Quy định về miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

1. Miễn trừ trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng

Căn cứ để miễn trừ trách nhiệm dân sự do sự kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 1 Điều 302 “Bộ luật dân sự 2015” theo đó:

“Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Theo quy định này thì khi xem xét vấn đề miễn trừ trách nhiệm dân sự do sự kiện bất khả kháng, cần lưu ý không phải cứ có sự kiện bất khả kháng xảy ra là bên có nghĩa vụ dân sự được miễn trừ trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng. Để được miễn trừ trách nhiệm dân sự, cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (khoản 1 Điều 161 Bộ luật dân sự).

Thứ hai, sự kiện bất khả kháng và hành vi vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ phải có mối quan hệ nhân quả với nhau. Trong đó, sự kiện bất khả kháng là nguyên nhân còn hành vi vi phạm là kết quả.

Thứ ba, khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra, bên có nghĩa vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng của mình để khắc phục, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra, nhưng hậu quả là bên có nghĩa vụ vẫn không thể khắc phục được và đã vi phạm hợp đồng. Quy định này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của bên có nghĩa vụ trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Thứ tư, các bên tham gia giao kết hợp đồng không có thỏa thuận khác trong hợp đồng. Thỏa thuận khác ở đây được hiểu là khi giao kết hợp đồng các ben không thỏa thuận rằng bên vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng ngay cả khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra.

2. Miễn trừ trách nhiệm dân sự do lỗi hoàn toàn của bên có quyền

Khoản 3 Điều 302 Bộ luật dân sự quy định:

“Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.”

Đây là trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự căn cứ vào yếu tố lỗi. Theo điều luật trên thì nếu bên có nghĩa vụ muốn được miễn trừ trách nhiệm dân sự, ngoài việc chứng minh mình không có lỗi còn phải chứng minh lỗi thuộc về bên có quyền. Một điều cần lưu ý đó là bên có nghĩa vụ chỉ được miễn trừ trách nhiệm nếu lỗi hoàn toàn do bên có quyền. Còn nếu lỗi một phần do bên có quyền, một phần do bên có nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ chỉ được giảm trừ trách nhiệm dân sự tương ứng với mức độ lỗi của bên có quyền và vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự tương ứng với mức độ lỗi của mình. Hành vi có lỗi của bên có quyền phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ.

3. Miễn trừ trách nhiệm do thỏa thuận trong hợp đồng

Điều 302 Bộ luật dân sự chỉ quy định hai trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự đó là do sự kiện bất khả kháng và do lỗi của bên có quyền. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 402 Bộ luật dân sự thì một trong những nội dung mà các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng đó là điều khoản về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Pháp luật đã để cho các chủ thể tự do thỏa thuận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thì đương nhiên cũng để cho các chủ thể tự do thỏa thuận về điều khoản miễn trừ trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, trong nhiều điều khoản khác của Bộ luật dân sự khi quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm hợp đồng cũng thường kèm theo cụm từ “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” (khoản 2 Điều 305, Điều 306…) do đó, ngoài hai trường hợp luật định là miễn trừ trách nhiệm dân sự do sự kiện bất khả kháng và miễn trừ trách nhiệm dân sự do lỗi hoàn toàn của bên có quyền, bên có nghĩa vụ còn được miễn trừ trách nhiệm dân sự nếu trong hợp đồng các bên có thỏa thuận về việc này.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *