Quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hợp tác xã

1. Định nghĩa hợp tác xã

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật hợp tác xã năm 2012:

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

2. Đặc điểm của hợp tác xã

– Hợp tác xã là tổ chức kinh tế xã hội:

– Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ, có tư cách pháp nhân.

– HTX là một tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện góp vốn và góp sức lập ra theo các quy định của pháp luật và cùng hưởng lợi.

– HTX là tổ chức kinh tế hoạt động như một loại hình doanh nghiệp.

Các loại hình Hợp tác xã ở Việt Nam

Hiện nay ở Việt Nam có các loại hình Hợp tác xã sau:

  • Hợp tác xã Nông nghiệp;
  • Hợp tác xã Thương mại dịch vụ;
  • Hợp tác xã Thủy sản;
  • Hợp tác xã Xây dựng;
  • Hợp tác xã Giao thông vận tải;
  • Hợp tác xã Tín dụng.

3. Các nguyên tắc tổ chức hoạt động của HTX

Tại Điều 7 Luật Hợp tác xã 2012 đã quy định những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX như sau:

– Nguyên tắc tự nguyện: Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã. Hợp tác xã tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã.

Tự nguyện là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi có nhu cầu hợp tác, nhu cầu sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và không tổ chức nào có quyền ép buộc.

– Nguyên tắc dân chủ, bình đẳng và công khai: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên, hợp tác xã thành viên. Thành viên, hợp tác xã thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.

Thành viên cốt lõi, là đối tác, là khách hàng, là thì trường của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Không có thành viên sẽ không tồn tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã việc phát triển thành viên là tăng cường nguồn lực, tăng cường thị trường, sự dụng dịch vụ, sản phẩm. Đây là nền tảng để hợp tác xã phát triển bền vững trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Bình đẳng là bản chất, là giá trị ưu việt của mô hình hợp tác xã. Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên được bình đẳng trong quyết định về tổ chức, quản lý, điều hành, hoạt động, chiến lược, kế hoạch phát triển và phân phối… không phụ thuộc vào trình độ góp vốn,vị trí trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

– Nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.

Tự chủ, tự chịu trách nhiệm vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trước pháp luật và trước hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, trước thành viên hợp tác xã và cộng đồng xã hội.

– Nguyên tắc hợp tác và phát triển cộng đồng: Thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ. Thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.

Hợp đồng dịch vụ không phải là một điều mới trong luật song Luật Hợp tác xã 2012 quy định cụ thể đó là thành viên của hợp tác xã phải cam kết sử dụng sản phẩm dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bằng hợp đồng. Hình thức giao kết hợp đồng do điều lệ hợp tác xã quy định. Một khi thành viên có hợp đồng với họp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì phải thỏa thuận về phân phối thu nhập sau khi thực hiện hợp đồng. Điểm quy định mới là phân chia lợi nhuận dựa trên mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Có nghĩa là thành viên nào có doanh thu sử dụng dịch vụ nhiều hơn thì được phân phối lợi nhuận nhiều hơn.

– Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi xã viên Hợp tác xã: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, hợp tác xã thành viên, cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.

Giáo dục đối với mỗi thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tập trung vào thông tin phổ biến, giới thiệu những giá trị, lợi ích của thành viên khi tham gia vào hợp tác xã…

Đào tạo trong hợp tác xã liên hiệp hợp tác xã tập trung vào đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, kĩ năng làm việc đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhân viên nghiệp vụ làm việc thường xuyên tại hợp tác xã. Việc đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho thành viên phải được đưa vào kế hoạch hoạt động hằng năm và phải có đầu tư về kinh phí cho hoạt động này.

Chăm lo cho thành viên là trách nhiệm của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thành viên được đáp ứng càng nhiều các nhu cầu, quyền lợi thì thành viên càng gắn bó với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Mục tiêu HTX bao gồm: mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội.

4. Trình tự, thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh Hợp tác xã

Bước 1: Báo cáo bằng văn bản việc thành lập tới UBND phường, thị trấn, nơi dự định đặt trụ sở chính của Hợp tác xã:

Bước 2: Hội nghị thành lập Hợp tác xã: Hội nghị thành lập Hợp tác xã là Hội nghị đầu tiên quyết định việc thành lập Hợp tác xã. Hội nghị này do các sáng lập viên đứng ra tổ chức. Tại Khoản 3 Điều 20 Luật Hợp tác xã năm 2012. Theo đó, hội nghị thảo luận và biểu quyết theo đa số các vấn đề sau:

– Phương án sản xuất, kinh doanh;

– Bầu hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng quản trị; quyết định việc lựa chọn giám đốc (tổng giám đốc) trong số thành viên, đại diện hợp pháp của hợp tác xã thành viên hoặc thuê giám đốc (tổng giám đốc);

– Bầu ban kiểm soát, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

– Các nội dung khác có liên quan đến việc thành lập và tổ chức, hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bước 3: Đăng ký kinh doanh:

Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Hợp tác xã trước tiên cần đáp ứng những điều kiện sau:

– Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm;

– Hồ sơ đăng ký theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012;

– Tên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được đặt theo quy định tại Điều 22 của Luật Hợp tác xã năm 2012;

– Có trụ sở chính theo quy định tại Điều 26 của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Hồ sơ đăng ký Hợp tác xã cần những văn bản sau:

– Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã  quy định tại Phụ lục I-1 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT;

– Điều lệ;

– Phương án sản xuất, kinh doanh (Phụ lục I-2 – Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT);

– Danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên (Phụ lục I-3  – Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT);

– Danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên (Phụ lục I-4  – Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT).

– Nghị quyết hội nghị thành lập.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét hồ sơ, nếu hợp lệ và đủ điều kiện theo quy định sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Hợp tác xã.

5. Cơ cấu tổ chức của Hợp tác xã

Cơ cấu tổ chức của Hợp tác xã căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành gồm 2 ban chính: Ban quản trị và Ban điều hành.

– Ban quản trị gồm: Ban quản trị và xã viên được bầu lên bởi xã viên.

– Ban điều hành gồm giám đốc và Nhân viên

Ban quản trị thuê giám đốc, giám đốc thuê nhân viên, nhân viên phục vụ cho xã viên. Bên ban điều hành làm việc được hưởng lương, còn bên Ban quản trị làm việc theo hướng tự nguyện. Nằm ở trung gian mô hình 2 ban có Ban kiểm soát, tra soát hoạt động của Ban quản trị, giám đốc, Nhân viên, xã viên.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *