1. Khái niệm tố tụng cạnh tranh
Theo khoản 9 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2004 thì “Tố tụng cạnh tranh là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục giải quyết, xử lí vụ việc cạnh tranh theo quy định của Luật này”.
Tố tụng cạnh tranh tiến hành theo thủ tục hành chính có những điểm khác với thủ tục tư pháp tại Tòa án và hiện hành được quy định trong Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh.
Việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh).
Như vậy, tố tụng cạnh tranh thực chất chỉ bao gồm thẩm quyền và thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh. Đây là một trong các nội dung cơ bản và quan trọng của pháp luật cạnh tranh ở các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam.
2. Đặc trưng cơ bản của tố tụng cạnh tranh
Thứ nhất, tố tụng cạnh tranh được áp dụng để giải quyết vụ việc cạnh tranh
Khác với các loại tố tụng khác, tố tụng cạnh tranh được áp dụng để giải quyết vụ việc cạnh tranh khi chúng đáp ứng hai điều kiện cần và đủ sau:
– Một là vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật cạnh tranh;
– Hai là bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, tố tụng cạnh tranh áp dụng cho cả hai hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh có bản chất không giống nhau, đó là hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do bản chất của hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác nhau nên trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hai hành vi này không hoàn toàn giống nhau.
Thứ ba, tố tụng cạnh tranh được tiến hành bởi các cơ quan hành pháp. Tố tụng cạnh tranh được tiến hành bởi các cơ quan hành pháp (không phải Tòa án), thông quan hoạt động của thành viên Hội đồng cạnh tranh, Thủ trưởng cơ quản lý cạnh tranh, điều tran viên và thư kí phiên điều trần (thậm chí còn bao gồm cả Bộ trưởng Bộ công thương). Đó là những người có trình độ chuyên môn cao về các lĩnh vực tài chính, kinh tế, pháp lý.
Thứ tư, tố tụng cạnh tranh được áp dụng không nhất thiết phải dựa vào đươ khiếu nại của bên có liên quan mà có thể được thực hiện bởi quyết định có tính chất hành chính của cơ quan quản lí cạnh tranh.
Ngoài hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh đã được thụ lý, cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý cạnh tranh quyết đinh điều tran sơ bộ còn có thể là dấu hiệu quy định của Luật cạnh tranh mà cơ quan quản lý cạnh tranh tự phát hiện. Bởi vậy, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh có thể tự mình quyết định điều tra sơ bộ mà không cần có đơn khiếu nại của bên liên quan.
3. Các chủ thể tham gia tố tụng cạnh tranh
Chủ thể tham gia tố tụng cạnh tranh là những tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, bao gồm:
– Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh, bao gồm: Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh.
– Người tiến hành tố tụng cạnh tranh, bao gồm: Thành viên hội đồng cạnh tranh, thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh, điều tra viên và thư ký phiên điều trần.
– Người tham gia tố tụng cạnh tranh bao gồm: Bên khiếu nại, bên bị điều tra, Luật sư; người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.