Quy định của pháp luật về trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ

1. Khái niệm trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ

Trưng bày, giới thiệu hàng hoá là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân dùng hàng hoá, dịch vụ và tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để giới thiệu với khách hàng về hàng hoá, dịch vụ đó.

Có nhiều cách thức khác nhau để thương nhân giới thiệu về hàng hoá của mình. Nếu như trong quảng cáo, những thông tin bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết thể hiện qua các phương tiện như xuất bản phẩm, đài phát thanh, truyền hình, băng, biển… là thông điệp có ý nghĩa giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ mà thương nhân có khả năng cung ứng, thì trong hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, phương tiện có ý nghĩa thông tin đến khách hàng lại chính là hàng hoá, dịch vụ và tài liệu về hàng hoá, dịch vụ đó. Chính vì vậy, xét về bản chất, có thể coi trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ là cách thức đặc biệt để quảng cáo hàng hoá, dịch vụ vói khách hàng.

2. Đặc điểm trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ

Có thể nhận diện hành vi trưng bày, giới thiệu hàng hoá trong thương mại với các đặc điểm cơ bản sau đây:

+ Chủ thể trưng bày, giới thiệu hàng hoá trong thương mại là thương nhân. Thương nhân thực hiện hành vi trưng bày, giới thiệu hàng hoá có thể là thương nhân có nhu cầu bán hàng, cung ứng dịch vụ hoặc thương nhân kinh doanh dịch vụ xúc tiến thương mại, thực hiện việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá cho thương nhân khác để thu phí dịch vụ.

+ Cách thức tiến hành: dùng hàng hoá, dịch vụ và câc tài liệu kèm theo để giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ. Trong hình thức xúc tiến thương mại này, hàng hoá, dịch vụ được sử dụng như là một công cụ để giới thiệu các thông tin về kiểu dáng, chất lượng, chủng loại, giá cả… Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, hàng hoá được trưng bày, giới thiệu thông qua các hình thức: (i) Mở phòng trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ; (ii) Tổ chức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ tại các trung tâm thương mại, hội chợ, triển lãm hoặc trong các hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá, nghệ thuật; (iii) Tổ chức hội nghị, hội thảo có trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ; (iv) Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ trên internet và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

+ Về mục đích: mục đích trực tiếp của trưng bày, giới thiệu hàng hoá là giới thiệu các thông tin về hàng hoá để từ đó kých thích nhu cầu mua sắm, xúc tiến cơ hội bán hàng.

3. Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá

Việc thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá phải được xác lập bằng hợp đồng, trong đó chứa đụng sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng và bên cung ứng dịch vụ trong việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá.

Khác với các hợp đồng dịch vụ thông thường, hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá có một số đặc trưng nhất định.

Về chủ thể của hợp đồng: Luật Thương mại năm 2005 quy định thương nhân có quyền trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ, lựa chọn các hình thức trưng bày, giói thiệu phù hợp; tự mình tổ chức hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ để trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ của mình. Theo quy định này, chủ thể của hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá (bên thuê dịch vụ và bên kinh doanh dịch vụ) đều là thương nhân.

Về hình thức, hợp đông dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ phải được lập thành văn bản hay hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Về nội dung, hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ có các điều khoản chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa chỉ bên thuê dịch vụ và bên kinh doanh dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá;

+ Hàng hoá trưng bày, giới thiệu;

+ Nội dung, hình thức, địa điểm, thời gian trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ;

+ Phí dịch vụ và các chi phí khác;

+ Quyền và nghĩa vụ cùa các bên…

Theo quy định của pháp luật, bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá có quyền yêu cầu bên làm dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá thực hiện thỏa thuận trong hợp đồng, kiểm tra giám sát việc thực hiện hợp đồng, có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ hàng hoá trưng bày, giới thiệu hoặc phương tiện cho bên làm dịch vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng, cung cấp thông tin về hàng hoá trưng bày, giới thiệu, trả phí dịch vụ và các chi phí khác theo hợp đồng. Thương nhân kinh doanh dịch vụ có quyền yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp hàng hoá, thông tin về hàng hoá trưng bày, giới thiệu và các phương tiện cần thiết khác theo thỏa thuận trong hợp đồng, nhận phí dịch vụ và các chi phí khác theo hợp đồng, về nghĩa vụ, thương nhân kinh doanh dịch vụ phải thực hiện cam kết về trưng bày, giới thiệu hàng hoá, bảo quản hàng hoá trưng bày, giới thiệu, các tài liệu, phương tiện được giao trong thời gian thực hiện hợp đồng. Khi kết thúc việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá, thương nhân kinh doanh dịch vụ phải giao lại đầy đủ hàng hoá, tài liệu, phương tiện trưng bày, giới thiệu cho bên thuê dịch vụ và nếu gây thiệt hại thì có nghĩa vụ phải bồi thường. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, thương nhân kinh doanh dịch vụ không được chuyển giao hoặc thuê người khác thực hiện dịch vụ nếu không có sự chấp nhận của bên thuê dịch vụ; trường hợp chuyển giao nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm với bên thuê dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá.

4. Hàng hoá, dịch vụ trưng bày và các trường hợp cấm trưng bày, giới thiệu hàng hoá

Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, do vậy, hàng hoá, dịch vụ được trưng bày, giới thiệu phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để đảm bảo tính hợp pháp của hoạt động thương mại đó. Những điều kiện cụ thể bao gồm:

– Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu phải là những hàng hoá, dịch vụ kinh doanh hợp pháp trên thị trường.

– Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hoá và ghi nhãn hàng hoá.

Đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để trưng bày, giới thiệu tại Việt Nam, ngoài việc đáp ứng hai điều kiện trên đây còn phải đáp ứng các điều kiện:

– Là hàng hoá được phép nhập khẩu vào Việt Nam;

– Hàng hoá tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu phải tái xuất khẩu sau khi kết thúc việc trưng bày, giới thiệu nhưng không quá sáu tháng, kể từ ngày tạm nhập khẩu; nếu quá thời hạn trên thì phải làm thủ tục gia hạn tại hải quan nơi tạm nhập khẩu;

– Hàng hoá tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu nếu tiêu thụ tại Việt Nam thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với hàng hoá nhập khẩu.

Bên cạnh việc thực hiện các điều kiện này, pháp luật hiện hành cấm trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ trong một số trường hợp, nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích chung của xã hội và lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan như:

+ Cấm việc tổ chức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cảnh quan, môi trường, sức khoẻ con người.

+ Cấm việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ hoặc sử dụng hình thức, phương tiện trưng bày, giới thiệu trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mĩ tục Việt Nam.

+ Cấm việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ làm lộ bí mật nhà nước.

+ Cấm việc trưng bày, giới thiệu hàng hoá của thương nhân khác để so sánh với hàng hoá của mình, trừ trường hợp hàng hoá đem so sánh là hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

+ Cấm việc trưng bày, giới thiệu mẫu hàng hoá không đúng với hàng hoá đang kinh doanh về chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, thời hạn bảo hành và các chỉ tiêu chất lượng khác nhằm lừa dối khách hàng.

5. Vai trò của xúc tiến thương mại và Quy định pháp luật về xúc tiến thương mại

Với sự đa dạng, phong phú của hàng hoá dịch vụ trong nền kinh tế thị trường, khách hàng có rất nhiều cơ hội lựa chọn. Điều này thực sự là thách thức lớn đối với thương nhân. Xúc tiến thương mại trở thành công cụ hữu hiệu để thương nhân chiếm lĩnh thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ trên thị trường. Xúc tiến thương mại phản ánh cầu nôi giữa khách hàng và thương nhân, giúp thương nhân có những đánh giá nhìn nhận về ưu nhược điểm của hàng hoá, dịch vụ, trên cơ sở đó có các quyết định kịp thời, phù hợp.

Đối với người tiêu dùng, xúc tiến thương mại vừa có ý nghĩa thông tin về hàng hoá, dịch vụ, vừa kých thích nhu cầu mua sắm thông qua những hấp dẫn về lợi ích mà thương nhân dành cho họ nên qua đó, họ có cơ hội mua sắm hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tất cả các hình thức xúc tiến thương mại đều có ý nghĩa xây dựng hình ảnh đẹp về doanh nghiệp và do đó, giá trị tài sản vô hình của thương nhân được tăng cường.

Những lợi ích trên đây nói lên vai trò to lớn của xúc tiến thương mại, đồng thời chứa đựng nguy cơ nảy sinh những gian lận thương mại và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm lôi kéo khách hàng, tranh giành thị phần giữa các thương nhân cùng lĩnh vực kinh doanh. Những hành vi vi phạm pháp luật khi xúc tiến thương mại không chỉ gây khó khăn cho thương nhân khác mà còn gây hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Để hạn chế những biểu hiện tiêu cực này, Nhà nước thiết lập cơ sở pháp lý cho thương nhân thực hiện quyền tự do hoạt động xúc tiến thương mại, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi của người tiêu dùng. Pháp luật về xúc tiến thương mại tạo cơ sở pháp lý cho thương nhân thực hiện quyền tự do hoạt động xúc tiến thương mại và là công cụ để nhà nước kiểm soát, ngăn ngừa những tiêu cực phát sinh trong hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân, góp phần hình thành và đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *