Thuận tình ly hôn

[VPLUDVN] Thuận tình ly hôn là trường hợp ly hôn mà cả vợ và chồng cùng yêu cầu chấm dứt hôn nhân, được thể hiện bằng đơn thuận tình ly hôn của vợ chồng.

Trong trường hợp này, do tính chất của việc hai bên đã thỏa thuận được về việc ly hôn nên thường đã có thỏa thuận trước về chia tài sản và người chăm sóc con cái. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không có thỏa thuận.

a)    Các căn cứ thuận tình ly hôn

Điều 55, Luật hôn gia đình 2014 quy định về trường hợp thuận tình ly hôn:

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Như vậy, các căn cứ thuận tình ly hôn như sau:

– Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn

Trong đó, “thật sự tự nguyện ly hôn” là  cả hai vợ chồng đều được tự do bày tỏ ý chí của mình, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối trong việc thuận tình ly hôn. Việc thể hiện ý chí thật sự tự nguyện ly hôn của hai vợ chồng đều phải xuất phát từ trách nhiệm đối với gia đình họ, phù hợp với yêu cầu của pháp luật và chuẩn mực, đạo đức xã hội.

Các bên đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

Điều này tức là các bên còn phải thỏa thuận được về các hậu quả của việc ly hôn, đặc biệt là về phần liên quan đến việc phân chia tài sản chung và về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Tòa án công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của vợ và con.

Nếu không thỏa thuận được hoặc tuy có thỏa thuận, nhưng không bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của vợ và con, thì Tòa án quyết định giải quyết việc ly hôn.

b) Tiến hành hòa giải đoàn tụ

Ngoài hai căn cứ trên thì thủ tục hòa giải là bắt buộc phải có và là căn cứ để Tòa án quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Mục đích của việc này là vợ chồng rút đơn yêu cầu ly hôn và đoàn tụ với nhau. Đây là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, có 04 trường hợp sau đây, vụ án ly hôn sẽ không tiến hành hòa giải được:

+ Người bị yêu cầu ly hôn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình vắng mặt khi Tòa triệu tập hợp lệ đến lần thứ 02;

+ Vợ chồng không thể tham gia hòa giải vì lý do chính đáng;

+ Vợ hoặc chồng là người mất năng lực hành vi dân sự;

+ Một trong hai vợ chồng đề nghị không tiến hành hòa giải.

Theo khoản 3, 4, 5 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 ta thấy các hậu quả pháp lý sau khi hòa giải như sau:

– Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ:

Ở trường hợp này, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.

– Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành:

Trường hợp này, Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

+ Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;

+ Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;

+ Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con

Trường hợp này, Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *