Một trong những chức năng quan trọng nhất của luật hình sự là chống và phòng ngừa tội phạm. Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, trong quá trình quyết định quyết định hình phạt ngoài vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì cũng cần xem xét những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ để cân nhắc khi quyết định hình phạt đối với bị cáo và để đảm bảo nguyên tắc nhân đạo.
1.Bất cập trong việc áp dụng quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
Tại khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.”
Theo quy định trên, thì Toà án chỉ có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung nhẹ hơn liền kề trước hoặc liền sau đó của điều luật, nếu có ít nhất là hai tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS 2015. Tức là trong số các tình tiết giảm nhẹ được vận dụng thì ít nhất phải có hai tình tiết được luật quy định, đồng thời giới hạn hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt phải trong phạm vi của khung hình phạt nhẹ hơn liền trước hay liền sau của khung đó. Trên thực tế, khi áp dụng điều luật lại gặp những vướng mắc tạo ra sự tùy nghi và không thông nhất trong cách áp dụng pháp luật.
Ví dụ: Nguyễn Văn A (30 tuổi) phạm tội đưa hối lộ và bị Tòa án xét xử theo khoản 2 Điều 364 BLHS 2015. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhận thấy A có 2 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 và quyết định áp dụng Điều 54 để quyết định hình phạt đối với A. Điều 364 quy định:
Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; b) Lợi ích phi vật chất.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm…
Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng…
Như vậy, nếu áp dụng Điều 54 thì A sẽ được áp dụng khung hình phạt theo khoản 1 Điều 364 BLHS 2015. Từ việc bị xét xử theo khoản 2 chỉ có một khung hình phạt đó là phạt tù trong khung từ 02 năm đến 07 năm, sau khi áp dụng khoản 1 Điều 54 Tòa án có thể sẽ quyết định hình phạt với A bằng hình phạt tù có thời hạn với khung hình phạt tù là 06 tháng đến 03 năm; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Như vậy, phạm vi lựa chọn để áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật là rất rộng (vì Điều 54 không quy định việc áp dụng hình phạt trong khung liền kề nhẹ hơn phải là hình phạt cùng loại) và chưa có văn bản quy định chi tiết về vấn đề này nên dẫn tới sự tùy tiện áp dụng và không thống nhất ở các Tòa án.
Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định về quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo quy định của một số điều luật chưa chắc đã là có lợi hơn cho bị cáo. Ví dụ đối với trường hợp sau:
M có hành vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người và bị Tòa án xét xử theo khoản 1 Điều 295 BLHS 2015. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhận thấy M có 2 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 BLHS 2015, nên Tòa án đã áp dụng khoản 1 Điều 54 để quyết định hình phạt đối với M. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ quyết định cho M được hưởng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 295 BLHS nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của Điều 295.
Theo quy định của Điều 295 thì:
“1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm…
Theo quy định tại Điều 295 BLHS, có thể thấy khung hình phạt nhẹ hơn liền kề với khung hình phạt được quy định tại khoản 1 là khung hình phạt tại khoản 4 “… cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Như vậy, nếu Tòa án quyết định hình phạt cho M theo khoản 1 sẽ là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Nếu như, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 1 sẽ là phạt tiền dưới 20 triệu đồng hoặc sẽ chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn là cảnh cáo. Tuy nhiên, mức hình phạt quy định tại khoản 4 là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Điều này sẽ dẫn đến bất lợi cho M ở chỗ M chỉ được hưởng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung trong trường hợp hợp hình phạt của M phải là hình phạt tù có thời hạn hoặc cải tạo không giam giữ. Trong trường hợp này lại không đạt được nguyên tắc nhân đạo mà điều luật muốn hướng đến.
2.Một số giải pháp về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
Thứ nhất, để tránh trường hợp khi chuyển sang khung hình phạt khác liền kề nhẹ hơn, phạm vi lựa chọn để áp dụng hình phạt quá rộng và không thống nhất, dẫn tới khi quyết định hình phạt đối với bị cáo lại không tưng xứng với tính chất và hành vi phạm tội. Theo tác giả, nên quy định khoản 1 Điều 54 theo hướng “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật và hình phạt được áp dụng phải cùng loại với hình phạt trong khung hình phạt mà người phạm tội bị xét xử khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này” và cần có văn bản quy định chi tiết điều này để áp dụng thống nhất.
Thứ hai, cần bổ sung thêm hình phạt tiền vào khung hình phạt nhẹ nhất ở một số tội danh để mức tối thiểu của khung phải bằng hoặc thấp hơn mức ở khung có cấu thành cơ bản của điều luật. Như vậy, khi áp dụng Điều 54 đối với một số tội danh như tội danh được quy định tại Điều 295 mới đạt hiệu quả tối đa.
Nguồn: Tạp chí Tòa án