1. Điều tra vụ án hình sự là gì ?
Điêu tra là giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẳm quyền điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật định để xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết khác làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án.
Để thu thập chứng cứ, trong giai đoạn điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra được tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Nếu không có hoạt động điều tra, viện kiểm sát không có cợ sở để truy tố, toà án không có cơ sở để xét xử vụ án. Để viện kiểm sát có thể truy tố đúng người phạm tội, toà án có thể xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì trước đó, giai đoạn điều tra phải thu thập đầy đủ chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, chứng cứ xác định tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ ưách nhiệm hình sự của bị can và chứng cứ xác định các tình tiết khác của vụ án. Neu giai đoạn điều tra không thu thập được đầy đủ chứng cứ hoặc việc thu thập chứng cứ có những vi phạm nghiêm ưọng thủ tục tố tụng thì viện kiểm sát hoặc toà án sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Cơ quan có thẩm quyền điều tra có ưách nhiệm điều tra bổ sung đáp ứng yêu cầu của viện kiểm sát hoặc toà án.
2. Thẩm quyền điều tra theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Điều 163 quy định về thẩm quyền điều tra của các Cơ quan điều tra chuyên trách điều tra tội phạm – là cơ quan tiến hành tố tụng. Theo điều luật này thì Cơ quan điều tra được tổ chức trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân và ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân gồm Cơ quan An ninh điều tra và Cơ quan Cảnh sát điều tra. Cơ quan An ninh điều tra được tổ chức ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Cơ quan Cảnh sát điều tra được tổ chức ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.
Trong Quân đội nhân dân có Cơ quan điều tra quân sự và Cơ quan điều tra an ninh quân đội. Cơ quan điều tra quân sự được tổ chức ở Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Binh đoàn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Cơ quan điều tra hình sự khu vực. Cơ quan điều tra an ninh quân đội được tổ chức ở Bộ Quốc phòng, ở Quân khu, Quân chủng, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng.
Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao bao gồm: Cục điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Phòng điều tra thuộc Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và trong Quân đội nhân dân được phân chia thành 2 loại: Loại thứ nhất tiến hành điều tra các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh và những tội phạm do cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện; Loại thứ hai tiến hành điều tra các tội phạm còn lại. Cụ thể hơn, thẩm quyền điều tra của từng loại Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và trong Quân đội nhân dân được quy định như sau:
Đối với Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân:
– Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh điều tra các tội xâm phạm An ninh quốc gia, các tội phạm mà người thực hiện là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và các tội phạm khác khi được Bộ trưởng Bộ Công an giao.
– Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra các tội phạm quy định tại Chương XXIV của Bộ luật hình sự và những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh nêu trên nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra:
– Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện điều tra tất cả các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra.
– Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh điều tra các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh và những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh điều tra.
– Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra các vụ án về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Đối với Cơ quan điều tra an ninh quân đội:
– Cơ quan điều tra an ninh quân đội ở Quân khu, Quân chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng điều tra những vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XI, Chương XXIV của Bộ luật hình sự, thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cùng cấp, trừ các tội phạm mà người thực hiện là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Đối với Cơ quan điều tra quân sự các cấp:
– Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự khu vực, trừ những trường hợp do Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra an ninh Quân đội điều tra.
– Cơ quan điều tra quân sự ở Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh đoàn, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cùng cấp, trừ những trường hợp do Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra an ninh Quân đội và những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự khu vực nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.
– Cơ quan điều tra quân sự ở Bộ Quốc phòng điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra quân sự ở Bộ tổng tham mưu, Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Binh đoàn, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Thẩm quyền điều tra tội phạm không chỉ căn cứ vào loại Cơ quan điều tra, căn cứ vào phân cấp trong từng loại mà còn phải căn cứ vào nơi xảy ra tội phạm. Quy định chung là Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt. Khi có tranh chấp về thẩm quyền điều tra thì Viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.