[VPLUDVN] Tổ hợp tác là gì? Pháp luật quy định thế nào về khái niệm tổ hợp tác và trách nhiệm của tổ hợp tác khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự?
Khái niệm tổ hợp tác
Theo Điều 504 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) , tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác. Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản.
Nội dung chủ yếu của hợp đồng hợp tác được quy định tại Điều 505 BLDS bao gồm:
– Mục đích, thời hạn hợp tác;
– Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;
– Tài sản đóng góp, nếu có;
– Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;
– Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức;
– Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;
– Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có;
– Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có;
– Điều kiện chấm dứt hợp tác.
Tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác
Tài sản của tổ hợp tác là điều kiện vật chất để tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã đăng kí hoạt động và chịu trách nhiệm dân sự. Tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác.
Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định tài Điều 357 về Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền và phải bồi thường thiệt hại.
Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên. Việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả thành viên hợp tác có thỏa thuận. Việc phân chia tài sản chung không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ được xác lập, thực hiện trước thời điểm tài sản được phân chia.
Trách nhiệm của tổ hợp tác
Các thành viên tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự chung bằng tài sản chung. Nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì tổ viên phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác hoặc luật có quy định khác.
Tổ hợp tác chịu trách nhiệm bằng tài sản chung của tổ. Nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đã đóng góp bằng tài sản riêng của họ.
Như vậy, trách nhiệm tài sản của tổ hợp tác là trách nhiệm vô hạn. Việc thực hiện nghĩa vụ của những tổ viên phải tuân thủ cách thức thực hiện nghĩa vụ liên đới được quy định tại Điều 288 BLDS.
Sự liên đới có phân chia thành phần tương ứng với phần vốn mà tổ viên đã đóng góp vào tài sản chung của tổ nhưng sự phân chia này không làm mất tính liên đới của nghĩa vụ. Trong trường hợp một tổ viên không thực hiện nghĩa vụ, người có quyền có thể yêu cầu các tổ viên khác phải thực hiện. Nếu một tổ viên đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, họ chỉ có quyền yêu cầu các tổ viên khác thực hiện nghĩa vụ theo phần đối với họ.
Bên cạnh hộ gia đình và tổ hợp tác thì các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân cũng tham gia vào quan hệ dân sự như hội đồng hương, ban liên lạc khóa, nhà chùa,.. Các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia vào quan hệ dân sự thông qua tư cách của tất cả các thành viên của mình. Trên cơ sở tài sản chung thì các thành viên của tổ chức này vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới tương ứng theo phần đóng góp của mình.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.