1.1. Thẩm quyền đăng kí các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
a) Thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Từ ngày 01/01/2016, thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài do UBND huyện thực hiện. Cụ thể như sau:
Điều 34 Luật Hộ tịch quy định:
Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài.
Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
b) Điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài
Đối với việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài thì mỗi bên phải tuân thủ theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn. Trường hợp việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài bên cạnh việc đáp ứng điều kiện kết hôn theo pháp luật nước mình thì còn phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú tại Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo điều kiện kết hôn theo pháp luật Việt nam quy định.
c) Thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Bước 1: Hai bên nam, nữ nộp một bộ hồ sơ đăng ký kết hôn trực tiếp tại Phòng tư pháp, nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc Cơ quan đại diện, nếu đăng ký kết hôn tại Cơ quan đại diện. Hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:
- Tờ khai đăng ký kết hôn vủa mỗi bên theo mẫu quy định;
- Giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân. Bao gồm: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy xác nhận tuyên thệ về việc hiện tại khong có vợ hoặc không có chồng, giấy xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước người đó là công dân.
Lưu ý: Các giấy tờ trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự và được dịch ra tiếng Việt có công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật; đồng thời phải còn thời hạn sử dụng.
- Giấy xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
- Đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp giấy xác nhận ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú;
Ngoài các giấy tờ trên, tùy từng trường hợp mà các bên phải nộp một số giấy tờ tương ứng.
Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hố sơ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì viết phiếu tiếp nhận hồ sơ, ghi rõ ngày phỏng vấn và trả kết quả. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hướng dẫn hai bên nam, nữ bổ sung, hoàn thiện. Việc hướng dẫn phải ghi vào văn bản, trong đó ghi đầy đủ, rõ ràng loại giấy tờ cần bổ sung, hoàn thiện; cán bộ tiếp nhận hồ sơ ký, ghi rõ họ tên và giao cho người nộp hồ sơ;
Bước 3: Trong thời hạn 10 – 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng tư pháp tiến hành nghiên cức, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết. Trưởng phòng Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra và đề xuất của Phòng tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn. Nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì phòng tư pháp báo cáo chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.
Bước 4: Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở UBND, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nếu tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào sổ hộ tịch và hai bên cùng ký tên vào sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào giấy chứng nhận kết hôn.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ
1.2. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
1.2.1. Thẩm quyền theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Điều 28 và Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì việc giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình hay yêu cầu về hôn nhân và gia đình đều thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Khoản 3, Điều 35 BLTTDS quy định :
“Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 (tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình) và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.”
Về thẩm quyền theo cấp Tòa án: căn cứ điều 36, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo cấp những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài (có một bên ở nước ngoài hoặc tài sản ở nước ngoài) thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân cấp Tỉnh giải quyết.
Về thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ: theo quy định tại Điều 37 BLTTDS 2015 thì thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình được xác định là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, trong trường hợp bị đơn không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì căn cứ vào khoản 1, điều 40 BLTTDS 2015 quy định rằng:
“Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
…….
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;”
1.2.2. Giới hạn thẩm quyền xét xử của Tòa án
Tại Việt Nam, trước khi có Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015), các trường hợp giới hạn thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài chưa được quy định một cách hệ thống. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996 hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này. Đến năm 2004, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 ra đời được sửa đổi, bổ sung năn 2011 (sau đây viết là BLTTDS 2004) nhưng các quy định về giới hạn thẩm quyền vẫn còn rất sơ sài. Mặc dù được quy định tại Điều 413 BLTTDS 2004 nhưng chỉ đề cấp đến trường hợp bản án đã được công nhận hoặc được tuyên tại nước mà Việt Nam và nước đó có Điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài. Tất nhiên, vẫn còn một số trường hợp được quy định ở điều luật khác hoặc văn bản khác nhưng điều này dẫn đến sự thiếu hệ thống và khó khăn cho quá trình áp dụng.
Với BLTTDS 2015, chúng ta đã có Điều 472 quy định khá đầy đủ về các trường hợp giới hạn thẩm quyền của Tòa án đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu và so sánh với pháp luật của một số nước, có thể thấy một số quy định tại Điều 472 của BLTTDS 2015 vẫn chưa được rõ ràng cũng như có một số điểm chưa hợp lý.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.