Thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

[VPLUDVN] Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì cần phải được thi hành để thực thi công lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng lại không đúng với bản chất sự việc hoặc pháp luật nếu được đem ra thi hành sẽ gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Do vậy, trong những trường hợp này cần phải có những thủ tục đặc biệt để xét lại bản án, quyết định.

Theo nguyên tắc hai cấp xét xử, thì một vụ việc dân sự chỉ được giải quyết qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu coi việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được tiến hành như một cấp xét xử thứ ba sẽ dẫn tới hai hệ quả là sự quá tải của bộ máy tư pháp và sự chậm chễ trong việc thực thi công lý. Do vậy, cần có sự hài hoà giữa việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và bảo đảm tính ổn định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Theo nguyên lý này, việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chỉ nên được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt, khi mà bản án, quyết định không đúng với bản chất sự việc hoặc có những vi phạm, sai lầm nghiêm trọng về pháp luật.

Dựa trên tính chất của các căn cứ xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhà lập pháp Việt Nam đã phân hoá các căn cứ này thành hai loại, trên cơ sở đó thiết lập hai thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật tương ứng là thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm. Theo đó, giám đốc thẩm là việc xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có sai lầm của Toà án khi nhận định về những tình tiết, sự kiện của vụ án hoặc có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, còn tái thẩm dân sự là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị do phát hiện những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không biết được khi giải quyết vụ việc dân sự.

Sự khác biệt căn bản về cơ sở của việc xét lại phán quyết đã có hiệu lực pháp luật là nguồn gốc dẫn tới sự khác biệt trong các quy định của pháp luật về thời hạn kháng nghị, quyền hạn của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (LSĐBS) đã thiết lập thêm một thủ tục đặc biệt nhằm cho phép Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao (HĐTPTANDTC) có thể xét lại chính quyết định của mình. Về căn bản thì thủ tục đặc biệt này vẫn dựa trên các căn cứ xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đã được phân tích ở trên với một số đặc thù về chủ thể có quyền yêu cầu xét lại, thủ tục thẩm định căn cứ xét lại, tỷ lệ thành viên biểu quyết tán thành và quyền hạn của HĐTPTANDTC.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *