[VPLUDVN] Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là tình trạng của người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức ý nghĩa xã hội của hành vì hoặc khả năng điều khiển hành vi theo các đòi hỏi của xã hội.
1. Quy định chung về không có năng lực trách nhiệm hình sự
Xin chào Luật sư. Tôi đang thắc mắc vấn đề cần giải đáp như sau: Người nhà tôi trong khi đang ngồi ở quán bia với bạn bè thì bất ngờ có một đối tượng cầm dao nhọn xông đến đâm thẳng vào người. Người nhà tôi đang phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Sau đó công an đã đến lập biên bản hiện trường và dự định lập hồ sơ gửi sang Viện kiểm sát để truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng kia. Nhưng sau đó gia đình tôi nhận đươc thông tin là công an không truy tố nữa vì lý do đối tượng đó là người tâm thần, có giấy tờ xác nhận của bệnh viện. Chúng tôi rất bức xúc, vì người tâm thần tại sao không đưa vào bệnh viện tâm thần mà lại để ngoài xã hội. Tôi muốn hỏi người bị tâm thần đâm người khác thì xử lý thế nào?
Trả lời:
Hành vi gây thiệt hại cho xã hội do người trong tình trạng trên thực hiện rất có thể không bị coi là tội phạm và khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 21 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về việc không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:
Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đây là một trong những trường hợp miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với những người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Theo đó, người ở trong tình trạng bị coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn cả hai điều kiện sau:
1) Phải mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần;
2) Không có khả năng nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi (và như vậy cũng không có năng lực điều khiển hành vì đó) hoặc tuy có khả năng nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi nhưng không có năng lực điều khiển hành vi đó.
Việc xác định một người có thỏa mãn hai điều kiện nêu trên hay không đòi hỏi phải có sự trợ giúp của giám định tâm thần tư pháp.
Cần phân biệt tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự với trường hợp tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế – trường hợp chủ thể tuy cũng mắc bệnh nhưng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức ý nghĩa xã hội của hành vi hoặc khả năng điều khiển hành vi theo các đòi hỏi của xã hội. Hành vi gây thiệt hại cho xã hội trong trường hợp này vẫn bị coi là tội phạm. Tuy nhiên, đây là trưởng hợp trách nhiệm hình sự được giảm nhẹ, vì tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế có ảnh hưởng nhất định đến mức độ lỗi.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, do không có hồ sơ giám định cụ thể, nên chúng tôi cũng chưa thể kết luận việc không truy cứu trách nhiệm hình sự với người gây thương tích cho người nhà bạn là đúng căn cứ pháp lý hay không. Tuy nhiên, dựa vào những phân tích trên, có có thể yêu cầu cơ quan điều tra cho gia đình bạn biết căn cứ để không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn đối với người bị mắc bệnh tâm thần gây ra thiệt hại, người giám hộ của họ có trách nhiệm phải bồi thường cho gia đình bạn theo quy định của Bộ luật dân sự, ngoài ra, người bệnh có thể bị đưa tới bệnh viện tâm thần để chữa trị bắt buộc. Việc này được quy định cụ thể tại Điều 49 Bộ luật hình sự hiện hành như sau:
Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh
1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
2. Phân tích về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người có sự phát triển bình thường về tâm-sinh lí sẽ có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội khi đến tuổi nhất định. Năng lực này có thể sẽ không có hoặc bị mất đi do mẳc bệnh liên quan đến hoạt động tâm thần. Người không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội do mắc bệnh được luật hình sự Việt Nam gọi là người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS). Như vậy, trong luật hình sự Việt Nam, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được dùng để chỉ tình trạng mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi do mắc bệnh mà khi không ở trong tình trạng đó thì người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được coi là có năng lực trách nhiệm hình sự. Việc kiểm tra tình trạng này trong thực tiễn áp dụng chỉ được đặt ra khi có sự nghi ngờ về hoạt động tâm thần của người có hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội.
Lưu ý: Tên gọi này là theo cách gọi của Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đúng ra phải là: Tình trạng không có năng lực lỗi hay tình trạng không có năng lực nhận thức hoặc không có năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội.
Ở đây cần phân biệt người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (theo Điều 21 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) với người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Người không có năng lực trách nhiệm hình sự có thể là người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (theo Điều 21 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc là người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự (theo Điều 12 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Điều 21 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là tình trạng của người do:
“… mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thực hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.
Như vậy, có hai dấu hiệu để xác định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: Dấu hiệu y học (mắc bệnh) và dấu hiệu tâm lý (mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi).
– Về dấu hiệu y học: Người trong tình hạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần.
– Về dấu hiệu tâm lí: Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người không có (hoặc không còn) năng lực nhận thức đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội đã thực hiện, là người không có năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm. Như vậy, họ cũng không thể có được năng lực kiềm chế thực hiện hành vi đó. Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự còn có thể là người tuy có năng lực nhận thức, tuy có khả năng đánh giá được tính chất xã hội của hành vi của mình nhưng do bệnh lí không thể kiềm chế được việc thực hiện hành vi đó.
Chỉ được coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi đồng thời cả hai dấu hiệu: y học và tâm lí đều thoả mãn. Hai dấu hiệu này tuy có quan hệ với nhau (trong đó dấu hiệu y học có vai trò là nguyên nhân và dấu hiệu tâm lí có vai trò là kết quả) nhưng không có nghĩa đã mắc bệnh tâm thần là đều dẫn đến việc mất năng lực nhận thức hoặc mất năng lực điều khiển. Năng lực này có mất hay không không những phụ thuộc vào loại bệnh mà còn phụ thuộc vào mức độ bệnh và vào tính chất của hành vi đã thực hiện. Có loại bệnh tâm thần luôn luôn làm mất năng lực trách nhiệm hình sự, có loại bệnh chỉ làm mất năng lực này khi bệnh ở mức độ nhất định và có loại bệnh hoàn toàn không làm mất năng lực này.
Việc xác định hai dấu hiệu này đều thuộc nội dung của giám định tâm thần tư pháp. Kết luận giám định tâm thần tư pháp không chỉ xác định người thực hiện hành vi có tính chất gây thiệt hại cho xã hội có mắc bệnh tâm thần và có trong trạng thái bệnh khi thực hiện hành vi đó hay không mà còn xác định ảnh hưởng của bệnh đã mắc (nếu có) đối với năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của người bệnh.
Bên cạnh tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, luật hình sự Việt Nam còn thừa nhận trường hợp tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế. Đây là trường hợp do mắc bệnh nên năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi của chủ thể bị hạn chế. Người này không thuộc trường hợp không có điều kiện để có lỗi, nhưng tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế có ảnh hưởng nhất định đến mức độ lỗi. Lỗi của họ cũng là lỗi hạn chế và do vậy, luật hình sự Việt Nam coi tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tình tiết này được quy định cùng với những tình tiết khác tại Điều 51 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
3. Các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự
Theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành, các trường hơp được loại trừ trách nhiệm hình sự bao gồm:
– Sự kiện bất ngờ:
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự:
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Phòng vệ chính đáng:
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
– Tình thế cấp thiết:
Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội:
Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuât, công nghệ:
Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên:
Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.
Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này.
Sưu tầm và Biên tập