Tìm hiểu về lễ hội đền gióng (Bài tập học kỳ Đại cương Văn hóa Việt Nam)

[VPLUDVN] Có lẽ trong tất cả các lễ hội dân gian ở nước ta, Hội Gióng là lễ hội được ghi chép miêu tả tỉ mỉ nhất cho đến ngày nay. Từ sự quan sát đánh giá của Dumoutier đến những miêu tả vô cùng tỉ mỉ của Nguyễn Văn Huyên mà sau này đôi điều chẳng may có mất đi người ta vẫn khôi phục được.

Mặt khác trong suốt thời gian dài của lịch sử, trải qua bao cuộc thăng trầm của chiến tranh loạn lạc, lụt bão… có lúc trầm, khi bổng có khi thịnh khi suy, xong người dân làng Gióng vẫn giữ được truyền thống mở hội của mình. Đời này qua đời khác người ta giữ được lệ làng, truyền được cho con cháu không chỉ cái tinh túy của truyền thống dân tộc, sức mạnh của cộng đồng làng, mà còn giữ được vững chắc các nghi lễ, trang phục, nội dung diễn biến của ngày hội làng. Bởi thế mà hội làng Gióng đã trở nên nổi tiếng khắp vùng, lan ra cả bạn bè quốc tế. Từ bao đời, tiếng tăm của Hội Gióng đã nổi tiếng khắp cả một vùng xứ bắc, đến nỗi ca dao xưa còn ghi:

“Ai ơi mồng chín tháng tư

Không đi hội Gióng thì hư một đời”

Như trên đã thấy, hội Gióng diễn ra hàng năm vào ngày mồng 9 tháng tư âm lịch tại làng Phù Đổng, xã Phù Đổng, thuộc huyện Gia lâm, Hà Nội. Từ Hà Nội theo đường quốc lộ 1A lên phía bắc qua cầu Đuống rẽ tay phải men theo bờ đê sống Đuống, du khách đi chừng 7km nữa là đến trước cổng đền Gióng, nơi mở hội hàng năm. Vị trí thuận lợi này càng tạo cho hội Gióng đông khách đến thăm.

NỘI DUNG

  1. Khái quát về Lễ Hội

Hầu như các làng xã nào có đình chùa, miếu mạo thì ở đó tùy thuộc vào quy mộ mà tồn tại các loại lễ hội khác nhau.

Lễ và Hội thường đi kèm với nhau và diễn ra tập trung vào 15 ngày đầu xuân (từ 1 – 15/1 âm lịch). Đây là thời điểm nông nhàn nên có điều kiện cho các sinh hoạt tâm linh cũng như giải trí của cộng đồng dân cư địa phương. Đây cũng là thời điểm để những người ly hương quay trở về quê cha đất tổ. Lễ hội bao gồm 2 phần cơ bản là Lễ và Hội.

Phần Lễ

Lễ là nghi thức thờ cũng mang màu sắc tôn giáo tâm linh, các lễ vật và quy trình tế lễ gắn liền với đặc thù của đối tượng thờ cúng. Chữ lễ ở đây mang 2 nghĩa cơ bản là tế lễ và lễ giáo (lề thói ứng xử theo truyền thống, theo các quy phạm đạo đức đã được cộng đồng thừa nhận dựa trên lời dạy của thánh nhân). Cả 2 chức năng trên đều có mặt trong Phần Lễ của lễ hội ở Việt Nam.

Nội dung chính của Lễ là:

– Tưởng nhớ và tôn vinh đối tượng thờ cũng.

– Cầu sự bảo trợ về mặt thần quyền cho sự thịnh vượng và yên bình cho cộng đồng dân cư.

Phần Hội

Hội là phần mang tính sinh hoạt giải trí, làm sống lại các truyền thống sinh hoạt và vui chơi đã từng ăn sâu vào lối sống của cộng đồng.

Hội thực sự là một điểm thu hút các du khách văn hóa muốn tìm hiểu phương thức sinh hoạt và giải trí mang tính truyền thống đậm đà bản sắc địa phương thông qua tính không lặp lại trong cách nhìn, cách ứng xử đối với cùng một loại hình giải trí.

Bên cạnh đó, thể thức của các cuộc thi cũng khác nhau mặc dù có cùng một loại hình. Giải thưởng của Hội thường mang tính ước lệ không nặng về vật chất mà đề cao danh dự, đề cao lòng nhiệt tình của những người tham dự cũng như cổ vũ trò vui.

Phần hội của người Việt Nam thể hiện tính cộng đồng và hiếu khách của người Việt. Du khách có thể là người xem hội, và nếu muốn – cũng có thể là người tham dự cuộc vui.

Ý nghĩa cơ bản của Lễ Hội

– Lễ hội là một thực tiễn mang tính giáo dục cho các thế hệ đi sau về những giá trị văn hóa truyền thống mang tính nhân văn, về lịch sử dựng nước và giữ nước, về cội nguồn của dòng tộc nói riêng và cả dân tộc nói chung. Lễ Hội giúp thế hệ đi sau nhận thức về lịch sử mà không qua những ngôn từ, sách vở khô cứng của thể loại văn học hàn lâm. Nó đi thẳng vào tâm trí và tầng sâu tâm thức của đối tượng giáo dục bằng trực giác, bằng sự hòa đồng, bằng những kỷ niệm gắn bó với đời sống cộng đồng, với quê hương bản quán. Mà trong đó, đối tượng giáo dục là người vừa chứng kiến, vừa tham dự vừa là người sáng tạp nên không khí Lễ Hội.

– Thông qua khía cạnh tâm linh, Lễ Hội có tác dụng giáo dục rất lớn đối với mọi thế hệ, không phân biệt già trẻ: đó là những giới luật, những điều răn, những lời nguyền ngăn cản những hành vi phi đạo đức, đi ngược với lợi ích cộng đồng và lợi ích dân tộc. Tác dụng giáo dục của khía cạnh này nằm ở tầng sâu của tâm thưc và được suy diễn dưới dạng chuỗi nhân quả, những liên hệ siêu hình giữa sự kiện mà chủ thể trải nghiệm trong cuộc sống.

– Lễ hội còn là sự chứng thực về mặt cội nguồn chung của các cộng đồng kế cận. với ý nghĩa đó, lễ hội làm gia tăng tính cố kết cộng đồng.

Với những ý nghĩa tích cực nói trên, việc sử dụng lễ hội như một phương thức để phát huy truyền thống tốt đẹp của người Việt đang là một vấn đề rất đáng quan tâm trong tình hình hiện nay.

  1. Những di tích của Hội Gióng Phù Đổng
  2. Đền Thượng

Đây là một ngôi đền cổ và đẹp, nằm ngay sát chân đê sông Đuống thuộc địa phận làng Phù Đổng. Tương truyền khi Lý Công Uẩn lên ngôi đã cho mở mang và tu sửa chùa Kiến Sơ và đền Gióng thành một quần thể di tích đẹp, bề thế. Đồng thời nhà vua cũng ban ruộng cho làng dùng vào việc cúng tế và tổ chức lễ hội hàng năm. Trước khi vào đền du khách sẽ gặp một hồ nước trên hồ có một nhà thủy đình, nơi đây thường tổ chức múa rối trong dịp làng có đám, vì thế mà hồ còn được gọi là hồ ao rối. Bên hồ có cây đa cổ thụ, cành lá sum suê rợp bóng mát trước nhà thủy đình trước cổng đền.

Tiếp đến ta sẽ gặp cổng đền được xây theo kiểu tam quan đẹp và bề thế. Trước cổng là một sân rộng rồi đến hồ nơi có nhà thủy đình. Cửa đền có một đôi rồng đá rất lớn chầu hai bên.

Đi qua cồng đền ta sẽ bắt gặp một tòa phương đình, qua tòa phương đình đó để vào nhà tiền tế, rồi vào đến hậu cung nơi có đặt tượng thánh Gióng. Đức thánh ngồi trên ngai, khoác áo đỏ, tượng này cao hơn 2m đã được tạc cách đây hơn 1 thế kỉ. Trên xà ngang trong đền còn được chạm trổ nhiều cảnh sinh hoạt của ngày hội một thời xa xưa.

Hai bên cạnh đền còn có nhà giải vũ để đón khách và dân làng chuẩn bị sửa sang chính đốn và lễ vật trước khi vào lễ thánh.

Phía bên trái đền có một giếng đá có đường kính khoảng 5m vẫn còn được giữ gìn cẩn thận. đền còn giữ được nhiều sắc phong qua các thời đại.

  1. Chùa Kiến Sơ

Đó là một ngôi chùa cổ, không rõ được xây dựng từ bao giờ nhưng trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam có chép: “Năm 820, khoảng hai thế kỉ sau thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, có một thiền sư Trung Hoa, pháp hiệu Vô Ngôn Thông sang ở chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng tỉnh Bắc Ninh, lập ra phái thiền thứ hai tại Việt Nam.” Chùa nằm ở bên phải đền Gióng. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi đã đặc biệt lưu ý việc tu sửa chùa này cùng đền Gióng bên cạnh. Trong chùa có nhiều tượng quý như tượng nhà sư Vô Ngôn Thông, vua Lý thái Tổ, Khổng Tử, Lão Tử và các tượng Phật. Ngoài ra còn có nhiều hang động đắp nổi làm cho chùa thêm huyền bí và sinh động.

  1. Miếu Ban

Thuộc đất làng Phù Dực, vốn xưa kia là khu rừng Trại Mòn nơi bà mẹ Thánh Gióng đã sinh ra Ngài. Miếu nằm ở ngoài đê chếch phía phải của đền Thượng. miếu nằm bên cạnh một cái ao nhỏ, giữa ao có một gò nhỏ trên đó còn giữ được chõng đá, thống đá mà dưới đáy thống vẫn còn nổi lên hình cái liềm là những thứ trời cho khi bà mẹ sinh ra Gióng. Trải qua bao thời gian, những vật đó đã trở thành di tích quý giá trong quần thể di tích Thánh Gióng.

  1. Đền Mẫu

Đó là nơi thờ mẹ Gióng. Đền nằm ở phía ngoài đê bên trái của đền Thượng giữa đê quai và đê chính của sông Đuống. đền không lớn, thời gian đã làm đền bị hư hỏng nhiều, sau này được nhân dân tu bổ lại để thời Bà. Triều đình trước đây cũng hết sức chú trọng đến việc này vì thế đền đã có tới 13 sắc phong của các đời vua.

  1. Giếng

Là một di tích khá quan trọng trong quần thể di tích đền Gióng. Đây là một giếng đất ít ỏi còn lại đến ngày nay. Giếng nằm trước cửa đền Mẫu, có bờ bao bọc xung quang, có cầu bậc thang để bước xuống tới tận mặt nước. hàng năm, vào dịp lễ hội rước nước được tiến hàng tại đây. Đám rước lớn đi từ đền Thượng tới đây. Đến nơi các quân tướng của Gióng dàn hàng đứng xung quanh để lấy nước thiêng.

  1. Giá ngự

Đó là một bệ đá bằng hai chiếc chiếu đối, nằm lộ thiên phía bên kia đê đối diện đền Gióng hơi chếch về phía bên trái. Nơi đây, vào ngày hội được nhân dân dùng làm nơi bày hương án thờ và khi hội trận ngựa của Thánh Gióng đứng ở đây chứng kiến cuộc ra trận.

III. Hội Gióng Phù Đổng

  1. Tổ chức

Bốn làng ở tổng Phù – đổng cùng nhau tổ chức hội Gióng để kỷ niệm ngày ông Gióng đánh thắng giặc Ân…

Bốn làng đó là: Phù – đổng, Phù – dực, Đổng – viên và Đổng – xuyên. Hai làng trên được thay phiên nhau làm hội trưởng. Hai làng sau chỉ được đóng vai phụ trong ngày hội, vì ngày xưa đã đuổi bà mẹ Gióng lên rừng ở khi bà có mang ông Gióng.

Nhưng cơ sở để phân công không phải là làng mà là giáp. Giáp là đơn vị chính thức gồm những táng đinh trong làng. Tổng Phù  – đồng có 15 giáp.

Phù – đổng có 6 giáp: ban, Phú, Chợ, Bộ, Đông, Đoài, Phù – dực có 4 giáp: Từa, Gạo, Nông, me. Nếu năm nay giáp Đông được cử làm Giáp hội trưởng hay Giáp kéo hội thì sang năm sẽ đến lượt giáp Đoài, và cá năm sau sẽ đến lượt các giáp Từa, Gạo, Nông, Me…

Giáp hội trưởng có trách nhiệm tổ chức ngày hội.

Giáp này phải cử ra:

– Hiệu cờ: Người cầm cờ và múa cờ.

– Hiệu chiêng: Người cầm chiêng và múa đánh chiêng

– Hiệu trống: Người cầm trống và múa đánh trống.

– Hiệu trung quân: người chỉ huy quân đội quân trung tâm của Gióng. – Hiệu tiểu cổ: hai người chỉ huy tiên phong

Những người trên đóng vai tướng của ông Gióng được che hai lọng, trừ hiệu cờ là tượng trưng cho uy lực của Gióng trong chiến trận thì được che bốn lọng. Họ đều được chọn trong số trai chưa vợ cuả giáp, từ mười hai đến hai mươi tuổi. Nếu thiếu thì chọn người đã có vợ nhưng không quá 26 tuổi.

Trên đây là bộ phận chỉ huy.

Hai làng Đổng – viên và Đổng – xuyên cử:

1 Phục dịch cho hiệu trốn

1 Phục dịch cho hiệu chiêng

– Một đội quân thám sát và vận lương gồm 30 người có một người chỉ huy.

Còn quân chính quy của Gióng gọi là Phú giá ngoại thì được chọn trong cả 4 làng gồm những trai tráng từ 18 đến 36 tuổi. Tất cả chia làm 6 đạo. Mỗi đạo gồm có 15 người và một xướng suất điều kiển. Ngoài ra còn  có quân Phú giá nội gồm 12 người trẻ chọn trong làng Phù – đổng.

Quân của Gióng ăn mặc giống như tượng người đắp ở đền thờ các vua nhà Lý tại làng Đình – bảng (Từ – sơn, Bắc – ninh). Minh trần, đóng khố bao đen, dải khố dài được quàng chéo qua ngực, qua vai, vòng ra sau lưng và thắt lại ở hông, bên hông đó đeo túi đen hình sừng trâu. Đầu đội mũ vải đen thêu kim tuyến và đính mặt gương tròn nhỏ, đằng sau có mái rủ xuống gáy () .

Tham gia hội Gióng, còn có phường hát múa ải – lao hay  Phường Tùng Choặc.  Phường này gồm 20 người trai trẻ do các giáp làng Hội – xá hằng năm thay nhau cử ra để tế thần và góp vui cho hội Gióng. Làng này xưa kia ở bên tả ngạn sông Đuống, gần Phù  – dực dời sang hữu ngạn sông Đuống và thuộc về Gia Lâm. Hội xá trích 27 mẫu ruộng công ra để cấp cho phường này hưởng hoa lợi làm chi phí.

Phường này gồm có:

– 1 ông trùm

– 1 người đánh trống khẩu

– 1 người đánh chiêng

– 1 người cầm cung nỏ (tượng trưng người đi săn trong truyền thuyết).

– 1 người cầm đầu cần câu (tượng trưng người câu cá trong truyền thuyết).

– 2 người cầm cờ lau, cờ lau là 2 chiếc gậy dài có buộc chùm tua giấy dài ngũ sắc ở trên đầu trong giống như bông lau, nhắc lại chi tiết đoàn trẻ chăn trâu làng Hội – xá chơi cờ bông lau theo Gióng đánh giặc và giắt bông lau che kín mình cho Gióng (theo truyền thuyết).

– 1 người múa hổ, hoá trang thành hổ. ở đình Hội – xá còn có đầu hổ phết bằng giấy bìa bọc vải do ngày hội năm trước để lại. Thường ngày thủ từ cúng nó như cúng thần. Đầu tháng 3 âm lịch giáp nào được cử lập phường thì đến đình lấy đầu hồ và làm thêm lốt hổ để hoá trang. Lốt hổ là một áo dài chẽn, mày vàng có vẽ vằn đen, và có đuôi. Đến khi xong hội thì người ta làm lễ đốt lốt đi, chỉ giữ đầu hổ mà thôi.

– 12 người còn lại cầm sênh và hát.

Từ 15 tháng 3 âm lịch  đến mồng 6 tháng 4 âm lịch phường tập múa hát. Từ 6 đến 13 tháng 4 âm lịch phưởng ở hẳn tại chùa Kiến – sơ gần đền Thượng để phục vụ hội Gióng.

Trong ngày hội, họ mặc áo chẽn, chít khăn đen, đi chân trần, thắt lưng xanh có nút bên trái. họ múa hai điệu múa truyền thống: một điệu cúng thần và điệu vây bắt hổ. Họ hát 12 bài hát truyền thống: 1 bài hát vào đền dâng lễ; 2 Chầu trước điện thần, 3 Ra khỏi đền, 4 Chầu trước đền mẫu (mẹ Gióng), 5. Bài hát múa cờ; 6. Hát câu cá, 7. Săn hổ, 8. Vây hổ, 9. Bắt hổ; 10. Sau khi bắt hổ, 11. Bài hát rước trận; 12. Bài hát về đền sau khi thắng trận.

Lâu ngày, lời lẽ và nội dung những bài hát này đã được biến đổi, nhiều bài không còn giữ được ý nghĩa gốc nữa. Không còn liên quan gì đến tên cổ của bài hát nữa.

  1. Chuẩn bị

Ngày mồng 1 tháng 3 âm lịch, trước mặt hội đồng hàng tổng, giáp hội trưởng cúng trầu lên đền Gióng (đền Thượng) và nhận sổ hội lệ  và chiếu theo sổ đó để tổ chức hội.

Ngày mồng 2 tháng 3 âm lịch, hội đồng giáp họp để phân công:

Từ mồng 6 tháng 3 âm lịch trở đi, hiệu cờ và các hiệu khác phải theo tục trai giới. Riêng hiệu cờ phải ở riêng trong nhà cầu của đền, ăn ngủ một mình, có người phục dịch cho.

Ngày rằm tháng 3 âm lịch, giáp hội trưởng rước bình hương lên đền và làm lễ trình diện các tướng (hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng) trước bàn thờ Gióng. Trước mặt quan viên hàng tổng, thủ từ kinh cẩn trao cho giáp hội trưởng lá cờ, cái trống và cái chiêng. Các hiệu nhận các vật đó và rước về nhà để bắt đầu tập biểu diễn. Cũng trong ngày đó và theo nghi thức đó, các hiệu trung quân và tiểu cổ cũng được nhận những vật biểu diễn của mình như trống con có tay cầm hay trống khẩu.

Lá cờ ấy bằng lụa nhuộm màu đỏ vàng, rộng 0,35m; dài 9 vuông gọi là lá cờ lệnh. Đó là lá cờ dùng trong ngày hội năm trước được cất ở trong đền nay đem ra để tập. Đến ngày hội, người ta sắm là cờ mới. Và trong những ngày đầu tháng 4 âm lịch, người ra chọn ngày làng để mời người viết tốt viết chữ lệnh lên lá cờ. Viết xong, tra cản, buộc tua, cuộn lại và lồng vào bao đỏ hình chữ nhật có thê rồng phượng. ở cuối bao có dài lụa tua thêu, trong bao nhét đầy giấy trắng cắt hình bướm và những mẩu gỗ trầm nhỏ bằng đồng xu. Tất cả bao cờ và những thứ đó gọi chung là miều. Cũng hôm đó, người ra rước miều từ đền Thượng đến đền Mẫu (thợ mẹ Gióng – ở cánh đồng giữa làng Đổng Viên và Phù Đổng).

Rằm tháng 3 âm lịch trở đi, mọi người, mọi bộ phận (các tướng cũng như phường Ải – lao) đều phải tập biểu diễn cho thành thạo.

Ngày 25 tháng 3 âm lịch, giáp kéo hội lên đền quét dọn và lau chìu mọi thứ cho thật sạch sẽ, sửa sang lại đường sá và các địa điểm kéo hội. Ngày mồng 2 tháng 4 âm lịch, cắt cử đội quân phù giá. Ngày mồng 5 tháng 4 âm lịch là ngày tổng diễn tập múa, hát, đánh trống, đánh chiêng, hành quân và dàn trận trước cửa đền Thượng. Ai cũng cố gắng tập đúng theo quy cách truyền thống và đẹp mắt, để cho ngày hội đạt kết quả. Và theo niềm tin dân gian thì chỉ có như vậy ông Gióng mới vui lòng và năm đó dân hành tổng mới làm ăn được thịnh vượng.

Còn giặc Ân từ phương Bắc tới thì chỉ được tượng trưng bằng những tướng nữ chọn ngày trong gái hàng tổng từ 10 đến 13 tuổi. Trừ giáp kéo hội ra, các giáp khác được cử mỗi giáp 2 cô. Tất cả là 28 tướng. Trong số 28 đó lại chọn hai người thống soái gọi là Tướng Đốc chánh soái và Tướng Ngựa phó soái. Các tướng ăn mặc lộng lẫy, đội mũ thêu hoa, quấn vòng xuyến  vàng bạc. Giáp ban được phân công cử tướng Đốc và tượng Ngựa, trừ lúc đến phiên giáp Ban làm giáp hội trưởng, thì giáp Phú lại cử thay.

  1. Những ngày hội chính

Từ mồng 6 tháng 4 âm lịch, người ta đã chuẩn bị tổ chức chiến trường. Chiều hôm đó vào giờ dậu (15 giờ), có một nghi lễ gội là lễ Rước nước:

Tất cả quân, tướng đều tham dự đám rước từ đền Thượng đến đền giếng đền Mẫu để lấy nước rửa khí giới. Người ra khiêng đôi chum “thiêng” đến đặt lên bệ bên bờ giếng, 80 quân thù giá dàn thành hai hàng hai bên trên các bậc tam cấp xuống giếng. Người đứng đầu hàng cạnh giếng nhất cầm giáo đồng múc nước và chuyển đến cho người đúng bên chum. Người này thong thả rót nước vào chum qua miếng vài đỏ trải trên miệng chum. Tất cả các cử chỉ này đều được biểu diễn theo lệnh trống, chiêng và sênh của người xướng suất. Sau đó, người ta rước đôi chum trở về đền thượng. Trống, chiêng đánh lên từng hồi rộn rịp. Phưởng ải – lao múa hát đi trước dẫn đường. Theo niêm tin dân gian, nước đó đã được ông Gióng ban cho để người ta sinh sống và trồng trọt, nay đem về đền để thờ Ông Gióng và rửa khí giới cho khí giới ấy giữ được uy lực chiến thắng của ông. Và có làm lễ Rước nước như vậy thì sang ngày hội chính thức là ngày hôm sau mới có mưa; mưa ấy biểu hiện ông Gióng về  dự hội, và cây cối sẽ tốt tươi, mùa màng sẽ thuận.

Sáng mòng 7 tháng 4 âm lịch, giờ tị (11 giờ), người ta rước cố chay (chủ yếu là cơm với cà) từ đền Mẫu đến đền Thượng rồi tế Gióng trong câu hát điệu nhạc của phường ải – lao.

Trưa hôm ấy, có Rước khám đường. Rước này có ý nghĩa thăm dò đường đi đến trận địa.

Đêm đến có lục trai gái đuổi bắt nhau trên bãi sông. Bên trai thường chỉ đóng khố và để đầu trần để khỏi bị bên gái túm khăn áo lôi. Tục này rất cổ càng ngày càng nhạt dần, chỉ còn dấu vết trong các lối trai gái giễu cợt nhau. Quần chúng ngày càng được thu hút và các đám diễn tuồng, chèo trong những đêm hội Gióng.

Ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch là ngày hội chính, ngày Gióng đánh thắng giặc Ân, cũng là ngày ông Đổng về hái cà, thường là “sáng mưa trưa nắng” theo kinh nghiệm quan sát thời tiết của nhân dân qua nhiều năm

Lễ Rước cờ buổi sáng từ đền Mẫu đến đền Thượng mở đầu ngày hội chính. Khi đám rước đến đền Thượng, pháo hoa đốt lên và các đội phù già biểu diễn hàng ngũ. Theo lệnh của xướng suất, đội phù giá xếp hàng hai rồi hàng bốn, quay phải rồi quay trái, đoạn bước đi, lúc đầu chậm rãi nhưng về sau thì chạy rầm rập rồi lộn vòng và đứng lại làm lễ. Họ giữ người thẳng, chân xoè chữ bát, hai gót chạm nhau, hai tay giơ thẳng đằng trước rồi chắp hai bàn tau trước ngực, khuỷu tay ngang vai. Cứ thế họ tiến lên phía trước, đến gần bàn thờ Gióng thì đứng lại, giơ chân trái đá sang trái, giơ chân phải đá sang phải, rồi đi thụt lùi. Tất cả các động tác nói trên được biểu diễn rất nhanh nhẹn, hùng mạnh, gọn gàng và đẹ p mắt. Đó là những động tác quân sự cách điệu hoá, không phải là lễ cúng bái bình thường, được điều khiển bằng tiếng trống, tiếng chiên đánh sát nhau (“Tông”, “beng”). Nghe tiếng trống, tiếng chiêng cuối cùng thì tất cả dùng tay phải rút từ túi ra một chiếc quạt rồi giơ quá đầu, miệng “dạ” một tiếng thật to, đoạn bỏ tay xuống. Họ làm lại như thế 9 lần nữa, rồi dàn thành hai hàng trước điện thần, cúi đầu xuống và đi lùi ra, miệng lại “dạ”, “dạ”.

Đến giờ thìn (10 giờ), phường ải – lão diễn trò săn hổ trước diện thần.

Hổ tiến lên trước, đứng thẳng bằng 2 chân sau hơi doãi ra trên chiếc chiếu đầu. Hổ bước chân trái lên, tiến về  trước, quỳ xuống, hai chân trước chống cuống chiếu, đầu cúi sấp. Đoạn đứng dậy, lùi lại một bước bàng chân phải rồi cúi đầu như trước. Hộ làm thế 4 lần xong đi giật lùi sang bên phải bàn thờ, tức là bên trái tượng Gióng. Điệu múa đó được điểm bằng những tiếng trống ăn nhịp với từng động tác. Tiếp đến là hai người cầm cờ lau, hai người đánh trống con và mèn hai người cầm cần câu và cung tên. Mấy người này lễ 4 lễ bình thường (chắp tay, quỳ gối) ở chiếu hai rồi đừng ra hai bên: Người đánh trống hay gần chiếng. Những người này cũng vận động theo tiếng trống chiêng.

Đến lượt 12 người cầm sênh tiến lên, đứng ở chiếu ba thành hai hàng 6. Họ gài sênh ở thắt lưng, đứng chụm gót, cánh tay gấp và nâng lên ngang vai, bàn tay ngửa ra về phía bàn thờ để ngang trước ngực rồi quay bên trai và quay bên phải. Sau đó họ cúi đầu và quì xuống, xếp chéo sênh ở trên chiếu, rồi lại đứng dậy và múa hai bàn tay đủ ba mặt: trước, trái và phải như  trớc. Họ lặp lại những động tác đó 4 lần theo nhịp trống mèn, xong cầm sênh lên gõ 4 tiếng và chia lại hai hàng đứng ra hai bên.

Điệu múa cờ trong ngày hội Gióng

Ba tiếng trống dứt lễ, cả phường bắt đầu diễn trò vây bắt hổ.

Họ hát 6 lần câu mở đầu:

Lập đồn đắp luỹ xây thành

Bên ngoài trống điểm tuần hành bên trong.

Xen tiếng đệm lót khác nhau có trống và sên giữ nhịp. Động tác đánh trống, chiêng cũng có tính chất múa. Trước khi nện dùi vào trống, chiêng, người đánh phải uốn nhanh bàn tay 3 vòng có cách điệu hẳn hoi. Sau mỗi lần cất dùi lên, cũng phải múa bán tay lại như vậy rồi mới nện dùi lần khác.

Cả phường hát xong, ông trùm đứng dạy nó:

– Chiềng hàng đội, dồn dây có ông hổ lang. Ai nhân tài ra bắt, chúa hội thưởng.

Hổ nhảy ra múa bằng nhiều động tác đẹp mắt. Đồng thời người cầm cung và người cầm cần câu hát đối thoại và làm những động tác khoa trương:

– Tôi với anh!

– Anh với tôi!

– ( vỗ ngực khoe khoang) Mạnh đã có tôi!

– (làm vẻ hăm hở sắn tay áo) Bạn đã có tôi !- (Tay chỉ về phía hổ, tỏ vẻ sợ sệt) Tối trời tôi không dám ra.

– (Lo lắng mắt trước, mắt sau) Có làm sao anh lôi tôi cho chóng.

Rồi hai người nhảy vờn với hổ. Một người hổi:

– Bò hay cóc?

– Bò, ái chà! To lắm (vờ nắm được đuôi), tôi không sao lôi được.

– (Xắn tay áo hùng hổ) Anh ăn cơm vua mặc áo chúa cho hư, để tôi vào lôi bắt anh coi.

Họ hát múa như vậy trong tiếng trống, chiêng rất vui. Được một lát, người cầm cung giương cung vờ bắn, hổ vờ bị thương lăn đùng ra đất, hai người nhảy vào vờ bắt trói.

Xong đó, cả phường đứng dậy làm lễ một lần nữa trước bàn thờ Gióng.

Trong lúc đí thì ở cuối làng Đổng – viên, trên bãi Đống – đàm cạnh một hồ sen giữa hai con đê cũ và mới, 28 tướng nữ của giặc đã trực sẵn trên 28 kiệu, mỗi tướng như vậy có một cô gái đứng cạnh cầm lọng che xung quanh là quân gia gồm người nhà của gô gái đóng vai tướng ấy, phần lớn cũng là nữ.

Giờ vị (13 giờ) điểm thì đội quân thám báo chạy về đền đưa tin có giặc vây đóng ở Đống – đàm (tức Vũ – ninh trong truyện).

Thế là tiếng trống, chiêng nổi lên ba hồi liền. Tất cả tướng quân chỉnh đốn hàng ngũ, vũ khí và nhạc cụ cầm sẵn để chờ lệnh xuất trận. Trong giờ phút nghiêm trọng phường ải -lao vừa múa vừa hát bài ca ngợi Gióng:

Thứ sáu đời vua Hùng Vương

Ân sai hai tám tướng, tướng cường nữ nhung

Tiếng hát vừa dứt, các ông hiệu (tướng của Gióng) đến múa lạy trước bàn thờ Gióng, như là tuyên thệ và tỏ rõ quyết tâm đánh giặc. Các động tác giống hệt như trong lễ rước đã nói ở trên. Sau đó các tướng trở về chỗ cũ. Ba hồi trống chiêng lại nổi lên nữa. Một tiếng hô to và hàng loạt tiếng “dạ” ran. Toàn quân hàng trăm người nhằm về phía Đông – đàm tiến bước rầm rập.

Hai hiệu tiểu cổ, tức tướng tiên phong mặc áo đỏ, quần vàng chẽn ống, đội mũ thêu rồng, cầm trống khẩu đi đầu dưới lọng đỏ có tua rua vàng lóng lánh. Theo hai hiệu tiểu cổ  là 12 em bé mặc áo đỏ đên (thường gọi là làng áo đỏ, áo đen) cầm roi song sơn son. Tiếp đến là ông Hổ, phường ải – lao và cờ quạt tàn lọng rước các tướng: Hiệu trống, hiệu chiêng, hiệu trung quân và hiệu cờ. sau hiệu cờ là Long giá tức con ngựa trắng bằng gỗ kéo trên bốn bánh xe, tượng trưng ngựa của Gióng, thường ngày để ở trong đền và sau nữa là đoàn quân dài nườm nượp bước đid thành hai hàng.

Tất cả vừa đi gấp vừa chạy tiến đến chiến trường. áo quần đủ các màu sắc sặc sỡ, trống Gióng, chiêng khua, cờ bay phất phới, tang lọng rợp trời, bát bửu, siêu đao, dùi đồng, phủ việt uy nghiêm hùng dũng. Tiếng hát, tiếng nhạc của phường ải – lao rộn ràng. Cảnh tượng thật là náo nhiệt trên bờ đê dài ba cây số. Khi qua đền Mẫu, mọi người dừng lại cúi đàu chào mẹ Gióng.

Chiến trường rất đơn giản. Ở giữa hai bờ đê có hồ sen. Quân địch làm chủ hồ đó. Gần hồ có những cồn đất nhỏ, trên đó trải ba chiếc chiếu, ở giữa chiếu có một cái bát uýp lên tờ giấy trắng. Chiếu tượng trưng đồng bằng, bát tượng trưng núi non, giấy trắng tượng trưng mây. Gần đó nữa có một bệ đất phẳng đặt bàn thờ Gióng. Đám rước tới nơi, ngựa được đẩy đến cạnh bànthờ, khi giới và cờ lọng cũng được cắm ở đấy. Còn các tướng của Gióng thì đến đứng ở gần chiếu.

Đúng giờ dậu (độ 14h30), hiệu trống cho trống nổi lên ba hồi thật to, mọi tiếng ngừng bặt: người ra tưởng nhớ đến Gióng. Rồi hiệu trung quân đến trước cờ lệnh đốt một tràng pháp nổ tung trời ra lệnh tấn công. Trưởng tiểu cổ đáp lại ba hồi trống con, tỏ ý đội quân tiên phong đã sẵn sàng. Hiệu cờ cầm lá cờ lệnh tiến lên đứng ở giữa chiếu một gần bàn thờ. Vị thừa tế đến mở cờ lệnh. Hàng trăm bướm giấy trắng và mảnh gỗ trầm theo cờ tung bay trước gió. Thế là tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng pháo lại nổi lên cùng với tiếng reo hò ầm ĩ từ phía quân ta cũng như phía giặc, làm huyên náo cả một góc trời, chứng tỏ trận chiến đấu thần thánh đã bắt đầu. Tất cả tướng giặc phải đứng lên để chịu sự tấn công của Gióng. Hiệu cờ thẳng cánh trái giương lá cờ lệnh lên, mắt nhìn theo ngọn cờ, đồng thời hất chân trái sang phải, rồi lại chuyển cờ sang tay phải, đồng thời hất chân phải sang phải mắt vẫn nhìn theo ngọn cờ và tiến lên 3  bước để làm tung bay tờ giấy ngụ ý Gióng có sức mạnh dời chụm chân đứng thẳng, và đánh tan giặc, hiệu cờ lại chụm chân đứng thẳng, thoăn thoắt nhảy lên 2 lần tại chỗ, nhẹ nhàng qui gói phải xuống chiếu gấp chân trái thành hình thước thợ rồi dùng hai cánh tay khoẻ phất mạnh, phất nhanhlá cờ từ phải sang trái, cho nó chao ba vòng quanh mình, uốn lên trông như một làn khói là bổ thẳng xuống chiếu. Tất cả chiến trận được tượng trưng bằng điệu múa cờ ấy. Quân tướng và quần chúng đi dự hội từ nãy đến giờ hồi hộp theo dõi gật gù thán phục, đến đây họ nhảy lên reo hồ ầm ĩ, vui mừng chiến công. Trống chiêng lại nổi lên, phường ải – lao lại múa hát.

Hiệu cờ tiếp tục múa cờ 2 lần như thế nữa ở chiếu 2 và chiếu 3, côi như là chiến trận tiếp tục đến 3 lần hết sức gay go và ác liệt. Điệu múa cờ vừa chấm dứt ở chiếu 3, thì các tướng nữ giặc Ân cũng đồng thời cho quay kiệu, đi về phía Phù – đổng, có nghĩa là quân ta thắng lợi, quân địch tan rã và chiến trận chấm dứt, sau “ ba ván thuận”, theo lời gọi truyền thống của nhân dân. Tất cả đám hội lại reo hò ầm ĩ trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng huyên náo…

Ba hồi trống chiêng thu quân, đám rước lại chỉnh đốn hàng ngũ và kéo quân về đền Thượng trong tiếng nhạc, tiếng hát của phường ải – lao. Qua đền Mẫu, một trang pháp nổ ran, như báo cho mẹ Gióng biết tin Gióng thằng trận. Về đền, hiệu cờ đến cắm cờ trước tượng Gióng, hiệu trống và hiệu chiêng đặt trống chiên ở hai bên. Ngựa gỗ được đặt lại chỗ cũ đằng sau tượng Gióng. Hàng tổng mở tiệc khao quân.

Nhưng giặc chưa chịu thua hẳn. Chúng bày lại trận thế, tiến đến sát Phù – đổng, bao vòng lấy quân ta. Quân thám báo vừa loa tin, lập tức quân ta bỏ cả ăn uống cầm ngay vũ khí, cờ quạt tiến ra chiến trường theo ba hồi trống giục. Tướng Đốc và tướng Ngựa của giặc đã chiếm đóng vùng đất giữa đền Thượng và đền Mẫu. Quân ta phá vòng vây, nhằm phía 2 tướng đầu của giặc mà xông tới. Khi đến gần, pháo nổ ran chứng tỏ tình hình nguy kịch. Quân ta vừa phải lùi lại một quãng. Các tướng của Gióng xông thẳng chân đê trước mặt làng Phù – đổng ở bãi Sòi – bia (). Cuộc chiến đấu xảy ra ác liệt ở đó. Cách bố trí trận địa giống hệt như ở Đống – đàm.

Ba tiếng trống lệnh vừa dứt, hiệu cờ lại bắt đầu nhảy ra múa trên chiếu. Lúc này cờ được chao từ trái sang phải, ngược chiều với lần trước. Nhân dân gội là “ba ván nghịch”. Hiệu cờ múa xong ván nghịch thứ ba, thì hiệu trống và hiệu chiêng đánh 3 hồi trống, chiêng xen kẽ vang trền báo tin quân ta thắng lợi hoàn toàn. Các tướng nữ của giặc xuống kiệu, coi như bị thua. Quân ta phất cờ, tung đao, reo hò ầm ĩ trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng. Hai tướng Đốc, tướng Ngựa của giặc bị hiệu Cờ bắt giải bộ về đền. Hiệu cờ bắt chúng quỳ xuống nộp kiếm, bắt chúng lạy 4 lạy vái 2 vái trước bàn thờ ông Gióng.

Trong không khí tưng bừng phấn khởi của ba quân và nhân dân ở trong, ngoài đền, hiệu Cờ ra lệnh nổi trống chiêng rồi lấy kiếm tước được của giặc múa trên đầu giặc mấy vòng, đoạn dùng đầu kiếm ấy hất mũ và phanh thây giặc. Vụ thừa tế hứng mũ áo giặc lên mâm và bưng vào nội cung dâng thần. Sau lễ thủ cấp đó là mọi người ra khỏi đền phường ải – lao lại múa hát, kèn nhị trống bát âm lại réo rắt tưng bừng. Tiệc khao quân tiếp tục thì trời cũng vừa tối… Hàng tổng lại hướng vào các trò vui, các tiết mục văn nghệ khác trong đêm.

  1. Sau ngày thắng trận

Ngày hôm sau, mồng 10 tháng 4 âm lịch, hàng tổng lại Rước vãn để duyệt quân và kiểm tra lại khí giới. Lễ tạ ơn Gióng được tổ chức cùng với hội mừng thắng lợi và khao quân. Các tướng giặc còn lại đã được phóng thích, mang vật phẩm dâng lên bàn thờ Gióng và được quân ta cho dự tiệc cùng.

Ngày 11 tháng 4 âm lịch, có lễ Rửa hội. Người ta rước nước về đền để rửa đồ đạc khí giới. Các trò chơi, múa hát lại tiếp tục.

Ngày 12 tháng 4 âm lịch, có Rước căm cờ, quân ta đi soát lại chiến trường từ Đống – đàm cho đến Sòi – bia xem có tên giặc nào sống sót hay không. Quân ta soát đến đâu thì cắm cờ trắng đến đấy, ngụ ý giặc đã bị quét sạch và chiến tranh hoàn toàn kết thúc. Chiều đến, làm lễ Tế báo thắng trận với Trời Đất và Hạ hội. Bốn nghệ nhân xuất sắc nhất đã được chọn trong cuộc  thi ca hát buổi hôm ấy, được trình diễn trước bàn thờ Gióng. Theo lệnh thừa tế, họ cùng hát vang bài Lạc thành nói lên niềm vui bất tận của con người với đất nước.

Hội Gióng Phù Đổng trong những năm gần đây Từ những năm đổi mới, do chính sách mở của Nhà nước, các di tích cũ càng ngày càng thay da đổi thịt. Nhu cầu trở về cội nguồn ngày một được chú trọng hơn. Tính chất xã hội hóa của các hoạt động lễ hội phong tục ngày càng được mở rộng. về cơ bản hội Gióng vẫn giữ gìn như xưa như thời gian mở hội được duy trì chính hội năm năm một lần, còn hàng năm là hội lệ. Người đến hội bây giờ cũng đông hơn và đa dạng hơn do điều kiện giao thông ngày nay đã tốt hơn xưa rất nhiều. Vì năm năm mới tổ chức một lần hội chính, cho nên hội lệ vẫn là phổ biến hơn cả. Vì vậy người đến hội hàng năm nhất niên nhất lệ chủ yếu là mục đích thăm hội và lễ bái. V. Hội Gióng Phù Đổng được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, vào hồi 18 giờ 20 phút ngày 16/11/2010 (tức 22 giờ 20 phút, giờ Việt Nam), tại thành phố Nairobi, thủ đô của Kenya, kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Giá trị nổi bật toàn cầu ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Mặc dù ở gần trung tâm thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững, không bị nhà nước hóa, thương mại hóa

KẾT LUẬN

Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Thông qua đó có thể nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Hình tượng Thánh Gióng đã trở thành một “Tứ bất tử” trong đời sống tâm linh người Việt. Lễ hội Thánh Gióng là một di sản văn hóa phi vật thể thuộc lĩnh vực tín ngưỡng và sự kiện lễ hội, được nhà nước phong kiến chú trọng phát triển từ thời Lý và cộng đồng giữ vai trò rất lớn trong việc bảo tồn qua hàng ngàn năm lịch sử

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. ĐẠI CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM, TS. Phạm Thái Việt (chủ biên), TS. Đào Ngọc Tuấn, NXB. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, năm 2004.
  2. TÌM HIỂU LỄ HỘI HÀ NỘI, Lê Hồng Lý, NXB Hà Nội, năm 2010.
  3. BÌNH DIỆN VĂN HÓA VIỆT NAM – VĂN HÓA VIỆT NAM – Những điều học hỏi, Vũ Ngọc Khánh, NXB. Văn hóa thông tin, Hà Nội, năm 2004.
  4. website: google.com.vn: “hình ảnh Hội Gióng”.

Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *