Thủ tục tái thẩm trong vụ án Dân sự

1. Bản chất của thủ tục tái thẩm trong vụ án dân sự

Điều 351 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó”.

Tái thẩm chỉ là chỉ là một thủ tục của tố tụng dân sự chứ không phải một cấp xét xử, vì:

Thứ nhất, đối tượng của thủ tục tái thẩm là bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Về cơ bản những bản án hay quyết định của Tòa án khi đã có hiệu lực pháp luật thì các chủ thể liên quan phải chấp hành bản án, quyết định đó. Nhưng một số trường hợp mặc dù bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự. Vậy nên pháp luật đặt ra thủ tục tái thẩm để xem xét lại những bản án, quyết định đó nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự.

Thứ hai, chủ thể có quyền và lợi ích liên quan đến bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không thể trực tiếp kháng cáo. Pháp luật quy định chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Thứ ba, phiên tòa tái thẩm không bắt buộc có đương sự. Nếu cần thiết Hội đồng tái thẩm sẽ triệu tập đương sự.

Thủ tục tái thẩm, thủ tục giám đốc thẩm đều là thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nên nhiều trường hợp bị nhầm giữa hai thủ tục. Có thể phân biệt cơ bản hai thủ tục như sau:

Giám đốc thẩm là việc xét lại bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị do việc phát hiện có sai lầm của Tòa án khi nhận định về các tình tiết, sự kiện của vụ án hoặc có vi phạm phap[s luật nghiêm trọng trong giải quyết vụ án.

Tái thẩm là xét lại abnr án quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo do phát hiện những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi giải quyết vụ việc dân sự.

2. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Pháp luật hiện nay quy định có bốn căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là:

  • Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án. “Tình tiết quan trọng” trong căn cứ này phải là những tình tiết làm thay đổi nội dung của vụ án. Ví dụ: trong quá trình giải quyết vụ án chia di sản thừa kế các đương sự không biết được người để lại di sản thừa kế đã lập di chúc để lại toàn bộ khối di sản cho người con út, nên vụ án đã được giải quyết theo pháp luật. Mấy năm sau người con út mới phát hiện ra di chúc. Việc phát hiện ra di chúc là tình tiết mới quan trọng làm thay đổi bản chất của vụ án. Bản án nếu so với di chúc thì khác nhiều và kết luận của bản án đã làm thiệt hại đến lợi ích của thừa kế được chỉ định trong di chúc. Đây là tình tiết quan trọng để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
  • Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ.
  • Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật. Cần phân biệt căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” với căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm “…cố ý kết luận trái pháp luật”. “Sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” và “cố ý kết luận trái pháp luật” đều là áp dụng pháp luật không đúng, nhưng căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là xuất phát từ việc nhận thức của Thẩm phán về việc áp dụng pháp luật. Thẩm phán cho rằng mình áp dụng pháp luật là đúng nhưng thực tế là không đúng. Còn căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là Thẩm phán biết rõ việc kết luận của mình là không đúng pháp luật nhưng vẫn cứ kết luận. Đây là những trường hợp hồ sơ đã đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, các tình tiết trong vụ án và pháp luật rõ ràng, nhưng Thẩm phán lại xử không đúng pháp luật.
  • Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ. Bộ luật tố tụng dân sự quy định, đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị. Trong trường hợp phát hiện tình tiết mới của vụ án, Viện kiểm sát, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị.

3. Người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Tương tự như thủ tục giám đốc thẩm, Bộ luật tố tụng dân sự chỉ giao thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, cụ thể như sau:

  • Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
  • Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Vậy nên ngoài những chủ thể trên thì không một chủ thể nào khác có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Nếu các chủ thể khác phát hiện tình tiết mới của vụ án thì có quyền thông báo bằng văn bản cho các chủ thể có thẩm quyền trên để kháng nghị.

4. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Khi xác định thời hạn khnags nghị cần đảm bảo hai điều kiện chính, đó là:

Tạo điều kiện cho đương sự có thể bảo vệ quyền, lợi ích của mình.

Bảo đảm tính ổn định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Thời hạn kháng nghị trên đã đảm bảo hài hòa được hai điều kiện trên. Nên chăng ghi nhận thêm thời hạn kéo dài kháng nghị thì điều luật sẽ trở nên đảm bảo hơn quyền tiếp cận công lý của công dân.

5. Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm

Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền sau đây:

Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định.

Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.

So với thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm thì số lượng quyền ít hơn (thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm là 05 quyền còn quyền của Hội đồng tái thẩm chỉ có 03). Sự khác biệt này xuất phát từ bản chất của hai thủ tục như đã nêu tại phần 1.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *