác xã thành viên của liên minh), Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi hợp tác xã, liên minh hợp tác xã đóng trụ sở, hội đồng quản trị, ban kiểm soát viên, thành viên.
Bước 2: Hội đồng giải thể tiến hành các thủ tục giải thể hợp tác xã theo quy định pháp luật.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định giải thể, Hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện công việc:
+ Thông báo về việc giải thể tới cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã (chỉ đối với giải thể tự nguyện);
+ Đăng báo địa phương nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong 03 số liên tiếp về việc giải thể tự nguyện hoặc bắt buộc;
+ Thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng; thực hiện việc xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã được thực hiện theo trình tự: Thu hồi tài sản của hợp tác xã; thanh lý tài sản, trừ phần tài sản không chia; thanh toán các khoản nợ phải trả và thực hiện nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã.
Hợp tác xã chỉ sử dụng các loại tài sản không chia mà không phải là các khoản hỗ trợ không hoàn lại của nhà nước để trả nợ khi mà các tài sản khác không đủ để trả nợ. Các tài sản không chia sẻ trong phạm vi tài sản chịu trách nhiệm của hợp tác xã bao gồm: Khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; phần trích từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia; vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia.
Sau khi hoàn tất các bước trên, hội đồng giải thể phải nộp một bộ hồ sơ về việc giải thể, con dấu và bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký
Bước 3: Cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã phải xóa tên hợp tác xã trong sổ đăng ký. Kể từ thời điểm này, hợp tác xã chấm dứt tồn tại.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.