[VPLUDVN] Thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên được quy định tại Chương XXVIII gồm 18 Điều trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Thủ tục lấy lời khai, hỏi cung, đối chất
Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thủ tục lấy lời khai, hỏi cung, đối chất người chưa thành niên như sau:
Khi lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi thì phải thông báo trước thời gian, địa điểm cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ biết. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc đại diện của họ. Việc lấy lời khai người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự. Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuối nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.
Thời gian lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi không quá 02 lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp: (1) lấy lời khai trong vụ án có nhiều tình tiết phức tạp; (2) hỏi cung bị can phạm tội có tổ chức; để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn; ngăn chặn người khác phạm tội; để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án; hoặc vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
Chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.
Quyền bào chữa
Nhằm đảm bảo sự cụ thể, chặt chẽ về thủ tục, trình tự bào chữa đối với người chưa thành niên, Điều 422 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định rõ việc bào chữa như sau: Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội. Nếu họ không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa.
Cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu Đoàn Luật sư phân công tổ chức luật sư; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình, theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Thủ tục xét xử
Về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm, ngoài giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên thì có bổ sung đối tượng là người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi tham gia với tư cách là Hội thẩm.
Quy định cụ thể trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể xử kín. Nhằm đảm bảo sự khách quan, tạo điều kiện trợ giúp tốt hơn về mặt tâm lý cho người dưới 18 tuổi thì phiên tòa phải có mặt người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt…
Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa phải được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ; phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp…. Vụ án có bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi, Hội đồng xét xử phải hạn chế việc tiếp xúc giữa bị hại, người làm chứng với bị cáo khi bị hại, người làm chứng trình bày lời khai. Chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hỏi bị hại, người làm chứng.
Biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội chỉ có duy nhất biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử áp dụng biện pháp này.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án có người dưới 18 tuổi của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.