1. Khái niệm TTRG trong Tố tụng Hình sự
Bộ luật TTHS 2015 không đưa ra định nghĩa cụ thể về TTRG trong TTHS, tuy nhiên có thể hiểu TTRG trong TTHS như sau:
TTRG trong TTHS là một thủ tục tố tụng đặc biệt mà theo đó có sự rút ngắn về mặt thời gian, đơn giản hóa một số thủ tục, cách thức giải quyết vụ án Hình sự so với thủ tục tố tụng hình sự thông thường. Áp dụng đối với những vụ án về tội phạm ít nghiêm trọng, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, người phạm tội bị bắt quả tang hoặc người phạm tội tự thú và có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của TTHS và quyền lợi hợp pháp của người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Bản chất của TTRG có thể coi là ngoại lệ và đặc biệt của tố tụng hình sự. Luật Tố tụng Hình sự của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã quy định và áp dụng thủ tục này. Đây là thủ tục đặc biệt, khác với thủ tục tố tụng thông thường, chỉ được áp dụng đối với các vụ án đặc biệt khi đáp ứng được các điều kiện luật định.
Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng được phép rút ngắn thời gian tố tụng, đơn giản hóa một số các thủ tục, cách thức tố tụng để giải quyết nhanh chóng vụ án, nhưng vẫn đạt được mục đích của tố tụng hình sự là “chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”. Bên cạnh đó, thủ tục tuy được rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự như: nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa, đảm bảo pháp chế, bảo vệ quyền con người…
2. Mục đích áp dụng TTRG trong tố tụng Hình sự
Thứ nhất, áp dụng TTRG nhằm giải quyết tình trạng tồn đọng án kéo dài và việc vi phạm các quy định của BLTTHS về thời hạn giải quyết vụ án. Tình trạng tồn đọng án kéo dài, trong quá trình giải quyết vụ án có những vụ án khó có thể giải quyết dứt điểm, mà lâm vào tình trạng kéo dài do nhiều lý do, còn nhiều vướng mắc, bất cập, trải qua các thủ tục kéo dài và nhiều khó khăn khác…Việc giải quyết nhanh chóng vụ án hình sự là mục tiêu và yêu cầu của cải cách tư pháp do Đảng và Nhà nước ta đề ra.
Thứ hai, TTRG áp dụng với mục đích khắc phục tình trạng quá tải trong các trại tạm giam và những khó khăn trong tổ chức tạm giữ, tạm giam.
Trại tạm giam trong quá trình giải quyết vụ án, nếu số lượng vụ án lớn, áp dụng nhiều biện pháp tạm giam, tạm giữ dẫn tình trạng quá tải. Có TTRG thì thời gian giải quyết, tiến hành các thủ tục được rút ngắn, thời hạn ngắn hơn đảy nhanh quá trình giải quyết vụ án một cách nhanh chóng,…. Đồng nghĩa với việc thời gian tạm giam cũng được rút ngắn, điều này có ý nghĩa góp phần giảm chi phí, nguồn nhân lực, thời gian và khắc phục tình trạng quá tải kể trên.
Thứ ba, áp dụng TTRG với mục đích tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức trong quá trình giải quyết vụ án; việc giải quyết các vụ án ít nghiêm trọng đủ điều kiện áp dụng TTRG nhanh chóng như vậy góp phần dành nhân lực, nguồn lực và thời gian, cơ sở vật chất tập trung giải quyết các vụ án phức tạp, nghiêm trọng hơn. Giảm tải gánh nặng về công việc cho cán bộ tư pháp, nâg cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời áp dụng TTRG cũng tiết kiệm chi phí và thời gian cho những người tham gia tố tụng.
Thứ tư, áp dụng TTRG trong TTHS góp phần nhanh chóng khôi phục các quan hệ xh bị xâm phạm, tội phạm sớm bị xét xử, người bị hại sớm được khôi phục quyền lợi, người phạm tội sớm phải chịu hình phạt thích đáng, tạo điều kiện sớm đc cải tạo để trở thành ng có ích cho xã hội, hòa nhập với cuộc sống, từ đó góp phần nhanh chóng ổn định trật tự xã hội. Việc áp dụng TTRG có tác dụng lớn trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm
Ví dụ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhiều hành vi chống người thi hành công vụ, chống đối không thực hiện các quy định về phòng, chống dịch… đã bị các cơ quan tố tụng xử lý nghiêm khắc để cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung. Nhiều vụ việc đã được các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo TTRG, nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý, đáp ứng tính thời sự trong bối cảnh thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh.
3.Phạm vi áp dụng TTRG trong tố tụng Hình sự
BLTTHS cũ chỉ quy định áp dụng TTRG từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm thì BLTTHS năm 2015 phạm vi áp dụng được mở rộng hơn, bổ sung áp dụng TTRG trong cả giai đoạn xét xử phúc thẩm ( Điều 455 BLTTHS năm 2015).
Theo Điều 455 BLTTHS năm 2015 quy định về Phạm vi áp dụng TTRG
“TTRG đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm…”
Với 7 giai đoạn TTHS nhưng chỉ áp dụng TTRG với 4 giai đoạn: điều tra, truy tố, XXST, XXPT.
Đối với giai đoạn khởi tố với nhiệm vụkiểm tra xác minh sự việc xảy ra, có hay không dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Rõ ràng đây là giai đoạn mở đầu, khi giai đoạn mở đầu làm chính xác, đúng và phù hợp thì mới kéo theo việc giải quyết vụ án đúng ở các giai đoạn sau. Nếu áp dụng TTRG với giai đoạn này, nếu giải quyết 1 cách nhanh gọn, vắn tắt, gấp gáp hơn.. đương nhiên hậu quả phía sau rất đáng tiếc, do vậy không áp dụng TTRG ở giai đoạn đầu tiên này để đảm bảo ngay từ đầu khởi tố phải chính xác hơn.
Đối với 4 giai đoạn: điều tra, truy tố, XXST, XXPT là phạm vi áp dụng TTRG trong TTHS, có thể coi đây là những giai đoạn trọng tâm bởi vì nếu giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường tương ứng với mỗi 1 giai đoạn thì theo quy định của pháp luật tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng có khoảng 2 tháng trở lên để giải quyết vụ án. Rõ ràng khoảng thời gian đó có thể là nhiều khi áp dụng giải quyết vụ án đơn giản, không phức tạp, ít nghiêm trọng. Vì vậy, quy định áp dụng TTRG trong các giai đoạn này là hợp lý.
Đối với thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì không phải vụ án nào cũng có thủ tục này. Vì Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án hoặc Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó. Tức là khi thủ tục này xảy ra, thì tính chất của sự việc phạm tội không còn đơn giản, chứng cứ rõ ràng nữa, mà trở nên nghiêm trọng, phức tạp hơn. Cần thời gian đủ dài để giải quyết triệt để, thấu đáo với vụ án. Nên không áp dụng TTRG ở thủ tục tái thảm, giám đốc thảm.
Còn đối với giai đoạn Thi hành án, thì việc áp dụng TTRG là không hợp lý, vì không phù hợp với việc rút gọn mức phạt tù hoặc các mức phạt khác…Thi hành án phải đảm bảo tính răn đe, trừng trị của pháp luật đối với hành vi phạm tội của người phạm tội, do đó không áp dụng TTRG với giai đoạn này.
Như vậy, chỉ áp dụng TTRG với 4 giai đoạn: điều tra, truy tố, XXST, XXPT trong TTHS
4. Điều kiện áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định mở rộng hơn điều kiện áp dụng TTRG, bổ sung thêm trường hợp người phạm tội tự thú về hành vi phạm tội của mình và phải đáp ứng 3 điều kiện còn lại quy định tại khoản 1 Điều 456: Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Đồng thời điều luật này cũng đã sửa đổi cụm từ “có căn cước, lai lịch rõ ràng” bằng cụm từ “có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng” nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng[1].
Điều kiện như nhau tại 3 giai đoạn Điều tra, truy tố và xét xử, bao gồm cả 4 điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 456 như sau:
Thứ nhất, người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú. Bắt quả tang là việc bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Người đang thực hiện tội phạm là người đang thực hiện hành vi mà hành vi đó cấu thành một tội phạm cụ thể nhưng chưa hoàn thành tội phạm thì bị phát hiện. Ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì bị phát hiện là trường hợp mà sau khi thực hiện hành vi phạm tội xong, người phạm tội chưa kịp cất giấu công cụ, phương tiện, tẩu tán tang vật thì bị phát hiện. Trong TTHS bên cạnh thời điểm đang thực hiện thì có cả trường hợp tiếp liền ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội cũng được xem là người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang. Đây là một điều kiện cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để quyết định vụ án giải quyết theo TTRG vì đặc điểm của phạm tội quả tàn sẽ đảm bảo cho thời gian tố tụng sau này được nhanh chóng, mặt khác điều kiện này còn có ý nghĩa để xác định cho điều kiện tiếp theo “ sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng”.
Đối với trường hợp người phạm tội tự thú, theo Điểm h Điều 4 BLTTHS NĂM 2015 quy định về tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.
Như vậy, đối với trường hợp bắt quả tang, thì cả người phạm tội, chứng cứ phạm tội, hành vi phạm tội, Phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội… tại hiện trường có liên quan có thể thu giữ, phát hiện được ngay, kịp thời. Đối với trường hợp tự thú, đánh vào tâm lý của người phạm tội rất ăn năn, hối cải, hầu hết họ sẽ khai nhận thành khẩn, đầy đủ và chi tiết về hành vi phạm tội của mình, họ hợp tác với các chủ thể có liên quan, giúp quá trình việc điều tra, chứng minh tội phạm cũng được nhanh chóng, thuận tiện trong quá trình đấu tranh khai thác..vậy, đây là một trong những điều kiện khi vụ án đáp ứng được thì có thể áp dụng TTRG.
Thứ hai, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng
Đây là điều kiện về tính chất vụ án và là điều kiện khó xác định vì tiêu chí này mang tính định tính. Việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng chưa được quy định cụ thể một cách triệt để. Hai yếu tố này phải thống nhất với nhau, sự việc phạm tội đơn giản là vụ án không phải mất quá nhiều thời gian để xác định những vấn đề cần chứng minh theo quy định của pháp luật: có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian địa điểm và những tình tiêý khác của hành vi phạm tội; người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không,…
Sự việc phạm tội có chứng cứ rõ ràng, chứng cứ của vụ án được nhanh chóng thu thập đầy đủ, đảm bảo chứng minh được tất cả những vấn đề theo quy định của pháp luật, tại Điều 86 BLTTHS NĂM 2015, chứng minh được sự thật khách quan của vụ án, chứng cứ hợp pháp và có độ tin cậy cao, được thực hiện thu thập theo đúng trình tự, thủ tục mà BLTTHS quy định.
Thứ ba, tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng. Theo Khoản 1 Điều 9 BLHS 2015 quy định “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”. Như vậy, dựa vào mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội gây ra cho xã hội và hậu quả pháp lý là tính chịu hình phạt, pháp luật quy định tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng là 1 trong các điều kiện để áp dụng TTRG, nhà làm luật muốn giới hạn một số tội phạm nhất định có thể áp dụng TTRG.
Thứ tư, người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết vụ án, xác định được nơi cư trú, lai lịch, lý lịch nói chung là đặc điểm về nhân thân của người phạm tội, có thể bao gồm: giới tính, độ tuổi, thành phần dân tộc, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, điều kiện sống, hoàn cảnh gia đình, quá trình hoạt động chính trị, xã hội, tiền án, tiền sự[2]..có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tội phạm và người phạm tội, đặc biệt nhân thân người phạm tội cũng được xem là căn xứ để quyết định hình phạt. Ảnh hưởng, tác động đến quá trình chứng minh, điều tra, xác thực, xét xử.. trong TTHS.
Như vậy, chỉ khi có đủ 4 điều kiện trên thì mới được áp dụng TTRG trong TTHS. Bốn điều kiện này một mặt độc lập với nhau, mặt khác lại có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành điều kiện chặt chẽ, rõ ràng để áp dụng TTRG trong TTHS. Quyền và lợi ích con người dễ bị xâm hại bởi các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, do đó điều kiện áp dụng ttrg phải hết sức chặt chẽ để bảo vệ, tránh tình trạng xâm phạm quyền, giải quyết oan sai..
5. Điều kiện áp dụng TTRG trong giai đoạn xét xử phúc thẩm
Do phạm vi áp dụng TTRG được mở rộng đối với cả xét xử phúc thẩm, nên Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định mới các điều kiện áp dụng TTRG trong giai đoạn xét xử phúc thẩm được quy định tại Khoản 2 Điều 456.
Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Đây là cấp xét xử thứ hai nhưng đồng thời cũng là chung thẩm, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên.
Do đó để áp dụng TTRG đối với điều kiện để áp dụng TTRG trong giai đoạn này phải hết sức chặt chẽ, chính xác nhằm đảm bảo quyền lợi của bị cáo cũng như những người tham gia Tố tụng khác.
TTRG được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện:
– Vụ án đã được áp dụng TTRG trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo;
Nội dung của kháng cáo kháng nghị hêt sức rõ ràng, tức là chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo. Mà trước đó ở giai đoạn xét xử sơ thẩm đã áp dụng TTRG rồi, căn cứ vào hồ sơ vụ án có thể nghiên cứu và làm rõ được ngay theo hướng giải quyết đơn giản, dễ thực hiện nên có thể áp dụng TTRG.
– Vụ án chưa được áp dụng TTRG trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS NĂM 2015 và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.
Muốn áp dụng TTRG trong giai đoạn phúc thẩm mà trước đó ở giai đoạn xét xử sơ thẩm chưa áp dụng TTRG thì điều kiện để áp dụng TTRG chặt chẽ hơn, bao gồm cả 4 điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 456 đã phân tích ở trên và và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo, về nội dung thì tương tự với điểm a.
6. Thẩm quyền áp dụng TTRG trong tố tụng Hình sự
– Quyết định áp dụng TTRG trong tố tụng Hình sự
BLTTHS năm cũ chỉ có duy nhất chủ thể là VKS có thẩm quyền áp dụng và hủy bỏ TTRG, quy định như vậy dẫn đến không chủ động và không đề cao trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Tòa án trong việc giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn; bên cạnh đó tạo ra sự lòng vòng trong trình tự giải quyết vụ án theo TTRG (Cơ quan điều tra phải đề nghị để Viện kiểm sát ra quyết định hoặc Tòa án phải trả lại hồ sơ để Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục này). Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trên, BLTTHS năm 2015 đã quy định theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng, hủy bỏ TTRG, mở rộng thẩm quyền áp dụng TTRG trong TTHS cho 3 chủ thể: Cơ quan điều tra, VKS và Tòa án. Điểm mới đáng chú ý là BLTTHS NĂM 2015 đã quy định theo hướng bắt buộc các chủ thể có thẩm quyền phải ra quyết định áp dụng TTRG khi vụ án có đủ điều kiện luật định, mà không quy định có tính chất tùy nghi như quy định của BLTTHS cũ.
Theo Điều 457 BLTTHS NĂM 2015 quy định về quyết định áp dụng TTRG
“ Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng TTRG. TTRG được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 của Bộ luật này”
Theo quy định trên thì thẩm quyền áp dụng TTRG trong TTHS thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định áp dụng TTRG.
Quyết định áp dụng TTRG được giao cho bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ, gửi cho người bào chữa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Quyết định áp dụng TTRG của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
– Hủy bỏ quyết định áp dụng TTRG trong TTHS
Trong trường hợp xét thấy quyết định áp dụng TTRG của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng TTRG và gửi cho Cơ quan điều tra. Trong trường hợp xét thấy quyết định áp dụng TTRG của Tòa án không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định. Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát. Quyết định áp dụng TTRG có thể bị khiếu nại.
Bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng TTRG; thời hiệu khiếu nại là 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng TTRG và phải được giải quyết trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Theo Điều 458 BLTTHS năm 2015 quy định về hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn như sau: “Trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 của Bộ luật này không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Thời hạn tố tụng của vụ án được tính tiếp theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ khi có quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.”
Hủy quyết định áp dụng TTRG, vụ án sẽ được giải quyết theo thủ tục thông thường. Điều kiện để hủy quyết định áp dụng TTRG được quy định cụ thể, rõ ràng như trên, không bao gồm điểm a Khoản 1 Điều 456 người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú không phải là căn cứ để hủy quyết định áp dụng TTRG.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.