Trình tự, thủ tục của một phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

1. Thủ tục bắt đầu phiên toà

Theo quy định từ Điều 300 đến Điều 305 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì thủ tục bắt đầu phiên toà được quy định nhằm kiểm tra sự có mặt của những người tham gia tố tụng và tạo điều kiện cần thiết cho phiên toà.

– Chuẩn bị khai mạc phiên toà:

Để phiên toà được tiến hành theo quy định của pháp luật, trước khi khai mạc phiên toà, thư kí toà án phải tiến hành các công việc sau:

+ Kiểm tra sự có mặt của những người được toà án triệu tập; nếu có người vắng mặt thì phải nêu lí do;

+ Phổ biến nội quy phiên toà.

– Khai mạc phiên toà:

Khai mạc phiên toà được quy định tại Điều 301 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, việc khai mạc phiên toà được tiến hành như sau:

+ Thẩm phán chủ toạ phiên toà khai mạc phiên toà và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

+ Thư kí toà án báo cáo hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người được toà án triệu tập và lí do vắng mặt.

+ Chủ toạ phiên toà kiểm tra lại sự có mặt của những người có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của toà án và kiểm tra lí lịch, phổ biến quyền và nghĩa vụ của họ. Việc kiểm tra căn cước của những người được triệu tập và có mặt tại phiên toà được tiến hành như sau:

Đối với bị cáo: Phải hỏi để họ khai rõ về họ tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; nơi cư trú (nơi đăng kí hộ khẩu thường trú; nơi tạm trú); nghề nghiệp; trình độ văn hoá; hoàn cảnh gia đình (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con); tiền án, tiền sự; ngày bị tạm giữ, tạm giam.

Đối với người đại diện hợp pháp của bị cáo: Phải hỏi để họ khai rõ về họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi sinh; nơi cư tni; quan hệ thế nào với bị cáo.

Đối với người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diên hợp pháp của họ: Phải hỏi để họ khai về họ tên, tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú. Trường hợp nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cơ quan, tổ chức thì khai về tên và địa chỉ trụ sờ chính của cơ quan, tổ chức; họ tên; tuổi; nghề nghiệp; nơi cư trú của người đại diện hợp pháp cho cơ quan, tổ chức.

Cùng với việc kiểm tra căn cước của bị cáo, chủ toạ phiên toà cần chú ý trường hợp họ có lời khai khác nhau thì phải xác định

chính xác về căn cước của họ, ngoài việc yêu cầu họ khai rõ họ tên chính còn phải hỏi xem họ còn có tên nào khác hay bí danh không; chủ toạ phiên toà hỏi xem bị cáo đã nhận được bản cáo trạng và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn do pháp luật quy định chưa nếu đã được giao nhận thì nhận được ngày nào. Trường hợp bị cáo chưa nhận được hoặc đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng chưa được mười ngày thì phải hỏi bị cáo xem có đồng ý để toà án tiến hành xét xử vụ án không, nếu họ đồng ý thì ghi vào biên bản phiên toà và tiến hành xét xử theo thủ tục chung, nếu bị cáo không đồng ý thì hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà. Trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng thì ngay sau khi hoãn phiên toà, toà án yêu cầu viện kiểm sát tiến hành giao bản cáo trạng cho bị cáo. Trường hợp bị cáo chưa được giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử thì toà án tiến hành giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo.

Chủ toạ phiên toà hỏi kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem họ có đề nghị thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, thư kí toà án không. Nếu có người yêu cầu thì hội đồng xét xử xem xét và quyết định.

Chủ toạ phiên toà giới thiệu họ tên, nghề nghiệp hoặc chức vụ của người phiên dịch, người giám định, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của họ (nếu có). Những người này phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ.

Chủ toạ phiên toà giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của người làm chứng sau khi đã hỏi họ tên, nghề nghiệp, nơi cư trú của người làm chứng. Người làm chứng phải cam đoan không khai gian dối, nếu người làm chứng là người chưa thành niên thì không phải cam đoan. Trước khi người làm chứng được hỏi về vụ án, chủ toạ phiên toà có thể quyết định những biện pháp để cho những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc được với những người có liên quan. Trong trường hợp lời

khai của bị cáo và lời khai của người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ toạ phiên toà có thể quyết định cách li bị cáo với những người làm chứng trước khi hỏi người làm chóng.

– Giải quyết việc đề nghị thay đổi thẩm phàn, hội thẩm, kiểm sát viên, thư kí toà án, người giảm định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật

Chủ toạ phiên toà phải hỏi kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem họ có đề nghị thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư kí toà án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật hay không,lí do của việc đề nghị thay đổi. Nếu có người đề nghị thì hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

– Người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản cam đoan

Sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản thỉ chủ toạ phiên toà yêu cầu những người này phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ.

– Người làm chứng cam đoan và cách li người làm chứng

Sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho người làm chứng, chủ toạ phiên toà yêu cầu người làm chứng phải cam đoan khai trưng thực.

Trước khi người làm chứng được hỏi về vụ án, chủ toạ phiên toà quyết định biện pháp để cho những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan. Trường hợp lời khai của bị cáo và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ toạ phiên toà phải quyết định cách li bị cáo với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng.

– Giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên toà khi có người vắng mặt

Chủ toạ phiên toà phải hỏi kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét hay không. Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt hoặc tuy có mặt tại phiên tòa nhưng vì lí do sức khoẻ không thể tham gia tố tụng thì chủ toạ phiên toà phải hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên toà hay không; nếu có người yêu cầu thì hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

2. Thủ tục tranh tụng tại phiên toà

2.1 Thủ tục xét hỏi tại phiên toà

Thủ tục xét hỏi tại phiên toà được quy định từ Điều 306 đến Điều 319 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhằm xem xét công khai những chứng cứ đã thu được ở giai đoạn điều tra và chứng cứ mới để chứng minh vụ án.

– Công bố cáo trạng

Đê có cơ sở tiến hành xét hỏi, trước khi tiến hành xét hỏi, kiểm sát viên đọc bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung, nếu CÓ.Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

– Trình tự xét hỏi

Sau khi kiểm sát viên công bố cáo trạng, hội đồng xét xử tiến hành việc xét hỏi để xác định các tình tiết về từng việc và về từng tội đã truy tố. Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ toạ phiên toà điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lí.

Quy định này khắc phục tình trạng đặt nặng trách nhiệm chứng minh thuộc về hội đồng xét xử, không phù hợp nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì quyết định người hỏi trước, hỏi sau do chủ toạ phiên toà điều hành quyết định tuỳ theo từng vụ án cụ thể.

Khi xét hỏi từng người, chủ toạ phiên toà hỏi trước sau đó quyết định để thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.

Người tham gia tố tụng tại phiên toà có quyền đề nghị chủ toạ phiên toà hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ.

Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vẩn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.

Khi xét hỏi, hội đồng xét xử xem xét vật chứng có liên quan trong vụ án.

– Công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố

Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên toà thì hội đồng xét xử, kiểm sát viên không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố. Chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp:

+ Lời khai của người được xét hỏi tại phiên toà mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;

+ Người được xét hỏi không khai tại phiên toà hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố;

+ Người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;

+ Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.

Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham gia tố tụng hoặc tự xét thấy cần thiết thì hội đồng xét xử không công bố tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

– Hỏi bị cáo

Khi xét hỏi bị cáo, hội đồng xét xử hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ toạ phiên toà phải cách li họ. Trong trường hợp này, bị cáo bị cách li được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi với bị cáo đó. Trước hết, bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án. Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Đối với các vụ án đồng phạm thì nên xét hỏi những bị cáo có vai trò chính trước, các bị cáo khác được hỏi sau. Nếu bị cáo là người chưa thành niên thì hội đồng xét xừ có thể yêu cầu cha, mẹ, thầy cô giáo giúp đỡ đặt câu hỏi cho bị cáo.

Khi hỏi bị cáo, kiểm sát viên phải chú ý không chỉ hỏi về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc buộc tội mà phải hỏi cả những tình tiết có liên quan đến việc gỡ tội cho bị cáo và những tình tiết khác.

Người bào chữa hỏi bị cáo về những tình tiết liên quan đến việc bào chữa và những tình tiết khác của vụ án. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hỏi bị cáo về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự. Những người tham gia tố tụng tại phiên toà có quyền đề nghị chủ toạ phiên toà hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến họ.

Trường hợp bị cáo không trả lời các câu hỏi thì hội đông xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.

Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo được đặt câu hỏi với bị cáo khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.

– Hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ

Bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ trình bày những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Sau đó, hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.

Khi được chủ toạ phiên toà đồng ý, bị cáo có thể hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ về các vấn đề có liên quan đến bị cáo. Quy định này thể hiện tính dân chủ tại phiên toà, đồng thời tạo điều kiện để người tham gia tố tụng .bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình có hiệu quả hơn.

– Hỏi người làm chứng

Khi hỏi người làm chứng, hội đồng xét xử hỏi riêng từng người và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó. Hội đồng xét xử phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án. Chủ toạ phiên toà yêu cầu người làm chứng trình bày rõ những tình tiết của vụ án mà họ đã biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể hỏi thêm người làm chứng.

Khi được chủ toạ phiên toà đồng ý, bị cáo có thể hỏi người làm chứng về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.

Sau khi đã trình bày xong, người làm chứng ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm.

Trường hợp có căn cứ xác định người làm chứng, người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm thì hội đồng xét xử phải quyết định biện pháp bảo vệ họ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015và pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp cần thiết, toà án quyết định hỏi người làm chứng qua mạng máy tính, mạng viễn thông.

Đê tạo điều kiện cho người làm chứng yên tâm khai báo, hội đồng xét xử cần quyết định thực hiện biện pháp bảo vệ người làm chứng theo quy định của pháp luật để đảm bảo sự an toàn cho người làm chứng và người thân thích của họ.

– Xem xét vật chứng

Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên toà. Khi cần thiết, hội đồng xét xử có thể cùng với kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên toà đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên toà được. Việc xem xét vật chứng tại chỗ được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên toà có quyền trình bày nhận xét của mình về vật chứng. Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể hỏi thêm người tham gia phiên toà về những vấn đề có liên quan đến vật chứng.

– Nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghì hình có âm thanh

Theo quy định tại Điều 313 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì trường hợp cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án hoặc khi bị cáo tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình, hội đồng xét xử quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh liên quan tại phiên toà.

Cụ thể là hội đồng xét xử quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại phiên toà trong các trường hợp sau (Thông tư liên tịch của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh frong quá trình điều tra, truy tố, xét xử):

+ Kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án mà hội đồng xét xử thấy cần thiết phải kiểm ưa công khai tại phiên toà;

+ Bị cáo tố cáo bị bức cung, nhục hình trong quá trình hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội hoặc bị cáo, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội thay đổi lời khai;

+ Khi có đề nghị của kiểm sát viên, điều tra viên và những người tiến hành tố tụng khác.

Quy định này tạo điều kiện tốt hơn cho việc làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án tại phiên toà, phục vụ cho việc tranh tụng có hiệu quả hơn, góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

– Xem xét tại chỗ

Khi xét thấy cần thiết, hội đồng xét xử có thể cùng với kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên toà đến xem xét nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên toà có quyền trình bày nhận xét của mình về nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Hội đồng xét xử có thể hỏi thêm người tham gia phiên toà về những vấn đề có liên quan đến nơi đó.

Việc xem xét tại chỗ được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

– Trình bày, công bố báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức về những tình tiết của vụ án do đại diện cơ quan, tổ chức đó trình bày; trường họp không có đại diện của cơ quan, tổ chức tham dự thì hội đồng xét xử công bố báo cáo, tài liệu tại phiên toà.

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người khác tham gia phiên toà có quyền nhận xét về báo cáo, tài liệu đó và hỏi thêm người đại diện của cơ quan, tổ chức, người khác tham gia phiên toà về những vấn đề liên quan đến báo cáo, tài liệu đó.

– Hỏi người giám định, người định giá tài sản

Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản. Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên toà yêu cầu người giám định, người định giá tài sản trình bày kết luận của mình về vấn đề được giám định, định giá tài sản. Khi trình bày, người giám định, người định giá tài sản có quyền giải thích bổ sung về kết luận giám định, định giá tài sản, căn cứ để đưa ra kết luận giám định, định giá tài sản.

Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên toà có quyền nhận xét về kết luận giám định, định giá tài sản, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định, định giá tài sản hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án.

Trường hợp người giám định, người định giá tài sản không có mặt tại phiên toà thì chủ toạ phiên toà công bố kết luận giám định, định giá tài sản.

Khi xét thấy cần thiết, hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại, định giá lại tài sản.

– Điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến

Khi xét thấy cần thiết, hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu điều ữa viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

– Kết thúc việc xét hỏi

Khi xét thấy những tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì chủ toạ phiên toà hỏi kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người khác tham gia phiên toà xem họ có yêu cầu xét hỏi vấn đề gì nữa không. Nếu không có yêu cầu xét hỏi thì kết thúc việc xét hỏi; nếu có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là cần thiết thì chủ toạ phiên toà quyết định tiếp tục việc xét hỏi.

– Kiểm sát viên rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hom tại phiên toà

Tại phiên toà, sau khi kết thúc việc xét hỏi, nêu có căn cứ rõ ràng để rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng một điều luật làm thay đổi quyết định truy tố hoặc đường lối xử lí đã được lãnh đạo viện kiểm sát cho ý kiến thì kiểm sát viên quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau phiên toà, kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo viện kiểm sát. Trường hợp có đủ căn cứ để kết luận về một tội danh khác nặng hơn thì kiểm sát viên đề nghị hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án cho viện kiểm sát để xem xét và báo cáo lãnh đạo viện kiểm sát quyết định.

Đối với vụ án do viện kiểm sát cấp trên phân công cho viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, nếu tại phiên toà xét xử có những tình tiết khác với nội dung truy tố của viện kiểm sát cấp trên thì kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên toà và báo cáo lãnh đạo viện kiểm sát cấp mình để báo cáo viện trưởng viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết định. Trường hợp hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử thì kiểm sát viên phải tham gia phiên toà và phát biểu quan điểm của viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Sau phiên toà, kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo viện kiểm sát cấp mình để báo cáp viện trưởng viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết đinh. (Xem: Điều 21 Quy chế công tác thực hành quyền công tổ, kiểm sát xét xử vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (ban hành kèm theo quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017).

2.2 Thủ tục tranh luận tại phiên toà

Việc tranh luận tại phiên toà được quy định nhằm đảm bảo cho đại diện viện kiểm sát và những người tham gia phiên toà được phân tích, đánh giá chứng cứ của vụ án góp phần đề ra những biện pháp xử lí phù hợp với pháp luật.

– Việc tranh luận tại phiên toà được tiến hành như sau:

Sau khi kết thúc việc xét hỏi, kiểm sát viên trình bày luận tội; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị toà án tuyên bố bị cáo không có tội.

Bị cáo trình bày lời bào chữa; người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; bị cáo, người đại diện của bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa.

Bị hại, đương sư, người diện của họ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến.

Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày, bổ sung ý kiến sau khi kiểm sát viên trình bày luận tội.

– Kiểm sát viên trình bày lời luận tội

Để cơ sở tranh luận và bảo đảm tranh luận dân chủ tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp và phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

Luận tội của kiểm sát viên phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên toà và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên toà.

Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của BLHS, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lí vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

Đe nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hom; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lí vật chứng.

Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

– Tranh luận tại phiên toà

Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lí vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

BỊ cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra đề nghị của mình.

Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác tại phiên toà. Người tham gia tranh luận có quyên đáp lại ý kiến của người khác.

Nếu vụ án có nhiều người bào chữa cho bị cáo hoặc những người tham gia tố tụng khác có cùng ý kiến về một nội dung thì kiểm sát viên tổng hợp lại để đối đáp chung cho các ý kiến đó. Trường hợp chủ tọa phiên toà đề nghị kiểm sát viên đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác chưa được tranh luận thì kiểm sát viên thực hiện theo đề nghị của chủ tọa phiên toà, nếu đã tranh luận một phần thì kiểm sát viên tranh luận bổ sung cho đầy đủ, không lặp lại những nội dung đã tranh luận trước. Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và ý kiến lặp lại.

Chủ toạ phiên toà yêu cầu kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chứa được kiểm sát viên tranh luận.

Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên toà để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên toà thì hội đồng xét xử phải nêu rõ lí do và được ghi trong bản án.

Nếu qua tranh luận mà thấy còn có tình tiết vụ án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ thì hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.

– Bị cáo nói lời sau cùng

Sau khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, chủ toạ phiên toà tuyên bố kết thúc tranh luận.

Bị cáo được nói lời sau cùng. Không được đặt câu hỏi khi bị cáo nói lời sau cùng. Nêu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc hỏi. Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu bị cáo không được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án nhưng không được hạn chế thời gian đối với bị cáo.

– Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên toà

Khi kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hom thi hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án.

Trường hợp kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia phiên toà trình bày ý kiến về việc rút quyết định truy tố đó. Việc rút quyết định truy tố được giải quyết cụ thể như sau (Điều 27 Quy chế về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao số 960/QĐ-VKSNDTC ngày 17/9/2007):

Nếu kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố không có căn cứ nhưng hội đồng xét xử vẫn chấp nhận và tuyên bị cáo không phạm tội thì viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Trường hợp toà án có kiến nghị với viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp về việc kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố tại phiên toà không có căn cứ, thì viện trưởng viện kiểm sát nhận được kiến nghị nghiên cứu, quyết định hủy việc rút quyết định truy tố và thông báo bằng văn bản cho toà án đã kiến nghị biết.

Nếu việc rút quyết định truy tố của kiểm sát viên có căn cứ thì viện trưởng viện kiểm sát nhận được kiến nghị thông báo bằng văn bản cho toà án để chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát xem xét, xử lí theo quy định.

3. Nghị án và tuyên án

3.1 Nghị án

Sau khi kết thúc tranh luận, hội đồng xét xử vào phòng nghị án để thảo luận và quyết định bản án. Chỉ có các thành viên của hội đồng xét xử mới được tham gia nghị án. Kiểm sát viên và thư kí toà án không được tham gia nghị án. Thẩm phán có nhiệm vụ giải thích cho hội thẩm biết những quy định của pháp luật và đường lối xét xử cân được áp dụng trong việc xử lí vụ án. Trên cơ sở đó, hội đồng xét xử xem xét đầy đủ, toàn diện những chúng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà, những ý kiến luận tội của viện kiểm sát, những lời bào chữa, ý kiến của bị cáo và ý kiến của những người khác có lợi ích cần được giải quyết trong vụ án (Điều 326 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Chủ toạ phiên toà chủ trì việc nghị án có trách nhiệm đưa ra từng vấn đề của vụ án phải được giải quyết để hội đồng xét xử thảo luận, quyết định. Chủ toạ phiên toà tự mình hoặc phân công một thành viên hội đồng xét xử ghi biên bản nghị án. Các thành viên hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về tùng vấn đề.Hội thẩm biểu quyết trước, thẩm phán biểu quyết sau cùng. Nêu không có ý kiến nào chiếm đa số thì phải thảo luận và biểu quyết lại từng ý kiến của các thành viên hội đồng xét xử đã đưa ra để xác định ý kiến chiếm đa số. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.

Việc nghị án chỉ được căn cứ vào những chóng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác.

Các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi nghị án gồm:

+ Vụ án có thuộc trường họp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không;

+ Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu do cơ quan điều tra, điều tra viên, viện kiểm sát, kiểm sát viên thu thập; do luật sư, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác cung cấp;

+ Có hay không có căn cứ kết tội bị cáo. Trường hợp đủ căn cứ kết tội thì phải xác định rõ điểm, khoản, điều của BLHS được áp dụng;

+ Hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đôi với bị cáo; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; vấn đề dân sự trong vụ án hình sự;

+ Bị cáo có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay không;

+ Án phí hình sự, án phí dân sự; xử lí vật chứng; tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong toả;

+ Tính họp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của điều tra viên, kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;

Trường hợp kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì hội đồng xét xử vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự trên. Neu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì hội đồng xét xử tuyên bị cáo không có tội; nếu thấy việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện trưởng viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.

Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp thì hội đồng xét xử có thể quyết định kéo dài thời gian nghị án nhưng không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc tranh luận tại phiên toà. Hội đồng xét xử phải thông báo cho những người có mặt tại phiên toà và người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên toà biết giờ, ngày, tháng, năm và địa điểm tuyên án.

Kết thúc việc nghị án, hội đồng xét xử phải quyết định một trong các vấn đề:

+ Ra bản án và tuyên án;

+ Trở lại việc xét hỏi và tranh luận nếu có tình tiết vụ án chưa được xét hỏi, chưa được làm sáng tỏ;

+ Trả hồ sơ vụ án để viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ;

+ Tạm đình chỉ vụ án.

Hội đồng xét xử phải thông báo cho những người có mặt tại phiên toà và người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên toà về các quyết định trả hồ sơ vụ án để viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ; quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Trường hợp phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì hội đồng xét xử quyết định việc khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 18 và Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

3.2 Tuyên án

Chủ toạ phiên toà hoặc một thành viên khác của hội đồng xét xử đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo (Điều 327 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Sau khi bản án đã được thông qua thì hội đồng xét xử trở lại phòng xử án để tuyên án. Khi tuyên án, mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Trường hợp bản án quá dài, chủ toạ phiên toà có thể chỉ yêu cầu mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi đọc phần mở đầu và phần quyết định của bản án. Chủ toạ phiên toà hoặc một thành viên khác của hội đồng xét xử đọc bản án sau đó có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

Trường hợp bị cáo không biết tiếng Việt, ngay sau khi tuyên án, người phiên dịch phải đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết.

– Trong các trường hợp sau đây, hội đồng xét xử phải tuyên bố trà tự do ngay tại phiên toà cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác:

+ Bị cáo không có tội;

+ BỊ cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt;

+ Bị cáo bị xử phạt bằng hình phạt không phải là hình phạt tù;

+ Bị cáo bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo;

+ Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.

– Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo, trừ trường họp bị cáo bị xử phạt bằng hình phạt không phải là hình phạt tù; bị cáo bị xử phạt tù nhung được hưởng án treo được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên toà nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội.

Thời hạn tạm giam bị cáo trong hai trường họp trên là 45 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bị cáo bị xử phạt tử hình thì hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án.

4. Những việc cần phải làm sau khi kết thúc phiên tòa hình sự sơ thẩm

1. Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày tuyên án, toà án cấp sơ thẩm phải gửi bản án theo quy định tại khoản 1 Điều 262 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

2. Nếu bị cáo bị xử vắng mặt vì lí do trốn hoặc đang ở nước ngoài, trong thời gian nói trên, bản án phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập cuối cùng của bị cáo… Việc niêm yết phải được lập thành biên bản ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết có chứng nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc cuối cùng của bị cáo và được lưu vào hồ sơ vụ án. Bản án phải được niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày kể từ ngày niêm yết;

3. Gửi bản án cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

4. Nếu bản án bị kháng cáo thì toà án cấp sơ thẩm phải thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát cùng cấp và những người liên quan đến kháng cáo trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo;

5. Nếu bản án bị kháng nghị thì trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định kháng nghị, viện kiểm sát phải gửi quyết định kháng nghị cho bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *