[VPLUDVN] Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hiểu một cách đơn giản là loại trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ quan hệ hợp đồng; người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại (“BTTH”) ngoài hợp đồng được quy định từ Điều 604 đến Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2005 (“BLDS 2005”). Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, các quy định này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nhất định, ví dụ như không cụ thể, rõ ràng; không bao quát hết mọi trường hợp xảy ra; đặc biệt là nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và từ đó gây khó khăn nhiều cho công tác xét xử của Tòa án. Chính vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 24 tháng 12 năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017) (“BLDS 2015”) đã có nhiều sự thay đổi cơ bản liên quan đến chế định BTTH ngoài hợp đồng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một số điểm mới cơ bản của BLDS 2015 ở mục “Những Quy định chung” trong Chương XIX “Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng”.
1. Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều 584 BLDS 2015)
Căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH là cở sở pháp lý mà dựa vào đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể xác định trách nhiệm BTTH có phát sinh trên thực tế hay không. Vấn đề xác định chính xác căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Về nội dung này, BLDS 2015 đã được chỉnh lý và có nhiều khác biệt so với BLDS 2005, cụ thể:
Một là, so với BLDS 2005, quy định tại Khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 có những điểm khác biệt cơ bản như sau:
Thứ nhất, nếu như trong BLDS 2005, yếu tố lỗi (kể cả lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý) được sử dụng như là căn cứ đầu tiên để xác định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng thì trong BLDS 2015, căn cứ xác định trách nhiệm BTTH đầu tiên lại là hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Rõ ràng, BLDS 2015 đã thay đổi quy định theo hướng người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại nữa, họ chỉ cần xác định được hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại là đã có thể yêu cầu bồi thường. Trách nhiệm chứng minh lỗi giờ đây sẽ thuộc về người gây thiệt hại trong trường hợp muốn được miễn trách nhiệm BTTH (Khoản 2 Điều 585 BLDS 2015) hoặc được giảm mức bồi thường (Khoản 2, 4 Điều 586 BLDS 2015). Sự thay đổi này, theo chúng tôi là hợp lý hơn và đã giảm bớt được gánh nặng chứng minh cho người bị thiệt hại.
Thứ hai, khi xác định chủ thể được BTTH, BLDS 2015 đã quy định theo hướng khái quát hơn, không còn chia ra trường hợp cá nhân và pháp nhân hoặc chủ thể khác như BLDS 2005 nữa. Khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 chỉ quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. “Người khác” ở đây có thể được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác và như vậy đã bao hàm được tất cả các loại chủ thể được BTTH như quy định tại BLDS 2005 trước đây.
Thứ ba, cùng với việc xác định căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH, việc xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm BTTH cũng là vấn đề hết sức cần thiết. Theo nguyên tắc chung, người nào thực hiện hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. Điều này về cơ bản giống với quy định của BLDS 2005. Tuy nhiên, BLDS 2015 lại quy định thêm trường hợp ngoại lệ, đó là “trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Đây là một quy định rất phù hợp, bởi vì trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng về nguyên tắc là được đặt ra cho chính chủ thể có hành vi gây thiệt hại, nhưng có khi lại là người khác, ví dụ như Điều 586 về Năng lực chịu trách nhiệm BTTH của cá nhân, trong trường hợp này, người gây ra thiệt hại là con nhưng người chịu trách nhiệm bồi thường lại là cha mẹ hay người giám hộ; Điều 598 quy định về BTTH do người thi hành công vụ gây ra, trong trường hợp này, người gây thiệt hại là người thi hành công vụ nhưng người chịu trách nhiệm bồi thường là cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức hay cơ quan tiến hành tố tụng v.v…
Việc BLDS 2015 mở rộng trường hợp làm phát sinh trách nhiệm BTTH do người khác gây ra là nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bị thiệt hại trong việc đạt được mục đích bồi thường. Điều mà pháp luật về BTTH ngoài hợp đồng luôn tìm cách hướng tới là tìm được một hay nhiều chủ thể có điều kiện thực hiện trách nhiệm BTTH. Càng có nhiều người chịu trách nhiệm BTTH thì người bị thiệt hại càng có cơ hội được bồi thường tốt hơn.
Hai là, BLDS 2015 đã bổ sung thêm căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH là “tài sản gây thiệt hại”. Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 584 BLDS 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản của mình gây ra (Ví dụ Điều 605 quy định về Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác…”). Đây là một sự bổ sung của BLDS 2015 mà theo chúng tôi đánh giá, phản ánh sát sao thực tế hơn. Bởi lẽ trên thực tế, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng cũng có thể phát sinh khi có sự kiện tài sản gây ra thiệt hại. BLDS 2015 đã khắc phục được sự thiếu rõ ràng của BLDS 2005 về trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra thiệt hại, tạo nên sự thống nhất trong quy định về thực tiễn áp dụng pháp luật, góp phần làm ổn định và lành mạnh hóa các quan hệ pháp luật dân sự. Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 584 cũng đã quy định thêm về những trường hợp loại trừ trách nhiệm BTTH để đảm bảo tính thống nhất trong mọi trường hợp khi tài sản là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
2. Về nguyên tắc BTTH (Điều 585 BLDS 2015)
Nguyên tắc BTTH là những tư tưởng chỉ đạo, mang tính định hướng cho các chủ thể phải tuân theo trong quá trình ban hành văn bản pháp luật và áp dụng pháp luật về BTTH ngoài hợp đồng. So với nguyên tắc BTTH được quy định tại Điều 605 BLDS 2005, BLDS 2015 đã có một số thay đổi như sau:
Một là, nguyên tắc bồi thường toàn bộ
Một trong những nguyên tắc của việc BTTH là thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ. Trước đây, khi giải thích nguyên tắc BTTH theo Khoản 1 Điều 605 BLDS 2005, có hai quan điểm khác nhau về bồi thường toàn bộ. Quan điểm thứ nhất cho rằng “toàn bộ” ở đây được hiểu là toàn bộ thiệt hại xảy ra trong thực tế. Quan điểm thứ hai lại cho rằng: “toàn bộ” ở đây là toàn bộ những thiệt hại được pháp luật quy định, có nghĩa là nếu một thiệt hại xảy ra trong thực tế nhưng không được pháp luật quy định thì vẫn không được bồi thường;
Lý do của việc có 2 quan điểm như trên là vì BLDS 2005 chỉ đưa ra nguyên tắc phải bồi thường toàn bộ thiệt hại chứ không quy định rõ là loại thiệt hại nào. Để đưa ra một hướng dẫn chung nhằm khắc phục sự giải thích khác nhau như trên về phạm vi thiệt hại được bồi thường, Tòa án tối cao đã theo quan điểm thứ hai, tức là chỉ rõ BTTH là bồi thường những thiệt hại được pháp luật quy định. Cách xử lý của Tòa án tối cao, ở một góc độ nào đó là chưa thuyết phục, ít nhiều đã làm bất lợi cho người bị thiệt hại.
Khoản 1 Điều 585 BLDS 2015 đã khắc phục điều này bằng cách bổ sung thêm từ “thực tế” vào phía sau cụm từ “thiệt hại” để tạo thành nguyên tắc: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời….”.
Mặc dù, tương tự như BLDS 2005, BLDS 2015 cũng không đưa ra định nghĩa về “bồi thường toàn bộ”, nhưng với việc xác định loại thiệt hại được bồi thường là “thiệt hại thực tế”, BLDS 2015 đã xác định rõ ràng hơn loại thiệt hại được bồi thường chứ không quy định chung chung như Khoản 1 Điều 605 BLDS 2005 nữa. Theo chúng tôi, việc quy định rõ loại thiệt hại được bồi thường phải là thiệt hại thực tế sẽ giúp cho Tòa án dễ dàng hơn trong việc xác định thiệt hại để bồi thường, cũng như tránh đi những cách hiểu và cách áp dụng có thể khiến bất lợi cho người bị thiệt hại.
Hai là, nguyên tắc giảm mức bồi thường
Khoản 2 Điều 585 BLDS 2015 cũng có một vài điểm khác biệt so với quy định tại Khoản 2 Điều 605 BLDS 2005, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về chủ thể được giảm mức bồi thường
Nếu như BLDS 2005 quy định chủ thể được giảm mức bồi thường là “người gây thiệt hại” thì BLDS 2015 đã xác định là “người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Việc thay đổi thuật ngữ “người gây thiệt hại” thành “người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ”, theo chúng tôi, là chính xác và đầy đủ hơn, bởi lẽ như trên đã đề cập, theo BLDS 2015 thì người chịu trách nhiệm BTTH không chỉ có người gây thiệt hại mà còn có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản có tài sản gây ra thiệt hại hoặc có thể là chủ thể khác như cha, mẹ chịu trách nhiệm BTTH cho con chưa thành niên, pháp nhân BTTH do người của pháp nhân gây ra v.v… Các chủ thể này, về nguyên tắc, cũng cần được áp dụng quy định về giảm mức bồi thường. Do vậy, chúng tôi cho rằng, việc áp dụng nguyên tắc giảm mức bồi thường cho “người chịu trách nhiệm BTTH” là phù hợp hơn vì nó đảm bảo tính thống nhất và chính xác trong việc áp dụng pháp luật, đảm bảo sự công bằng giữa các chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thông qua việc xem xét nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho tất cả những người chịu trách nhiệm BTTH, qua đó đảm bảo tính khả thi của bản án trên thực tế.
Thứ hai, về điều kiện để được giảm mức bồi thường
Nguyên tắc chung của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là thiệt hại bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều trường hợp thiệt hại xảy ra nằm ngoài mong muốn của bên gây thiệt hại hoặc không thể nào áp dụng triệt để nguyên tắc trên vì người chịu trách nhiệm bồi thường không thể bồi thường toàn bộ thiệt hại. Vì thế, để đảm bảo cho việc bồi thường kịp thời và có hiệu quả, pháp luật cho phép bên chịu trách nhiệm BTTH được giảm mức bồi thường.
Khoản 2 Điều 605 BLDS 2005 quy định người gây thiệt hại phải đáp ứng đủ hai điều kiện sau thì mới được giảm nhẹ trách nhiệm bồi thường: (1) do lỗi vô ý mà gây thiệt hại; và (2) thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại.
Đến BLDS 2015, hai điều kiện này đã có sự chỉnh sửa, bổ sung như sau: “Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không có lỗi hoặc lỗi vô ý”;
Ở điều kiện thứ nhất (điều kiện cần) này, BLDS 2015 đã bỏ đi cụm từ “mà gây thiệt hại” và bổ sung thêm điều kiện người chịu trách nhiệm BTTH “không có lỗi”. Sự sửa đổi này là hợp lý và phù hợp với thực tiễn hơn, bởi lẽ có những trường hợp một người phải chịu trách nhiệm BTTH nhưng thực sự họ không có lỗi, ví dụ như trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, hay trường hợp người phải bồi thường làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại mà không có lỗi, v.v…
Thêm nữa, chúng tôi cũng nghĩ rằng, trước đây khi một người gây thiệt hại do lỗi vô ý, pháp luật đã cho phép giảm mức bồi thường nếu hoàn cảnh kinh tế của họ gặp khó khăn, thì trong trường hợp một người phải chịu trách nhiệm bồi thường do hành vi của người khác hay do tài sản gây ra và họ không có lỗi thì cũng cần được xem xét giảm mức bồi thường. Nói cách khác, nếu như trước đây, người gây thiệt hại do lỗi vô ý được “đối xử” tốt hơn so với người gây thiệt hại do lỗi cố ý, thì nay người phải chịu trách nhiệm BTTH không phải do hành vi của họ gây ra và họ cũng không có lỗi thì cũng cần được đối xử tương tự như người gây thiệt hại do lỗi cố ý, như thế mới đảm bảo tính công bằng cho các bên.
Thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ở điều kiện thứ hai (điều kiện đủ) này, BLDS 2015 đã có quy định khác so với quy định này của BLDS 2005. Cụ thể là, nếu như BLDS 2005 quy định điều kiện thứ hai là khi“thiệt hại ảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại” thì BLDS 2015 đã bỏ đi cụm từ “trước mắt và lâu dài”. Như vậy, theo BLDS 2015 thì điều kiện thứ hai là “thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế” của người chịu trách nhiệm BTTH. Cách xem xét mức BTTH dựa trên khả năng kinh tế theo quy định ở BLDS 2015, rõ ràng là hợp lý và dễ dàng hơn, bởi lẽ để xác định được thiệt hại đó là có quá lớn hay không ở khoảng thời gian cả “trước mắt” lẫn “lâu dài” thực sự điều khó khăn và khó lòng chính xác.
Ba là, nguyên tắc về trách nhiệm hạn chế thiệt hại
Trước đây, mặc dù trách nhiệm hạn chế tổn thất đã được ghi nhận trong một số văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam; tuy nhiên, các quy định này chỉ tồn tại trong chế định hợp đồng hay lĩnh vực bảo hiểm, do vậy không được áp dụng cho quan hệ BTTH ngoài hợp đồng. Hiện nay, BLDS 2015 đã bổ sung nguyên tắc này vào Khoản 5 Điều 585: “Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.
Rõ ràng, có thể đánh giá đây là một bổ sung rất có giá trị. Việc thừa nhận trách nhiệm phải hạn chế thiệt hại này của bên có quyền và lợi ích bị xâm phạm là hợp lý, bởi lẽ, nếu trong khả năng của mình, bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm có thể hạn chế thiệt hại xảy ra cho chính mình nhưng họ không làm, thì về mặt lý họ sẽ không thể yêu cầu bồi thường phần thiệt hại đó. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá điểm tiến bộ khi đưa quy định này vào BLDS 2015 là góp phần hạn chế bớt thiệt hại và xét ở góc độ kinh tế, điều này sẽ đảm bảo lợi ích cho cả xã hội.
Về năng lực chịu trách nhiệm BTTH của cá nhân (Điều 586 BLDS 2015)
Nhìn chung, quy định về năng lực chịu trách nhiệm BTTH của cá nhân tại Điều 586 BLDS 2015 không có nhiều thay đổi so với Điều 606 BLDS 2005. Chỉ có điểm thay đổi nhỏ, đó là: bổ sung thêm nhóm người “có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.
Trong đời sống hàng ngày, ngoài những người do bị khuyết tật thì cũng có những người do có một số hạn chế về nhận thức dẫn tới khả năng nhận thức không đầy đủ, thiếu chính xác, không rõ ràng về hành vi của mình nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự để không thể tiếp cận được các quyền dân sự của mình. Chính vì vậy, BLDS 2015 đã bổ sung thêm nhóm người này. Theo đó, khi “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” mà gây thiệt hại thì họ cũng sẽ được đối xử giống như trường hợp người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại. Quy định này nhằm đảm bảo công bằng cũng như bảo vệ tốt quyền lợi của bên bị thiệt hại.
3. Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH (Điều 588 BLDS 2015)
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Theo quy định tại Điều 607 BLDS 2005, “thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm”. Quy định này không hợp lý, không phù hợp với thực tiễn, không bảo vệ được quyền, lợi ích của bên có thiện chí, ngay tình trong quan hệ dân sự cũng như không đảm bảo lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự. Bởi lẽ, trên thực tế, việc xác định thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, chủ thể khác bị xâm phạm là rất khó khăn, có hành vi gây thiệt hại xảy ra một thời điểm nhưng thiệt hại lại không xảy ra ngay hoặc chưa xác định được ngay thiệt hại. Thậm chí trong một số trường hợp đặc biệt từ khi có những hành vi xâm phạm đến lúc phát sinh ra thiệt hại thực tế là những hậu quả hết sức nặng nề của hành vi xâm phạm không phải hai năm mới thể hiện hết ra được bên ngoài như các vụ việc liên quan đến lĩnh vực môi trường, lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, v.v.
BLDS 2015 đã quy định về vấn đề này khác hẳn. Theo quy định của Điều 588 BLDS 2015: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu Bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.” Như vậy, thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH ở BLDS 2015 được kéo dài hơn 01 năm so với BLDS 2005, và thời điểm được dùng để tính thời hiệu này sẽ được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Có thể thấy, mốc thời gian để tính thời hiệu khởi kiện được xác định “biết hoặc phải biết” hợp lý hơn cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho bên bị thiệt hại so với quy định của BLDS 2005. Quy định này cũng phù hợp với Bộ luật Dân sự các nước khi họ cũng thường quy định thời điểm này tính từ ngày bên có quyền biết hoặc phải biết có sự vi phạm nghĩa vụ.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.