Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là gì? Nhiệm vụ, ý nghĩa của xét xử sơ thẩm

1. Khái niệm xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Xét xử sơ thẩm được hiểu là việc giải quyết một vụ án lần đầu theo thẩm quyền xét xử tuỳ từng tính chất, mức độ, lĩnh vực vi phạm khác nhau mà thẩm quyền giải quyêt của toá án cũng khác nhau.

2. Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là gì ?

Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó, toà án có thẩm quyền (cấp xét xử thứ nhất) thực hiện trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên toà xem xét, giải quyết vụ án bằng việc ra bản án quyết định bị cáo (hoặc các bị cáo) có tội hay không có tội, hình phạt và các biện pháp tư pháp, cũng như các quyết định tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

Quá trình tiến hành giải quyết vụ án hình sự trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó, việc xét xử vụ án hình sự đóng vai trò quan trọng. Tại phiên toà, trên cơ sở những chứng cứ đã được kiểm tra công khai, toà án ra bản án xác định bị cáo có tội hay không có tội. Nếu bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội thì đó là tội gì, được quy định tại điều khoản nào của BLHS. Ngoài việc ra bản án, toà án còn có quyền ra các quyết định cần thiết khác nhằm giải quyết vụ án như quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án… Theo nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo, bản án và quyết định sơ thẩm của toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị frong thời hạn luật định thì có hiệu lực pháp luật nhưng nếu bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Như vậy, có thể nói xét xử sơ thẩm là xét xử lần đàu do toà án có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật.(1) Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là toà án nhân dân cấp huyện, toà án quân sự khu vực, toà án nhân dân cấp tỉnh và toà án quân sự cấp quân khu.

3. Nhiệm vụ của xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được tiến hành sau khi toà án thụ lí vụ án. Do vậy, mọi chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án chỉ là tài liệu để toà án xem xét, kiểm tra nhằm đưa ra những phán quyết khách quan phù hợp với quy định của pháp luật. Tất cả những thông tin, tài liệu, đồ vật thu thập được trong giai đoạn điều tra, truy tố đều được đưa ra xem xét công khai tại phiên toà thông qua tranh tụng tại phiên toà (xét hỏi và tranh luận). Xét xử sơ thẩm là xét xử ở cấp thứ nhất nên trong giai đoạn này, toà án phải giải quyết mọi vấn đề của vụ án trên cơ sở cáo trạng hay quyết định truy tố (nếu vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn) của viện kiểm sát. Do vậy, nhiệm vụ của giai đoạn này được thể hiện như sau:

– Xem xét và giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp của công dân, góp phần phòng ngừa và chống tội phạm;

– Trên cơ sở cáo trạng (hoặc quyết định truy tố) của viện kiểm sát, giai đoạn này có nhiệm vụ xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố để đưa ra phán quyết, quyết định bị cáo có tội hay không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp; trách nhiệm bồi thường thiệt hai, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; bị cáo có thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, hình phạt hay không; án phí hình sự, án phí dân sự; xử lí vật chứng, tài sản bị kê biên, tài sản bị phong tỏa.

4. Ý nghĩa của xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

– Góp phần bảo vệ công lí, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ pháp chế;

– Thông qua việc xét xử và đặc biệt là qua xét xử công khai, giai đoạn xét xử sơ thẩm góp phần giáo dục công dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội;

– Hoạt động xét xử tại phiên toà còn góp phần nâng cao ý thức phòng ngừa và chống tội phạm cũng như các vi phạm pháp luật khác.


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *