Thủ tục tố tụng hình sự đối với pháp nhân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015

[VPLUDVN] Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có những quy định dành cho chủ thể là pháp nhân. Đây là những điểm hoàn toàn mới so với BLTTHS năm 2003.

Lần đầu tiên BLTTHS năm 2015 quy định bị can, bị cáo là người hoặc pháp nhân. Cụ thể: Khoản 1 Điều 60 BLTTHS năm 2015 quy định: “Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này”.

Khoản 1 Điều 61 BLTTHS năm 2015 quy định: “Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này”.

Việc tham gia tố tụng của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại là người nhân danh pháp nhân tham gia các hoạt động. Do đó, khi BLTTHS năm 2015 quy định pháp nhân với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật tố tụng hình sự thì mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng… Khi tham gia vào hoạt động tố tụng người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được Nhà nước quy định cho họ những quyền và nghĩa vụ nhất định được quy định tại Điều 435 BLTTHS năm 2015.

Biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Cũng như đối với cá nhân phạm tội, để ngăn chặn việc pháp nhân tiếp tục phạm tội, cũng như hạn chế các hậu qủa do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra, qua đó, bảo đảm thi hành án liên quan đến việc bồi thường thiệt hại hoặc phạt tiền, BLTTHS năm 2015 quy định Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế sau đây đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại Điều 436 Bộ luật này bao gồm:Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.
Thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử.

Những vấn đề cần phải chứng minh khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Trong vụ án hình sự liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh, xác định rõ các tình tiết đặc trưng gắn liền với pháp nhân tại Điều 441 BLTTHS năm 2015 bao gồm:Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của BLHS;Lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân;Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra;Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt;Nguyên nhân và điều kiện phạm tội; Trong đó, việc chứng minh vấn đề lỗi của pháp nhân là một vấn đề rất quan trọng trong vụ án mà pháp nhân thực hiện tội phạm.

Thẩm quyền và thủ tục xét xử đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Tòa án nơi pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện (Điều 444 BLTTHS năm 2015 quy định). Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm. Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân phạm tội được thực hiện theo thủ tục chung quy định trong BLTTHS năm 2015. Phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; có mặt bị hại hoặc người đại diện của bị hại…
Như vậy, thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân chính là các trình tự thực hiện các quy định của BLTTHS khi tiến hành giải quyết vụ án liên quan đến bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại, cũng như việc áp dụng những quy định khác có liên quan, qua đó, bảo đảm xử lý đúng đắn vụ án, trách nhiệm hình sự của pháp nhân và trách nhiệm hình sự của cá nhân, cũng như góp phần đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm và đề ra các biện pháp khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *