[VPLUDVN] Quy nghiên cứu quy định của pháp luật và thực tiễn giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi, tác giả thấy có những bất cập, vướng mắc hoặc quy định của pháp luật cần được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Trường hợp con nuôi chưa thành niên hoặc con nuôi đã thành niên nhưng bị hạn chế, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhưng cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ thống nhất chấm dứt việc nuôi con nuôi có được không?
Thực tiễn giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi có trường hợp như sau: Bà A có sinh một người con là cháu B nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên đem B cho chị của mình là bà C làm con nuôi. Vợ chồng bà C làm thủ tục nhận cháu B làm con nuôi đúng quy định pháp luật. Năm cháu B được 6 tuổi thì bà A và vợ chồng bà C thống nhất chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa cháu B với vợ chồng bà C. Sau đó, bà A làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết. Nếu căn cứ vào quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì Tòa án không có căn cứ nào để chấm dứt việc nuôi con nuôi theo yêu cầu của bà A. Tuy nhiên, nếu Tòa án không chấp nhận việc chấm dứt nuôi con nuôi giữa cháu B với vợ chồng bà C theo yêu cầu của bà A thì lại không phù hợp với nguyện vọng và ý chí của bà A, cháu B, vợ chồng bà C. Đây là vướng mắc trong thực tiễn. Trong những trường hợp như vậy, qua nghiên cứu các Quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi của Tòa án công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao thì đa số các Tòa án chấp nhận việc chấm dứt nuôi con nuôi trong những trường hợp tương tự như vậy.
b) Thế nào là hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi, con nuôi; thế nào là trục lợi, bốc lột sức lao động?:
Một trong những căn cứ chấm dứt nuôi con nuôi quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 25 Luật Nuôi con nuôi là khi con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi hoặc khi có vi phạm về việc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động. Tuy nhiên, qua nghiên cứu của tác giả thì hiện nay pháp luật không có quy định và chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thế nào là hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi hoặc thế nào là hành vi trục lợi, bóc lột sức lao động để làm căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi. Thực tiễn Thẩm phán khi giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi trong những trường hợp này cũng gặp nhiều khó khăn do còn nhận thức khác nhau.
c) Trong trường hợp nào thì cơ quan lao động, thương binh và xã hội; trong trường hợp nào Hội liên Hiệp phụ nữ được quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Nuôi con nuôi thì cơ quan lao động, thương binh và xã hội; Hội liên Hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi. Tuy nhiên theo quy định thì con nuôi đã thành niên, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi cũng có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 25 của Luật Nuôi con nuôi. Như vậy, trong trường hợp nào cơ quan lao động, thương binh và xã hội; trong trường hợp nào Hội liên Hiệp phụ nữ được quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi cần được hướng dẫn cụ thể để áp dụng pháp luật cho thống nhất.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.