1. Khái niệm thỏa ước lao động tập thể:
Theo Khoản 1 Điều 73 Bộ Luật lao động 2012 thì Thỏa ước lao động tập thể được hiểu như sau:
“Điều 73. Thỏa ước lao động tập thể
1. Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. …”
Cũng theo Khoản 2 Điều này, Thỏa ước lao động được chia ra thành các loại, bao gồm:
– Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp;
– Thỏa ước lao động tập thể ngành;
– Thỏa ước lao động tập thể khác.
2. Ký kết Thỏa ước lao động tập thể:
Về chủ thể, theo Khoản 1 Điều 74 Bộ Luật lao động 2012 thì thỏa ước lao động được thực hiện ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc người đại diện người sử dụng lao động.
Về hình thức:
– Đối với thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp đuợc lập thành 05 bản.
– Đối với thoả ước lao động tập thể ngành đuợc lập thành 04 bản.
Ngoài ra, Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và:
Một là, có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp;
Hai là, có trên 50% số đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể ngành;
Cuối cùng, đối với hình thức thỏa ước lao động tập thể khác thì theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý: Khi thoả ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết.
3. Hiệu lực thỏa ước lao động tập thể:
Theo Điều 76 Bộ Luật lao động 2012, thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày do các bên ghi nhận trong thỏa ước, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, thỏa ước có hiệu lực kể từ ngày ký kết.
Lưu ý: Thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định pháp luật. Trong trường hợp nội dung của thỏa ước trái với pháp luật thì thỏa ước đó sẽ được coi là vô hiệu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà thỏa ước bị vô hiệu từng phần hoặc bị vô hiệu toàn bộ. Theo quy định tại Điều 78 Bộ Luật lao động 2012 thì các trường hợp thỏa ước lao động tập thể có thể bị vô hiệu:
Thứ nhất, Thoả ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thoả ước trái pháp luật.
Thứ hai, Thoả ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Có toàn bộ nội dung trái pháp luật;
– Người ký kết không đúng thẩm quyền;
– Việc ký kết không đúng quy trình thương lượng tập thể.
4. Thời hạn thỏa ước lao động tập thể
– Thoả ước lao động tập thể có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm; đối với các doanh nghiệp lần đầu tiên ký thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp thì thoả ước duới 1 năm.
– Trong thời hạn 03 tháng trước ngày thoả ước lao động tập thể hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thoả ước lao động tập thể hoặc ký kết thoả ước lao động tập thể mới.
– Khi thoả ước lao động tập thể hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng, thì thoả ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời gian không quá 60 ngày.
5. Sửa đổi, bổ sung thảo ước lao động tập thể
– Trong trường hợp tự nguyện sửa đổi, bổ sung, các bên có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể trong thời hạn:
+ Sau 03 tháng thực hiện đối với thoả ước lao động tập thể có thời hạn dưới 01 năm;
+ Sau 06 tháng thực hiện đối với thoả ước lao động tập thể có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.
– Trường hợp bắt buộc sửa đổi, bổ sung.
Khi quy định của pháp luật thay đổi dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật, thì hai bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể trong vòng 15 ngày, kể từ ngày quy định của pháp luật có hiệu lực.
– Việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể được tiến hành như việc ký kết thoả ước lao động tập thể.
6. Thủ tục đăng ký
Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, người sử dụng lao động hoặc đại diện nguời sử dụng lao động gửi 01 bản thoả ước lao động tập thể đến các cơ quan sau:
– Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đối với thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp;
– Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đối với thoả ước tập thể ngành.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.