[VPLUDVN] Thế nào là sở hữu nhà nước? Sở hữu nhà nước được pháp luật quy định ra sao?
Pháp luật quy định về sở hữu nhà nước như sau:
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sở hữu Nhà nước là hình thức sở hữu mà Nhà nước là người đại diện cho nhân dân quản lý, nắm giữ tư liệu sản xuất, là chủ sở hữu đối với tài sản quy định tại điều 17, Hiến pháp 1992:
“Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân”.
- Chủ thể của sở hữu Nhà nước:
Khác với các hình thức sở hữu khác, sở hữu Nhà nước có chủ thể đặc biệt, không phải là công dân, các đoàn thể, các tổ chức xã hội… mà còn là chủ sở hữu nắm giữ tư liệu phổ biến và quan trọng nhất trong xã hội. Nhà nước là chủ thể thực hiện quyền lực trong quản lý xã hội. Nhà nước còn ban hành hệ thống các văn bản pháp luật, trong đó nhà nước tự định các quyền trong sở hữu của mình, đồng thời định đoạt các quyền và nghĩa vụ cho các chủ sở hữu khác. Vì vậy, nhà nước là một chủ thể đặc biệt. Nhà nước thực hiện quyền lực trên nguyên tắc đại diện cho nhân dân, nắm giữ những tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Chủ sở hữu thực hiện quyền của mình thông qua các cơ quan, cá nhân, tổ chức và người đại diện theo quy định của pháp luật.
- Khách thể của sở hữu Nhà nước
Khách thể của sở hữu Nhà nước bao gồm những tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Theo điều 200, BLDS 2005 quy định:
“Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác do pháp luật quy định”.
Đối với đất đai bao gồm toàn bộ đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam thuộc sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước chiếm hữu, sử dụng đất đai trên cơ sở giao đất cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo mục đích sử dụng và thời hạn sử dụng. Đối với rừng tự nhiên và rừng trồng bằng ngân sách Nhà nước đều thuộc Nhà nước. Tất cả thảm thực vật, động vật và nguồn gen gắn liền với rừng thuộc sở hữu Nhà nước. Sông hồ, mặt nước tự nhiên hoặc nhân tạo bằng ngân sách Nhà nước thì thuộc về Nhà nước. Các loại tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất (khoáng sản…) các loại sinh vật, tài nguyên khác dưới nước thuộc vùng biển Việt Nam, vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam cũng thuộc vào sở hữu Nhà nước. Ngoài ra, còn có các loại tài sản vô chủ theo quy định của sở hữu Nhà nước. Ngân sách Nhà nước có được từ việc nộp thuế của người dân, từ việc khai thác các lợi ích khác của Nhà nước như đầu tư kinh doanh hoặc góp vốn kinh doanh với các doanh nghiệp khác, những tài sản Nhà nước được hiến tặng…
- Nội dung của sở hữu Nhà nước
Nhà nước là chủ sở hữu và Chính phủ được giao quản lý, thống nhất toàn bộ tài sản của nhà nước trên lãnh thổ Việt Nam hoặc nước ngoài. Trong phạm vi thẩm quyền của mình Chính phủ sẽ giao việc chiếm hữu, sử dụng, quản lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong những trường hợp luật định, quyết định của Chính phủ về chiếm hữu, sử dụng và định đoạt phải được Quốc hội nhất trí như các dự án đầu tư xây dựng các cảng biển, nhà máy lọc dầu… Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Nhà nước chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt phải thực hiện các quyền năng của mình trong phạm vi pháp luật cho phép: ví dụ như hộ gia đình được giao đất để trồng rừng nhưng phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo chương V của Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11… Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản được giao theo quy định của pháp luật. Cơ quan, cá nhân, tổ chức được giao tài sản chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản theo mục đích và thời hạn mà pháp luật quy định.Tài sản đã được giao cho các cơ quan, cá nhân, tổ chức có thể bị Nhà nước thu hồi trong những trường họp luật định, người có tài sản bị thu hồi có thể được bồi thường các chi phí đầu tư và thiệt hại xảy ra hậu quả của việc thu hồi. Việc thu hồi đất xảy ra có thể do Nhà nước giao cho cá nhân, tổ chức đã hết thời hạn; hay cá nhân, tổ chức có hành vi trái với quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ đối với tài sản được giao; cá nhân, tổ chức sử dụng tài sản được giao không đúng mục đích…
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.