Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, tổng hợp hình phạt?

[VPLUDVN] Trường hợp phạm nhiều tội được nêu tại Điều 55 bộ luật hình sự 2015 là trường hợp người phạm tội có nhiều hành vi phạm tội hoặc chỉ có một hành vi phạm tội nhưng thoả mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau và bị xét xử cùng một lần về nhiều tội phạm được các cấu thành tội phạm đó phản ánh.

Như vậy, có hai trường hợp phạm nhiều tội:

– Trường hợp thứ nhất: Người phạm tội có nhiều hành vi phạm tội khác nhau và mỗi hành vi cấu thành một tội phạm. Các hành vi phạm tội này có thể liên quan với nhau (được thực hiện để đạt cùng mục đích) hoặc không có liên quan với nhau (được thực hiện nhằm các mục đích khác nhau).

– Trường hợp thứ hai: Người phạm tội có một hành vi phạm tội nhưng hành vi này lại cấu thành nhiều tội phạm khác nhau.

– Khi xét xử người phạm nhiều tội, toà án quyết định hình phạt đối với từng tội phạm theo các căn cử quyết định hình phạt đã được đề cập ở phần trên, sau đó tổng hợp hình phạt đó để được hình phạt chung theo các quy định sau:

+ Đối với hình phạt chính

– Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là hình phạt tù có thời hạn thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn (điểm a khoản 1 Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Cách tổng hợp này là theo nguyên tắc cộng toàn bộ hoặc cộng một phần;

– Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỉ lệ 3 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 1 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung (điểm b khoản 1 Điều 55 BLHS). Việc tổng hợp hình phạt theo cách này cũng theo nguyên tắc cộng toàn bộ;

– Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân hoặc tử hình thì hình phạt chung là tù chung thân hoặc tử hình (điểm c, điểm d khoản 1 Điều 55 BLHS). Cách tổng hợp hình phạt này là theo nguyên tắc thu hút (hình phạt nặng nhất thu hút hình phạt nhẹ hơn);

– Nếu có nhiều hình phạt tiền thì hình phạt chung là tổng các khoản tiền phạt (điểm đ khoản 1 Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Cách tổng hợp này là theo nguyên tẳc cộng toàn bộ;

– Hình phạt tiền và hình phạt trục xuất không được tổng hợp với các loại hình phạt khác (điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 55 BLHS). Quy định này là theo nguyên tắc cùng tồn tại các loại hình phạt khác nhau.

+ Đối với hình phạt bổ sung

– Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định ttong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó theo nguyên tắc cộng toàn bộ hoặc cộng một phần; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung theo nguyên tắc cộng toàn bộ (điểm a khoản 2 Điều 55 BLHS);

– Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên theo nguyên tắc cùng tồn tại các loại hình phạt khác nhau (điểm b khoản 2 Điều 55 BLHS).

Như vậy, các quy định ttên được xây dựng trên cơ sở cụ thể hoá các nguyên tắc chung của tổng hợp hình phạt là nguyên tắc cộng toàn bộ, nguyên tắc cộng một phần, nguyên tắc thu hút và nguyên tắc cùng tồn tại.

Quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án

Trường hợp có nhiều bàn án được đề cập tại Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 bao gồm:

– Thứ nhất, đang phải chấp hành án lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này;

– Thứ hai, đang chấp hành án lại bị xét xử về tội đã phạm sau khi có bản án này.

Trong trường hợp thứ nhất, toà án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung (trên cơ sở hình phạt của hai bản án) theo quy định của Điều 55 BLHS (về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội). Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung (khoản 1 Điêu 56 BLHS).

Trong trường hợp thứ hai, toà án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó quyết định hình phạt chung (trên cơ sở hình phạt của bản án sau và phần còn lại chưa chấp hành của bản án trước) theo quy định tại Điều 55 BLHS (khoản 2 Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Cần chú ý Bộ luật hình sự đã quy định cách tổng hợp hình phạt khác nhau khi quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 41) và tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 42).

A- Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 41).

1. Khi xét xử cùng một lần người phạm nhiều tội, cần chú ý là Tòa án phải quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó quyết định hình phạt chung cho các tội.

Khi định tội danh và quyết định hình phạt, phải ghi rõ tên tội, điều luật, khoản nào, điểm nào của điều luật đã được áp dụng vì điều này sẽ có ảnh hưởng quan trọng về sau đối với việc xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm, thời hiệu thi hành án, thủ tục xóa án v.v…

2. Việc quyết định hình phạt chung trong trường hợp phạm nhiều tội (*)có thể thực hiện bằng hai cách: thu hút hình phạt nhẹ vào hình phạt nặng nhất; hoặc cộng toàn bộ hình phạt đã tuyên về từng tội, hay là cộng vào hình phạt nặng nhất một phần các hình phạt đã tuyên. Hai cách đó đều có thể thực hiện nhưng cần chú ý là Bộ luật hình sự đã quy định rõ mức cao nhất của hình phạt chung không được vượt quá mức cao nhất của “khung hình phạt” mà luật quy định đối với tội nặng nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên. Thí dụ: Bị cáo phạm 3 tội: cướp tài sản xã hội chủ nghĩa, bị phạt 10 năm tù theo khoản 1 Điều 129; trộm tài sản riêng của công dân bị phạt 6 năm tù theo khoản 2 Điều 155; và hiếp dâm, bị phạt 3 năm tù theo khoản 1 Điều 112. Nếu cộng toàn bộ hình phạt thì bị cáo bị phạt 19 năm tù. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hình phạt cao nhất theo khoản 1 Điều 129 về tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa là tội nặng nhất là 15 năm tù, nên Tòa án chỉ có thể quyết định phạt hình chung cao nhất là 15 năm tù.

B- Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 42 BLHS)

1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại xét xử về một tội đã phạm trước khi có bản án này (*)(như tội phạm sau lại được xử trước, còn tội phạm trước lại được xử sau) thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung, và hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt mà luật quy định đối với tội nặng nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên như đã nói trong điểm 2 nói trên.

Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt chung.

2. Trong trường hợp một người đang chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó “cộng” với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt quá mức cao nhất mà luật quy định cho “loại hình phạt” đã tuyên chứ không bị hạn chế ở mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội nặng nhất. Thí dụ: một kẻ phạm tội đã bị phạt 10 năm tù về tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa, theo khoản 1 Điều 129 nhưng mới chấp hành hình phạt được 3 năm thì y phạm tội mới, do đó, hình phạt chưa chấp hành còn lại là 7 năm tù. Y phạm 2 tội mới là: tội trộm tài sản của công dân, bị phạt theo khoản 2 Điều 155 là 7 năm tù và tội hiếp dâm, bị phạt theo khoản 2 Điều 112 là 6 năm tù. Như vậy là trong trường hợp này, hình phạt chung cao nhất đối với bị cáo không bị hạn chế ở mức cao nhất của khung hình phạt luật định đối với tội nặng nhất (ở đây là khoản 1 Điều 129 về tội cướp, mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù) mà có thể là 7 + 7 + 6 = 20 năm tù (vì đây là mức cao nhất của loại hình phạt tù giam có thời hạn).

Khi quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội hoặc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, chỉ được tổng hợp hình phạt trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên. Thí dụ: không được tổng hợp nhiều hình phạt tù có thời hạn thành tù chung thân.

+ Trong trường hợp hình phạt khác loại thì tổng hợp theo Điều 43 Bộ luật hình sự, cụ thể là:

a) Đối với hình phạt chính, nếu hình phạt cao nhất đã tuyên là tử hỉnh, tù chung thân hoặc tù 20 năm thì lấy hình phạt cao nhất là hình phạt chung.

Nếu các hình phạt đã tuyên gồm: cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỹ luật của quân đội và tù có thời hạn thì chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội thành hình phạt tù để quyết định hình phạt chung. Cứ một ngày cải tạo không giam giữ hoặc cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội thành một ngày tù.

Chú ý: khi tổng hợp hình phạt (án tù cũng như cải tạo không giam giữ) phải trừ thời gian người có án đã thực sự chấp hành, chỉ tính thời gian còn lại.

b) Đối với hình phạt bổ sung, Tòa án quyết định một hình phạt chung trong giới hạn luật quy định về mỗi loại hình phạt ấy. Thí dụ: đối với cả hai tội đều có hình phạt là quản chế thì Tòa án không phải quyết định hình phạt quản chế riêng cho mỗi tội mà tuyên một thời hạn quản chế chung cho cả hai tội, tức là 1 đến 5 năm quản chế.

c) Phạt tiền thì cộng các khoản phạt tiền của các tội hoặc của các bản án.

3. Đối với người chưa thành niên phạm tội, có tội phạm trước khi đủ 18 tuổi, có tội phạm sau khi đủ 18 tuổi thì tổng hợp hình phạt theo quy định của điều 64 và điều 65 Bộ luật hình sự.

4. Án treo là án phạt tù nhưng được miễn chấp hành hình phạt tù nếu người bị kết án không phạm tội mới trong thời gian thử thách. Vì vậy, nếu họ phạm tội mới trong thời gian thử thách mà đáng phải phạt tù thì không được hưởng án treo một lần nữa.

Tuy nhiên, có thể tổng hợp hai bản án treo nếu tội xảy ra sau lại được xử trước và được hưởng án treo, rồi sau đó mới phát hiện ra tội phạm trước và tội này cũng được hưởng án treo. Trong trường hợp này, sau khi quyết định hình phạt tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách cho tội xử sau, Tòa án quyết định chung hình phạt tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách cho cả hai bản án. Tổng số thời gian thử thách không được quá 5 năm.

5. Chỉ tổng hợp hình phạt của bản án đang xử với hình phạt của bản án khác đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, các cấp sơ thẩm, phúc thẩm cần chú ý những trường hợp sau đây:

– Nếu bị cáo bị đưa ra xét xử trong hai vụ án khác nhau thì cấp sơ thẩm cần đợi hết hạn kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với vụ án trước rồi mới xử vụ án sau. Nếu bản án trước không bị kháng cáo, kháng nghị thì khi xử vụ án sau, Tòa án sơ thẩm quyết định hình phạt chung của 2 bản án.

– Nếu bản án trước đã bị kháng cáo, kháng nghị thì khi xử vụ án sau cấp sơ thẩm chỉ quyết định hình phạt đối với tội được xử sau mà không quyết định hình phạt chung của 2 bản án. Việc quyết định hình phạt chung của 2 bản án sẽ do cấp phúc thẩm giải quyết bằng cách tổng hợp hình phạt của bản án trước với hình phạt của bản án sau (bị kháng cáo, kháng nghị hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị).

– Nếu bản án truớc đã được phúc thẩm rồi mà cấp sơ thẩm mới xử vụ án sau thì cấp sơ thẩm quyết định ngay hình phạt chung của 2 bản án.

6. Nếu Tòa án cấp huyện xét xử mà hình phạt chung cao hơn mức hình phạt do Tòa án đó có quyền quyết định thì Tòa án cấp huyện không được xét xử và vụ án phải do Tòa án cấp tỉnh xét xử


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *