Quy định của pháp luật về hộ kinh doanh cá thể

1. Quy định về hộ kinh doanh?

Theo hướng dẫn tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP 14/9/2015 ngày thì: Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

* Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

* Hộ kinh doanh có sử dụng thường xuyên từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.

2. Cách đặt tên hộ kinh doanh như thế nào?

Căn cứ Điều 73 Nghị định 78/2015/NĐ-CP đăng ký doanh nghiệp quy định như sau:

“Điều 73. Đặt tên hộ kinh doanh

1. Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố sau đây:

a) Loại hình “Hộ kinh doanh”;

b) Tên riêng của hộ kinh doanh.

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.

2. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.

3. Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.

4. Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện.”

Như vậy, khi thành lập hộ kinh doanh bắt buộc trong tên gọi phải có chữ “Hộ kinh doanh”. Những thành phần khác trong tên hộ kinh doanh phải đáp ứng được những quy định pháp luật trên.

3. Khác nhau giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân. Thủ tục thành lập hộ kinh doanh như thế nào?

* Chúng tôi đưa ra các đặc trưng, ưu, nhược điểm của hai loại hình là hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân dưới đây để Quý khách tham khảo:

Hộ kinh doanh Doanh nghiệp tư nhân
Chủ thể Do cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm, một hộ gia đình làm chủ, cùng nhau quản lý, phát triển mô hình và cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Do một cá nhân làm chủ góp toàn bộ vốn, tự chịu trách nhiệm và hưởng toàn bộ lợi ích
Quy mô kinh doanh +Nhỏ hơn

+Kinh doanh buôn bán phải lựa chọn một địa điểm cố định để đăng ký kinh doanh, có thể là nói đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất.

+Nếu buôn bán lưu động, kinh doanh ngoài địa điểm kinh doanh phải thông báo cho cơ quan thuế, quản lý kinh doanh…

+Không được phép xuất khẩu, nhập khẩu.

+Lớn hơn

+Không giới hạn quy mô, vốn, địa điểm kinh doanh

+Không được phép xuất khẩu, nhập khẩu

Lượng nhân công Giới hạn nhân công 10 người Không hạn chế
Điều kiện kinh doanh Chỉ trong một số trường hợp nhất định, đăng ký kinh doanh ở cơ quan cấp huyện và không có con dấu. Buộc phải đăng kí kinh doanh, phải đăng kí kinh doanh ở cấp tỉnh để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phải có con dấu trong quản lý được cơ quan công an cấp.
Ưu điểm Quy mô gọn nhẹ, chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản, phù hợp với cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Một chủ đầu tư, thuận lợi trong việc quyết định các vấn đề của doanh nghiệp, dễ dàng vay vốn do chế độ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.
Nhược điểm Không có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ hộ, tính chất hoạt động manh mún. Không có tư cách pháp nhân, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản của chủ doanh nghiệp.

* Về trình tự thủ tục đăng ký hộ kinh doanh như sau:

– Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

+ Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh, số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

+ Ngành, nghề kinh doanh;

+ Số vốn kinh doanh;

+ Số lao động;

+ Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

– Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

+ Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

+ Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;

+ Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

– Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

– Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.

4. Các loại thuế của hộ kinh doanh được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh thì hộ gia đình phải nộp thuế khoán, bao gồm thuế GTGT và thuế TNCN.

* Nguyên tắc áp dụng:

– Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư 92/2015/TT-BTC này.

– Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm.

Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: cá nhân mới ra kinh doanh; cá nhân kinh doanh thường xuyên theo thời vụ; cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp, nếu kinh doanh không trọn năm thì cá nhân được giảm thuế khoán phải nộp tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm.

Ví dụ 1: Ông A bắt đầu kinh doanh từ tháng 4 năm 2015, và dự kiến có doanh thu khoán của 09 tháng thực tế kinh doanh là 90 triệu đồng (trung bình 10 triệu/tháng) thì doanh thu tương ứng của một năm (12 tháng) là 120 triệu đồng (>100 triệu đồng). Như vậy, Ông A thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng, phải nộp thuế thu nhập cá nhân tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh từ tháng 4 năm 2015 là 90 triệu đồng.

Ví dụ 2: Bà B đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp của cả năm 2015. Đến tháng 10 năm 2015 Bà B ngừng/nghỉ kinh doanh thì Bà B được giảm thuế khoán tương ứng với 03 tháng cuối năm 2015.

– Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.

Ví dụ 3: Hộ gia đình C được thành lập bởi một nhóm gồm 04 cá nhân. Năm 2015 Hộ gia đình C có doanh thu kinh doanh là 180 triệu đồng (>100 triệu đồng) thì Hộ gia đình C thuộc diện phải nộp thuế giá trị giá tăng và thuế thu nhập cá nhân trên tổng doanh thu là 180 triệu đồng.

– Xác định số thuế phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

– Thời điểm xác định doanh thu tính thuế

+ Đối với doanh thu tính thuế khoán thì thời điểm cá nhân thực hiện việc xác định doanh thu là từ ngày 20/11 đến ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế.

+ Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán mới ra kinh doanh (không hoạt động từ đầu năm) hoặc cá nhân thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh trong năm thì thời điểm thực hiện việc xác định doanh thu tính thuế khoán của năm là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc ngày thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *