[VPLUDVN] Theo quy định, tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/11/2019 và thay thế Nghị định 151/2007/NĐ-CP.
Theo quy định, tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Tổ hợp tác tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: 1- Tổ hợp tác hoạt động trên cơ sở hợp đồng hợp tác; 2- Cá nhân, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập và rút khỏi tổ hợp tác; 3- Thành viên tổ hợp tác có quyền dân chủ, bình đẳng trong việc quyết định tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Quyết định theo đa số trừ trường hợp hợp đồng hợp tác, Bộ luật dân sự và pháp luật có liên quan quy định khác; 4- Cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Tổ hợp tác có quyền: 1- Tên riêng; 2- Tự do hoạt động, kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; 3- Hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân để mở rộng hoạt động, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; 4- Thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật có liên quan; 5- Xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định của Nghị định, Điều 508 của Bộ luật dân sự và pháp luật khác có liên quan; 6- Được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như các hợp tác xã; 7- Quyền khác theo quy định của hợp đồng hợp tác, Bộ luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Nghị định nêu rõ, để trở thành thành viên của tổ hợp tác, các thành viên phải đáp ứng các điều kiện sau:
1- Cá nhân là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định từ Điều 16 đến Điều 24 Bộ luật dân sự, quy định của Bộ luật lao động và pháp luật khác có liên quan;
2- Tổ chức là pháp nhân Việt Nam, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có năng lực pháp luật phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của tổ hợp tác;
3- Tự nguyện gia nhập và chấp thuận nội dung hợp đồng hợp tác;
4- Cam kết đóng góp tài sản, công sức theo quy định của hợp đồng hợp tác;
5- Điều kiện khác theo quy định của hợp đồng hợp tác.
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ tổ hợp tác bị chấm dứt hoạt động trong trường hợp sau: a- Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác; b- Mục đích hợp tác đã đạt được; c- Không duy trì số lượng thành viên tối thiểu theo quy định; d- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đ- Theo quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan; e- Theo thỏa thuận của các thành viên tổ hợp tác.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.