[VPLUDVN] Khi vụ án đã được xét xử sơ thẩm tại Tòa án cấp sơ thẩm, nếu đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức đã khởi kiện vụ án không đồng ý với bản án sơ thẩm thì có quyền kháng cáo, viện kiểm sát có quyền kháng nghị trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp việc kháng cáo, kháng nghị là hợp pháp thì vụ án sẽ được xét xử phúc thẩm. Qua bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích về thủ tục kháng cáo và thủ tục giải quyết phúc thẩm vụ án dân sự.
1. Thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm
Để vụ án được xét xử sơ thẩm, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự cần phải kháng cáo. Thủ tục kháng cáo vụ án dân sự được quy định cụ thể tại phần 3 của Bộ luật tố dân sự 2015 như sau:
- Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự phải làm đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo phải có các nội dung: Ngày tháng làm đơn, thông tin người kháng cáo, thông tin người bị kháng cáo, bản án bị kháng cáo, phạm vi kháng cáo, lý do kháng cáo, chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo (Điều 272 BLTTDS 2015).
- Người kháng cáo gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm. Khi gửi đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi kèm tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh việc kháng cáo là có căn cứ và hợp pháp.
- Tòa án cấp sơ thẩm sẽ tiến hành xem xét đơn kháng cáo và xử lý theo quy định tại Điều 275 BLTTDS 2015.
- Người kháng cáo nộp tạm ứng án phí phúc thẩm. Trong thời hạn 10 ngày, người kháng cáo phải nộp tạm ứng án phí phúc thẩm và phải nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (Điều 275 BLTTDS 2015)
- Tòa án sẽ thông báo về việc kháng cáo.
- Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 05 ngày làm việc theo quy định tại Điều 283 BLTTDS 2015.
2. Thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án dân sự
- Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý, thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.
- Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.
- Trong vòng 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa có thể đưa ra quyết định tạm đình chỉ xét xử, đình chỉ xét xử hoặc đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Quyết định này dựa trên kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án đã được xét xử ở cấp sơ thẩm.
- Ngoài ra, theo quy định tại Điều 287 BLTTDS 2015, đương sự có quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì lý do chính đáng và Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.
- Cũng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, Tòa án có thể áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 96 BLTTDS 2015.
2. Phiên Tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự
Trường hợp Tòa quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì phiên tòa phải được diễn ra theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật, gồm thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi các đương sự, thủ tục tranh luận, thủ tục nghị án và tuyên án.
- Chuẩn bị khai mạc phiên tòa phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các Điều 237, 239, 240, 241 và 242 của BLTTDS 2015.
- Hỏi về việc kháng cáo: Sau khi kết thúc thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm thì một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm công bố nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo. Tòa án sẽ hỏi nguyên đơn có rút đơn khởi kiện hay không, hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không (Điều 298 BLTTDS 2015).
- Công nhận sự thỏa thuận của các bên: Theo quy định của Điều 300 BLTTS 2015 thì tại phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử công nhận thỏa thuận đó và dựa trên đó đưa ra bản án phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm. Trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau thì phiên tòa được tiến hành theo thủ tục gồm phần tranh tụng giữa nguyên đơn, bị đơn.
Tranh tụng tại phiên tòa: bao gồm trình bày về kháng cáo, hỏi và tranh tụng tại phiên tòa:
- Trình bày về kháng cáo: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày, người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến. TẤT CẢ ĐƯƠNG SỰ ĐỀU KHÁNG CÁO thì việc trình bày được thực hiện theo thứ tự nguyên đơn; bị đơn kháng cáo, và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Hỏi và công bố tài liệu, chứng cứ: thủ tục hỏi những người tham gia tố tụng và công bố tài liệu, chứng cứ, xem xét vật chứng quy định tại Điều 287 của Bộ luật này tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 303 BLTTDS 2015)
- Tranh luận: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tranh luận, đối đáp, đương sự có quyền bổ sung ý kiến.
Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các ĐƯƠNG SỰ TRANH LUẬN BỔ SUNG về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án. Thủ tục tranh luận được quy định tại (khoản 2 Điều 305 BLTTDS 2015), theo đó:
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày. Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tranh luận, đối đáp. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến;
- Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.
3. Nghị án và tuyên án khi xét xử phúc thẩm
Theo quy định tại Điều 307 BLTTDS 2015, Việc nghị án, trở lại việc hỏi và tranh luận, thời gian nghị án, tuyên án, sửa chữa, bổ sung bản án phúc thẩm được thực hiện như thủ tục xét xử sơ thẩm.
4. Thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hiện hành, tùy theo các tình tiết trong vụ án thì hội đồng xét xử phúc thẩm có thẩm quyền như sau:
- Giữ nguyên bản án sơ thẩm;
- Sửa bản án sơ thẩm;
- Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm;
- Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;
- Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
- Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời Tòa án kết quả xử lý.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.