1 Quyền và nghĩa vụ đối với vốn và tài sản: Điều 13 – 14 Luật DNNN
– Công ty nhà nước có quyền chiếm hữu, sử dụng vốn, tài sản của công ty để kinh doanh, thực hiện các lợi ích hợp pháp từ vốn và tài sản của công ty. Riêng quyền định đoạt đối với vốn và tài sản của công ty được tính theo giá trị tổng tài sản của công ty. Thẩm quyền quyết định phụ thuộc vào loại hình công ty có hoặc không có Hội đồng quản trị.
+ Công ty không có Hội đồng quản trị được quyết định các dự án đầu tư, bán tài sản có giá trị đến 30% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của công ty hoặc tỷ lệ nhỏ hơn do điều lệ công ty quy định.
+ Công ty có Hội đồng quản trị được quyết định dự án đầu tư đến 50% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của công ty hoặc tỷ lệ nhỏ hơn.
– Sử dụng và quản lý các tài sản được Nhà nước giao, cho thuê là đất đai, tài nguyên theo quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên.
– Công ty Nhà nước có nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn nhà nước và vốn công ty tự huy động, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số tài sản của công ty.
Người đại diện chủ sở hữu nhà nước chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn của nhà nước đầu tư tại công ty. Điều đó có nghĩa là nhà nước chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với vốn và tài sản của công ty nhà nước.
2 Quyền và nghĩa vụ về kinh doanh: Điều 15 – 16 Luật DNNN
– Về cơ bản công ty nhà nước có các quyền kinh doanh tương tự như các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp như: chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức bộ máy quản lý theo yêu cầu kinh doanh và bảo đảm kinh doanh có hiệu quả; kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm; mở rộng quy mô kinh doanh theo khả năng của công ty và nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Quyền quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, quyết định sử dụng vốn, tài sản của công ty để liên doanh, liên kết…
– Công ty nhà nước phải kinh doanh đúng những ngành nghề như đã đăng ký, bảo đảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ do công ty thực hiện theo tiêu chuẩn đã đăng ký; thực hiện chế độ kiểm toán, chịu sự kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu nhà nước…
3 Quyền và nghĩa vụ về tài chính: Điều 17- 18Luật DNNN
– Công ty nhà nước có quyền huy động vốn để kinh doanh dưới các hình thức: phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu công ty; vay vốn của các tổ chức ngân hàng, tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài công ty; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật. Việc huy động vốn để kinh doanh theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn huy động, không được làm thay đổi hình thức sở hữu công ty.
– Chủ động sử dụng vốn cho hoạt động kinh doanh của công ty; được sử dụng và quản lý các quỹ của công ty theo quy định của pháp luật.
– Được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các chế độ ưu đãi khác của nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ hoạt động công ích, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai hoặc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của nhà nước mà không đủ bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ này của công ty.
– Kinh doanh có lãi, bảo đảm chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư do đại diện chủ sở hữu nhà nước giao; đăng ký, kê khai và nộp đủ thuế, thực hiện nghĩa vụ đối với chủ sở hữu và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
– Chấp hành đầy đủ chế độ quản lý vốn, tài sản, các qũy, chế độ hạch toán, kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính trung thực và hợp pháp của các hoạt động tài chính của Công ty.
– Thực hiện chế độ báo cáo tài chính, công khai tài chính hàng năm và cung cấp các thông tin cần thiết để đánh giá trung thực về hiệu quả hoạt động của công ty.
4 Quyền và nghĩa vụ khi tham gia hoạt động công ích: Điều 19 LDNNN
– Sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trên cơ sở đấu thầu.
– Chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kết quả hoạt động công ích của công ty; chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước pháp luật về sản phẩm, dịch vụ công ích do công ty thực hiện.
– Được xem xét đầu tư bổ sung tương ứng với nhiệm vụ công ích được giao; phải hạch toán và được bù đắp chi phí hợp lý phục vụ hoạt động công ích và bảo đảm lợi ích cho người lao động.
– Xây dựng, áp dụng các định mức chi phí, đơn giá tiền lương trong giá thực hiện thầu, trong dự toán do Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.